19/11/2024

Bàn cách cứu giá thịt heo

Bàn cách cứu giá thịt heo

Lãnh đạo một số địa phương có nguồn cung heo lớn đều lo ngại trước tình trạng giá heo hơi xuống thấp, người nuôi thua lỗ; trong khi lượng thịt đông lạnh nhập khẩu vẫn rất lớn.

 

Thịt ngoại đè thịt nội

Tại Diễn đàn “Kết nối tiêu thụ các nông sản chủ lực phía nam phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023” do Bộ NN-PTNT tổ chức hôm qua (1.12), ông Nguyễn Văn Thắng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, cho biết: Giá heo đạt chuẩn khoảng 53.000 đồng/kg, trong khi heo quá lứa chỉ còn 48.000 – 49.000 đồng/kg. Giá đầu ra thấp mà chi phí chăn nuôi vẫn cao, khiến người chăn nuôi rất khó khăn. Ông Thắng đề nghị các bộ, ngành sớm có giải pháp cho vấn đề này.

Cùng có mối lo chung về khó khăn của ngành chăn nuôi, ông Lê Thanh Tâm, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Dương, thông tin: tổng đàn heo của tỉnh khoảng 950.000 con. Mỗi ngày, địa phương này có khả năng cung ứng khoảng 7.000 – 8.000 con heo tại địa bàn và TP.HCM, dù năng lực có thể cung cấp đến 10.000 con. Vì vậy, ông Tâm mong muốn có thể kết nối với những thị trường lân cận để mở rộng nguồn cung thịt heo.

Giá heo neo ở mức thấp nhiều tháng trở lại đây, nguyên nhân được cho là do cung nhiều mà cầu thấp. Thế nhưng tại thị trường tiêu thụ lớn nhất cả nước là TP.HCM, sức tiêu thụ thịt heo giảm còn do thịt đông lạnh nhập khẩu giá rẻ chiếm thị phần. Chị Nguyễn Thị Hạnh (ngụ Q.7, TP.HCM) kể: Tại chợ Tân Quy (Q.7), sản phẩm bò nóng, giết mổ nội địa có giá khá cao. Đơn cử thịt phi lê và bắp hoa bò khoảng 260.000 – 280.000 đồng/kg; nạm, gầu từ 200.000 – 220.000 đồng/kg. Trong khi đó, thịt mát (bảo quản ngăn mát tủ đông) rẻ hơn với phi lê 200.000 – 220.000 đồng/kg, còn thịt nạm, gầu chỉ 140.000 – 160.000 đồng/kg. Nhưng rẻ đến khó tin là mặt hàng thịt cấp đông nhập khẩu, hầu hết có giá dưới 100.000 đồng/kg.

“Tôi có tìm hiểu thì phần nhiều đó là thịt trâu, bò nhập khẩu từ Ấn Độ hoặc hàng cận date (hạn sử dụng). Mua về dùng thử thì chất lượng rất kém, miếng thịt không ngon. Muốn ăn được phải chế biến thành các món có nhiều gia vị như bò kho”, chị Hạnh nhận xét.

Bàn cách cứu giá thịt heo - ảnh 1
Ngành chăn nuôi heo dự báo khó khăn sẽ còn kéo dài do cầu thấp và thịt đông lạnh nhập khẩu giá rẻ NGỌC DƯƠNG

Chị Trần Ngọc Thu (ngụ Q.10, TP.HCM) nghe câu chuyện của chúng tôi, kể thêm có buổi sáng chị vừa mua nửa ký thịt ba rọi (heo) với giá 120.000 đồng/kg ở chợ về thì xe ba gác bán hàng rong chạy ngang nhà phát loa rao giá: “Thịt bò phi lê giá 90.000 đồng/kg, gà nguyên con 40.000 đồng/con”. Thấy giá rẻ quá, chị hỏi thì người bán cho biết đó là thịt bò và gà đông lạnh nhập khẩu. Riêng phần gà là loại gà bọng – giống gà thải loại trước đây nhưng chỉ có phần thân.

“Tôi nghĩ tiền nào của đó nên không dám thử. Nhưng họ vẫn bán, chắc phải có người mua. Không biết ăn những loại đó vào thì có ảnh hưởng gì đến sức khỏe?”, chị Thu tâm tư. Thực tế, nếu trước đây thịt đông lạnh chủ yếu vào các bếp ăn tập thể thì trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều bà nội trợ cũng chọn sản phẩm giá rẻ để giảm bớt chi phí sinh hoạt.

