Gỡ thẻ vàng thủy sản: ‘Phải làm vì lợi ích quốc gia’
Gỡ thẻ vàng thủy sản: ‘Phải làm vì lợi ích quốc gia’
Sau năm năm chưa gỡ được thẻ vàng, Thủ tướng đặt vấn đề cần kiểm điểm trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, đồng thời cần sự vào cuộc tích cực của người dân, bởi ‘dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong’.
Chiều 1-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển (tới cấp huyện, xã) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU).
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội nghị này nhằm bàn về một vấn đề đã tồn tại, kéo dài năm năm nay. Năm ngoái, Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố về vấn đề này, nhưng cho đến nay, tình trạng vi phạm IUU vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Theo Thủ tướng, cần kiểm điểm trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, đồng thời cần sự vào cuộc tích cực của người dân, bởi “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Thủ tướng đề nghị phải “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân hưởng thụ thành quả thật, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải có hiệu quả”. Ai làm tốt phải được khen thưởng, ai chưa làm tốt thì phải kiểm điểm, ai cố tình vi phạm phải xử lý.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải làm việc này vì lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân, vì hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế, khẳng định Việt Nam là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua đợt kiểm tra lần thứ ba vào cuối tháng 10-2022, tình hình vi phạm IUU tại Việt Nam được đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá đã có chuyển biến tích cực hơn rất nhiều so với lần thanh tra thực tế lần thứ hai vào năm 2019.
Tuy nhiên EC vẫn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đưa ra 4 nhóm khuyến nghị để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện, khắc phục trong thời gian tới.
Về khung pháp lý, cần tăng mức xử phạt đảm bảo cao hơn gấp nhiều lần so với lợi ích thu được. Bổ sung hình thức xử phạt bổ sung tịch thu sản phẩm khai thác và xem xét quy định truy tố một số hành vi vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm…
Công tác quản lý đội tàu được EC đánh giá có nhiều tiến bộ nhưng cần phải có biện pháp quản lý đối với khối tàu chưa lắp VMS, không có giấy phép khai thác.
EC đề nghị xây dựng quy trình để kiểm soát nguồn gốc đối với sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam bằng tàu container, các doanh nghiệp phải có quy trình kiểm soát nguyên liệu thô nhập vào để đảm bảo doanh nghiệp không trộn lẫn nguyên liệu từ khai thác IUU khi xuất khẩu sang thị trường EU.
EC đề nghị khi tàu đã vi phạm khai thác IUU thì phải được xử lý nghiêm theo quy định, không có trường hợp ngoại lệ.
Dự kiến tháng 4-2023, đoàn thanh tra của EC sẽ tiếp tục sang Việt Nam để kiểm tra việc khắc phục các khuyến nghị.
EC không gỡ thẻ vàng nếu còn tàu cá đánh bắt trái phép
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn xảy ra, diễn biến phức tạp, chưa thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao.
Trong năm 2022, tính đến thời điểm thanh tra có 73 tàu vi phạm bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, tập trung tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau và Kiên Giang. Nếu không chấm dứt được việc này thì EC sẽ không gỡ cảnh báo “thẻ vàng”.
Ngoài ra, công tác thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi khai thác IUU tại địa phương rất yếu kém, thiếu trách nhiệm và chưa thống nhất, đồng bộ.
Ví dụ như từ đầu năm 2022 đến nay xảy ra 412 lượt tàu trên 24 mét mất kết nối VMS thì 108 lượt tàu/8 tỉnh chưa xử lý đến cùng, 46 lượt tàu/9 tỉnh không phản hồi kết quả xử lý. Một số tỉnh xử phạt vi phạm IUU còn rất hạn chế như Thái Bình, Hà Tĩnh, Phú Yên, Hải Phòng…