23/12/2024

Lỗ lớn, điện có tăng giá?

Lỗ lớn, điện có tăng giá?

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố kết quả kinh doanh trong 10 tháng đầu năm với mức lỗ lên đến hơn 15.000 tỉ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên sau 5 năm EVN báo lỗ khiến nhiều người lo ngại việc giá điện có thể sẽ phải điều chỉnh tăng.

 

“Thắt lưng buộc bụng”, vẫn lỗ hơn 31.000 tỉ đồng

Theo EVN, với diễn biến giá nhiên liệu trong năm và nếu căn cứ kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được Bộ Công thương phê duyệt từ đầu năm nay, thì kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của tập đoàn có thể lỗ lên tới 64.805 tỉ đồng. Nguyên nhân lỗ do giá nhiên liệu đầu vào như than, khí đốt… tăng mạnh khiến chi phí của các nhà máy sản xuất điện tăng, làm tăng chi phí mua điện trên thị trường. Bên cạnh đó là tỷ giá ngoại tệ biến động từng ngày. Mặc dù đã cắt giảm chi phí, tiết kiệm…, kết quả sản xuất kinh doanh 10 tháng đầu năm của EVN ghi nhận lỗ khoảng 15.758 tỉ đồng, dự kiến cả năm 2022 có thể lỗ ở mức khoảng 31.360 tỉ đồng.

Lỗ lớn, điện có tăng giá? - ảnh 1
Nhiều hạng mục, công trình sửa chữa trong ngành điện bị cắt bớt để giảm chi phí  ĐỘC LẬP

Tập đoàn báo lỗ, các tổng công ty trực thuộc EVN cũng cho biết kết quả kinh doanh 10 tháng qua khá “bết bát”. Đại diện Tổng công ty điện lực miền Nam (EVNSPC), đơn vị cấp điện tại 21 tỉnh thành phía nam, thừa nhận mặc dù đã nỗ lực hết sức bằng nhiều giải pháp tiết kiệm, tối đa hóa mọi khoản mục chi phí, lùi giãn tiến độ triển khai nhiều công trình, dự án cung cấp, sửa chữa lưới điện, điều tiết tối ưu huy động nguồn điện mua giá cao, tăng sản lượng điện mua nội bộ tại khung giờ thấp điểm (giảm đơn giá mua điện bình quân)…; thế nhưng vẫn không tránh lỗ. Tổng công ty điện lực miền Bắc (EVNNPC), đơn vị quản lý cấp điện 27 tỉnh thành phía bắc, cũng tình cảnh tương tự. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất kinh doanh điện của doanh nghiệp (DN) này lỗ hơn 4.800 tỉ đồng.

Đại diện EVN cho biết, dù cố gắng cắt giảm nhiều chi phí, nhưng ngành vẫn không thể bù đắp các chi phí mua điện đầu vào quá lớn. Tập đoàn có thể gặp khó do không cân đối được dòng tiền thanh toán chi phí mua điện cho đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện, đồng thời tác động đến việc cung cấp điện. Ngoài ra, trong thời gian qua, chi phí sửa chữa của ngành cũng bị cắt giảm theo định mức 10 – 30%. Nếu tiếp tục cắt giảm, công tác an toàn trong vận hành hệ thống điện các năm tiếp theo sẽ bị ảnh hưởng lớn.

“Năm 2023, dự kiến giá nhiên liệu (than, dầu, khí) trên thế giới vẫn ở mức cao theo các nguồn dự báo, tỷ giá USD liên tục tăng trong thời gian qua. Đồng thời tỷ trọng các nguồn điện có giá thành rẻ (như thủy điện) có xu hướng giảm và tăng tỷ trọng các nguồn điện có giá bán cao”, EVN thông tin thêm.

Mặc dù chưa khẳng định sẽ tăng giá bán điện, nhưng EVN cho rằng giá điện đang đứng trước áp lực lớn khi các nguyên liệu đầu vào vẫn tiếp tục tăng. Hiện giá bán lẻ điện bình quân ở mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng) duy trì từ tháng 3.2019 đến nay. Cụ thể hơn, EVNSPC tính toán, giá mua điện thị trường dự kiến tăng khoảng 39% so với mức giá bán điện bình quân của đơn vị. Còn theo EVNNPC thì giá bán điện bình quân ước cả năm 2022 của tổng công ty là 1.786 đồng/kWh, trong khi giá mua điện trên thị trường điện của DN là 2.500,46 đồng/kWh.

