FED dự kiến giảm mức tăng lãi suất, thị trường thế giới hồi hộp chờ
FED dự kiến giảm mức tăng lãi suất, thị trường thế giới hồi hộp chờ
Ngày 30-11, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), ông Jerome Powell, xác nhận sắp tới cơ quan này có thể sẽ tăng lãi suất cơ bản chậm lại, dù ông nhìn nhận cuộc chiến chống lạm phát ở Mỹ vẫn chưa có tiến triển đủ rõ ràng.
Ông Powell cũng cảnh báo chính sách tiền tệ nhiều khả năng vẫn sẽ được thắt chặt một thời gian nữa, cho tới khi có tín hiệu lạm phát đã cải thiện. “Bất chấp những diễn tiến hứa hẹn gần đây, chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để khôi phục sự ổn định giá cả”, ông Powell nói khi họp báo ở Viện Brookings.
Chủ tịch FED lưu ý những chính sách như tăng lãi suất cơ bản hay giảm nắm giữ trái phiếu chính phủ của FED thường mất một thời gian trước khi có những tác động lên hệ thống.
Thị trường phản ứng tích cực
Theo Hãng tin Reuters, thị trường đã phản ứng tích cực với tuyên bố của ông chủ tịch FED. Chỉ số công nghiệp Dow Jones bình quân của Mỹ tăng 737 điểm, tức 2,18%, chấm dứt ba phiên giảm liên tiếp. Các cổ phiếu công nghệ còn tăng phấn khởi hơn khi chỉ số Nasdaq tăng tới 4,41%.
“Nhiều nhà đầu tư đã lo sợ chủ tịch FED sẽ lại dùng búa tạ đập hết cỡ” – Krishna Guha, giám đốc chính sách toàn cầu và chính sách với các ngân hàng trung ương ở Hãng tài chính Evercore ISI, ví von. “Nhưng nỗi lo đó giờ đã được giải tỏa”.
Các thị trường trên thế giới đều hồi hộp chờ đợi những bước đi mới của FED sau bốn lần liên tiếp tổ chức này nâng lãi suất cơ bản ở Mỹ thêm 0,75 điểm phần trăm. Đó là mức tăng lãi suất cấp tập nhất của FED kể từ những năm 1980.
Hãng CME Group dự báo có 65% khả năng là từ tháng 12, mức tăng lãi suất của FED sẽ chậm lại, ở mức 0,5 điểm phần trăm. Nay sau tuyên bố của ông Powell thì khả năng này đã tăng lên thành 77%.
Thời gian qua đã xuất hiện một số tín hiệu lạm phát giảm tốc ở Mỹ. Đầu tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ vẫn tăng, nhưng thấp hơn so với ước tính của giới kinh tế gia. Các báo cáo khác ngày 30-11 cho thấy tăng trưởng tiền lương thực thấp hơn nhiều so với kỳ vọng trong tháng 11, và số việc làm tuyển mới cũng giảm. Đây là những dấu hiệu cho thấy lãi suất tăng cao đã ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Powell nói dữ liệu ngắn hạn có thể không đầy đủ và vẫn phải thận trọng với lạm phát. Ông cho biết các chuyên gia của FED ước tính lạm phát trong tháng 10 sẽ ở mức 5% (so với cùng kỳ năm ngoái), tức giảm so với 5,1% vào tháng 9, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu dài hạn 2% của FED.
“Tôi sẽ cần nhiều bằng chứng hơn để có thể thực sự tin là lạm phát đang giảm – Reuters dẫn lời ông Powell – Theo bất cứ tiêu chuẩn nào, lạm phát hiện giờ vẫn là quá cao”.
Các nước đang phát triển thở phào?
Việc FED phát đi tín hiệu giảm mức tăng lãi suất sẽ “sớm có tác động toàn cầu”, theo phân tích của Reuters. Cụ thể, lãi suất cơ bản ở Mỹ tăng chậm lại giúp “giảm bớt áp lực với các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu phải tăng lãi suất theo”, “mang tới cảm giác nhẹ nhõm ở các thị trường mới nổi vốn vừa trải qua đợt mất giá đồng nội tệ lớn nhất trong một thập niên”, “làm cổ phiếu tăng trở lại”, và “các đồng tiền khác phục hồi so với đồng USD”.
Quan trọng không kém, động thái của FED cho thấy lạm phát có thể đang được kiểm soát, làm tăng hy vọng “hạ cánh mềm” cho Mỹ, và qua đó tác động tích cực lên các nền kinh tế khác. Ở nhiều nơi, cuộc chiến chống lạm phát còn lâu mới kết thúc, nhưng đây vẫn là tín hiệu tích cực, nhất là với các nền kinh tế mới nổi.
“Nhiều thị trường mới nổi, như ở Mỹ Latin, cơ bản đã đạt tới mức lãi suất đỉnh rồi và thực ra đang rất muốn giảm lãi suất, nếu FED cũng làm như vậy”, ông Paul Watters thuộc Công ty S&P Global nói.
Nhiều nền kinh tế mới nổi thật ra đã tăng lãi suất trước cả FED và tăng rất nhanh, một phần vì đồng nội tệ của họ yếu đi nhiều và quá nhanh so với USD, làm tăng chi phí nhập khẩu và qua đó tăng lạm phát.
Trước tuyên bố của ông Powell, chỉ số đô la, dùng để đo sức mạnh của đồng bạc xanh tương quan với các đồng tiền lớn khác, đã tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng gây ra tác động lạm phát gần như toàn cầu bởi nhiều hàng hóa thương phẩm cơ bản, bao gồm thực phẩm và nhiên liệu, hiện chủ yếu vẫn giao dịch quốc tế bằng đồng USD.
Vẫn là chưa đủ
“Lãi suất tăng liên tục ở Hoa Kỳ trong năm nay ước tính tước bỏ tổng cộng 360 tỉ USD thu nhập tương lai ở các nước đang phát triển, không kể Trung Quốc, và cho thấy nhiều bất trắc phía trước”, Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển ngày 24-11 nhận định. “Nhiều nước đang can thiệp để kiềm giá đồng nội tệ”, theo S&P Global.
“Tổng dự trữ ngoại hối ở các nền kinh tế mới nổi đã giảm hơn 400 tỉ USD, tức 7%, tính tới tháng 9 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái”. Ngay cả tín hiệu tích cực phát đi vừa rồi cũng vẫn chưa đủ với một số nền kinh tế, mà Hãng tài chính Namura nêu đích danh bảy nước là Ai Cập, Romania, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ, Czech, Pakistan và Hungary.
Hãng tài chính BNP Paribas thì đánh giá các nước có nguy cơ cao là Hungary, Colombia, Ai Cập và Malaysia.