Không ngủ trưa, học sinh đi hát karaoke, ra quán học bài
Không ngủ trưa, học sinh đi hát karaoke, ra quán học bài
Không chọn đi ngủ để ‘nạp lại’ năng lượng, học sinh THPT có những cách giải trí và ôn bài khác nhau để giờ nghỉ trưa thêm hiệu quả, sẵn sàng cho tiết học buổi chiều.
Muôn kiểu giải trí, ôn bài
Không chọn đi ngủ trong giờ nghỉ trưa từ THPT cho đến hiện tại, Lê Phương Uyên (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho hay đây là thói quen từ nhỏ. “Nếu ngủ trưa, tôi hay bị chóng mặt và nhức đầu, ảnh hưởng đến tiết học buổi chiều”, nữ sinh chia sẻ.
Vì lẽ đó, khi còn là học sinh THPT, cô thường chọn làm nhiều hoạt động khác nhau trong giờ nghỉ trước khi vào học buổi chiều như đọc sách, xem phim hoặc tranh thủ ôn bài tại trường nếu có tiết kiểm tra. “Có những hôm cảm thấy căng thẳng, tôi sẽ đi hát karaoke cùng bạn bè để giải tỏa, vừa mát vừa rẻ do quán có ưu đãi nếu là học sinh”, Uyên cho hay.
Ngoài giờ trên lớp, học sinh, sinh viên thường đến quán cà phê để ôn bài NỮ VƯƠNG |
Lâm Vĩnh Hồng (lớp 12TH Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3) thì chia sẻ thay vì ngủ trưa, em thường tập văn nghệ để diễn các tiết mục cho trường, sinh hoạt câu lạc bộ hoặc đi quán cà phê để học bài chuẩn bị cho thi cử. “Có hôm em cùng bạn chở nhau ăn uống ở những quán nổi tiếng trên mạng nằm xa trường nên cũng không ngủ trưa”, Hồng kể.
Theo nam sinh, việc đi đây đó làm việc, vui chơi trong giờ nghỉ trưa là cơ hội để em phát triển kỹ năng của bản thân, hoặc đơn giản chỉ là giải trí và “làm mới” lại cảm xúc trước khi vào giờ học buổi chiều. “Nhiều lúc sau khi ngủ dậy, em thấy mình còn mệt hơn trước nữa nên không ngủ trưa là một lựa chọn đáng thử”, Hồng khẳng định.
Mệt mỏi hơn sau khi thức giấc cũng là lý do Lê Hoàng Thịnh (lớp 12A7 Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1) không chọn ngủ trưa tại trường. “Thời gian đó, em sẽ tranh thủ về nhà tắm rửa cho tỉnh táo hơn. Em cũng thường dùng giờ nghỉ trưa để đi chơi hoặc học bài với bạn nếu sắp tới có bài kiểm tra”, nam sinh nói.
Học sinh thường chọn ôn bài vào giờ nghỉ trưa (ảnh minh họa) FREEPICK |
Mặt khác, cũng có học sinh chọn cân đối giữa việc làm và ngủ. Hiện là Uỷ viên Ban chấp hành Đoàn trường, Hà Đức Cường (lớp 10A5 Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5) cho hay vào giờ nghỉ trưa, em thường ở văn phòng Đoàn xử lý công tác Đoàn vụ, các hoạt động Đoàn hoặc làm bài tập trên lớp. “Có khi em còn chơi cầu lông, bóng rổ”, nam sinh nói.
Dù vậy, Cường luôn sắp xếp thời gian hợp lý để có 20 phút ngủ trưa mỗi ngày. “Đó là vì theo nghiên cứu khoa học, chỉ cần ngủ trưa đúng 20 phút thì trong 2 tới 3 giờ tiếp theo sẽ rất tỉnh táo làm việc. Em đã thử và thật sự rất hiệu quả”, Cường khẳng định, cho biết thêm ở trường không tổ chức ngủ bán trú, chỉ có những phòng nghỉ trưa dành cho học sinh không về nhà.
Không nên ép học sinh ngủ trưa
Theo Hoàng Thịnh, phụ huynh và giáo viên không nên ép học sinh phải ngủ trưa nếu không buồn ngủ, và hãy cho các em thỏa thích đi ăn, ra ngoài chơi với bạn. “Miễn sao những hoạt động ấy lành mạnh và giúp học sinh có thể giải trí, sẵn sàng tiếp thu kiến thức từ bài giảng sau giờ nghỉ trưa”, Thịnh cho biết.
Một số học sinh Trường THCS Ba Đình, Q.5 không ngủ trưa mà ăn trưa và ngồi nghỉ ở hàng quán bên ngoài trường THÚY HẰNG |
Vĩnh Hồng thì lưu ý các hoạt động vào giờ trưa không nên tiêu hao quá nhiều năng lượng khiến cơ thể mệt mỏi thêm thay vì được nghỉ ngơi, trong khi buổi chiều còn phải học trung bình từ 3 tiết trở lên. “Các bạn cũng nên hạn chế di chuyển quá lâu ở ngoài trời vì giữa trưa nắng gắt, dễ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, thậm chí có nguy cơ mắc bệnh làm gián đoạn việc học”, Hồng khuyên.
Chú ý những ngày kín lịch học để sắp xếp hoạt động nghỉ trưa phù hợp, sao cho không ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ buổi tối là cách mà Nguyễn Ngọc Yến Nhi (học sinh Trường THPT Ernst Thälmann, Q.1) thực hiện trong những năm qua.
“Nếu có nhiều bài tập trong hôm sau hay phải học thêm về trễ, em thường dành giờ nghỉ trưa làm hoặc soạn trước cho ngày mai để tối không cần thức khuya ‘đánh vật’ với các môn. Còn không vướng bận gì thì giờ trưa là dịp để bạn bè chúng em ‘tám chuyện’ với nhau cho khuây khỏa”, Nhi cho hay.
Giáo viên khuyên gì?
Trái với quan điểm của một số học sinh, cô Vũ Thị Hồng Trân (giáo viên Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Quảng Nam) nhìn nhận “dù ít hay nhiều” các em cũng nên ngủ trưa để có sức học tiếp vào buổi chiều. Có 2 con đều ở lứa tuổi học trò, cô Trân cho hay con được ăn và vui chơi trong 1 tiếng, và ngủ trưa hơn 1 tiếng.
“Nhà tôi dù ở gần nhưng cũng cho con học bán trú, không đón về vì sẽ làm mất giấc ngủ trưa, ảnh hưởng đến việc học của con. Thậm chí, con có thể ngủ trong giờ học”, cô Trân giải thích.
Còn thạc sĩ Đặng Thị Kiều Oanh (giáo viên Trường Quốc tế Quy Nhơn và một trường THPT tại Quy Nhơn, Bình Định) cho biết vào giờ trưa, trường bắt buộc học sinh phải ngủ và có quản nhiệm trực nghiêm túc. “Theo tôi, học sinh rất cần đi ngủ trong giờ nghỉ trưa, nếu không, chắc chắn sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến việc học vào buổi chiều”, cô Oanh nói.
NGỌC LONG
TNO