 

Cần minh bạch các yếu tố gây lỗ

Chuyên gia tài chính, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng giá điện với các chi phí đầu vào từ nhiên liệu (dầu, khí, than…), vật liệu xây dựng (xi măng, sắt thép…) đến tỷ giá ngoại tệ đều biến động mạnh trong vài năm qua. Giá điện cũng bị “nén” quá lâu, không điều chỉnh từ tháng 3.2019 đến nay. Thế nên, có lẽ đến lúc Chính phủ cùng các bộ Công thương, Tài chính cần rà soát lại, xem xét vấn đề này. “Câu chuyện đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong thời gian qua là bài học xương máu cho các nhà quản lý trong điều hành về giá các mặt hàng nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh, sản xuất kinh doanh của nền kinh tế như xăng dầu, điện…

Ở góc độ người tiêu dùng thì không ai muốn tăng giá điện lúc này. DN lại càng không muốn, do họ đang đối diện quá nhiều khó khăn vì chi phí đầu vào tăng, hàng sản xuất ra bán không được, một số phải sa thải công nhân… Thế nên, việc rà soát lại chi phí giá điện là cần thiết, song phải có giải pháp phù hợp tình hình. Theo tôi, có thể chưa tăng giá ngay trong năm nay được”.

Giải pháp phù hợp, theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế tài chính của Học viện Tài chính, là “nếu tăng cũng chỉ ở mức độ thấp nhất có thể”. Đặc biệt, phải giãn thời gian tăng giá, có thể từ giữa năm sau, khi hoạt động sản xuất kinh doanh bắt đầu giảm bớt khó khăn, đi vào ổn định hơn. Tuy nhiên, ông Thịnh nhấn mạnh: “Bài toán về giá phải luôn được cân nhắc, tính toán thật kỹ lưỡng. Bởi tăng giá điện lúc này là vấn đề nhạy cảm, nhưng nếu không điều chỉnh, lại khó cho DN ngành điện. Đây là bài toán rất khó giải. Dù chọn giải pháp nào thì cũng phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân và DN, bởi tình hình cho thấy lạm phát đang có xu hướng tăng, chi phí tăng cao trong khi đơn hàng bị cắt giảm mạnh…”.

Ngoài ra, ông Thịnh cũng lưu ý, trong báo cáo lỗ của EVN chỉ thấy dự báo con số cuối cùng, không thấy rõ cơ cấu các khoản mục đẩy mức lỗ lên hàng chục ngàn tỉ đồng. Để sòng phẳng, đề xuất xem xét điều chỉnh giá điện của EVN cần cho chi tiết cụ thể số liệu về các đầu vào gây lỗ. Chẳng hạn, lỗ vì tỷ giá chiếm bao nhiêu phần trăm trong số đó, lỗ vì giá dầu tăng chiếm bao nhiêu… Trong lịch sử, một số ngành báo nguyên một “rổ” lỗ bao gồm các khoản đầu tư ngoài ngành, khi đó việc tăng giá sẽ không thuyết phục.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Bùi Trinh đánh giá, nếu “đẩy vào giá” tất cả các yếu tố lỗ là bất hợp lý, đặc biệt là yếu tố tỷ giá. Về nguyên tắc, khi ngành điện “ăn nên làm ra”, có lời thì phải trích quỹ dự phòng để cân đối trong những giai đoạn tình hình kinh tế có nhiều biến động.

“Không thể để lỗ về tài chính xong bắt toàn dân phải chịu giá điện tăng, nếu có. Mặt khác, năng suất lao động của ngành điện được thống kê cao gấp 17 lần so với năng suất lao động bình quân của nền kinh tế và có xu hướng càng ngày càng tăng. Năng suất lao động chính là giá trị gia tăng chia cho số lao động. Về cơ bản, có thể hiểu mỗi lần tăng giá điện đều đi vào 2 bộ phận là thu nhập của người lao động và thặng dư sản xuất của ngành điện. Bên cạnh đó, các DN than thở chi phí đầu vào của ngành điện tăng, nhưng không minh bạch, không rõ chi phí này. Đây là tính chi phí cho cả ngành hay chỉ chi phí sản xuất điện, cũng cần nói rõ. Người dân không biết những chi phí này đã gạt bỏ ra những vấn đề sản xuất phụ hay chưa”, ông Trinh nêu quan điểm và bày tỏ lo ngại: Điện đi vào tất cả các ngóc ngách của nền kinh tế, từ tiêu dùng đến sản xuất. Giá điện “nhích” một chút thì kéo theo giá thành sản xuất tăng, giá thành phẩm tăng, lợi nhuận của DN giảm đi trong khi mức chi tiêu của người dân cũng sẽ bị co lại. Chưa kể người dân phải chịu tác động kép khi phải trả thêm tiền điện sinh hoạt.

Trong bối cảnh các DN đang quá khó khăn như hiện nay, nếu giá nhiên liệu thiết yếu như xăng dầu, giá điện tiếp tục tăng nữa thì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm tới e rằng sẽ đối diện rất nhiều thách thức. Thế nên, tăng giá các mặt hàng này cần hết sức cân nhắc.

TS Bùi Trinhchuyên gia kinh tế

 

NGUYÊN NGA – HÀ MAI

TNO