Với các vấn đề của hiện tại là đầu ra hạn chế và giá thành chăn nuôi cao, khó khăn của ngành chăn nuôi heo có thể vẫn còn tiếp tục kéo dài đến năm 2023 và có thể dẫn đến nguy cơ sụp đổ. Cần có giải pháp cứu ngành chăn nuôi heo vì ngành này có vốn đầu tư cao và mất nhiều thời gian (1,5 – 2 năm) để tái đàn.

TS Nguyễn Xuân Dương, Phó chủ tịch thường trực Hội Chăn nuôi VN

Số liệu thống kê từ ngành hải quan cho biết trong quý 3/2022, VN nhập khẩu gần 192.000 tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá gần 418 triệu USD, tăng 4,4% về lượng và tăng 24,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt lớn nhất cho VN với 37.350 tấn, trị giá gần 126 triệu USD, tăng gần 165% về lượng và tăng 180% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Nếu tính chung 11 tháng, giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 1,37 tỉ USD, tăng 5,7%. Với lượng thịt nhập khẩu lớn, rẻ như thế này, thịt nội ngày càng khó khăn.

 

Kiểm soát thịt nhập ?

Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), lý giải: Nhiều năm gần đây, thị trường tết thường sôi động trước 1 – 2 tháng, các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất hàng chế biến, nhờ đó giá tăng dần đến tết. Nhưng giờ thì người dân cũng ít chuẩn bị tết và chi tiêu cũng hạn chế hơn do kinh tế khó khăn. Thế nên, với hàng thực phẩm chế biến, sức mua chỉ sôi động khoảng 20 ngày trước tết và hàng tươi sống chỉ tăng mạnh vào khoảng 1 tuần trước tết.

“Thời gian qua, chúng tôi cũng đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chế biến đóng hộp sang một số nước như Úc, Mỹ nhưng số lượng chưa nhiều. Công ty cũng tăng cường chế biến các sản phẩm từ thịt heo để phục vụ tết với số lượng tăng từ 20 – 40% tùy mặt hàng. Còn xuất khẩu thịt heo trực tiếp thì rất khó vì vướng các quy định về an toàn dịch bệnh. Việc này phải được công nhận lẫn nhau ở cấp chính phủ”, ông Phú nói và cho biết thêm: “Vấn đề của ngành chăn nuôi VN hiện nay là cầu thấp trong khi giá thành chăn nuôi vẫn còn cao nên hiệu quả thấp và không bền vững. Giá heo có thể tăng vào thời điểm cận tết, nhưng tình hình chung ít có cơ hội khởi sắc”.

TS Nguyễn Xuân Dương, Phó chủ tịch thường trực Hội Chăn nuôi VN, nói thẳng: “Hết tháng 11 mà giá heo không khởi sắc thì trong năm nay khó còn cơ hội phục hồi nữa. Nếu heo đến lứa, tôi khuyên bà con nên cho xuất chuồng vì neo lại sẽ chịu thiệt hại kép (tốn thêm chi phí duy trì đàn). Hiện nay, không chỉ có chăn nuôi heo gặp khó mà cả người chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò) cũng rất căng thẳng về đầu ra và giá thành. Với các vấn đề của hiện tại là đầu ra hạn chế và giá thành chăn nuôi cao, khó khăn của ngành chăn nuôi heo có thể vẫn còn tiếp tục kéo dài đến năm 2023 và có thể dẫn đến nguy cơ sụp đổ. Cần có giải pháp cứu ngành chăn nuôi heo vì ngành này có vốn đầu tư cao và mất nhiều thời gian (1,5 – 2 năm) để tái đàn”.

Theo ông Dương, trước tiên nhà nước nên kiểm soát nguồn thịt nhập khẩu. Đối với hàng chính ngạch, phải kiểm soát các sản phẩm cận date giá rẻ, chất lượng kém, hàng phụ phế phẩm chăn nuôi. Bên cạnh đó, cần thông tin đầy đủ và minh bạch về nguồn cung thịt trong nước và cả nhập khẩu để người dân và doanh nghiệp biết và tự cân đối nhằm tránh rơi vào tình trạng cung vượt cầu như hiện nay.

“Nguồn thịt nhập khẩu từ một số quốc gia có tồn dư chất Ractopamine, loại thuốc đã được sử dụng như chất phụ gia trong thức ăn để tăng tỷ lệ nạc khi cho heo ăn. Chất này bị cấm sử dụng trong ngành chăn nuôi ở VN. Đây cũng là vấn đề cần được cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra giám sát cũng như tăng cường truyền thông để người dân hiểu”, ông Dương nói.

Tại vùng chăn nuôi lớn nhất VN, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, kiến nghị: Ở các nước, khi giá heo xuống quá thấp, nhà nước sẽ hỗ trợ bằng cách mua thịt heo giết mổ rồi dự trữ trong kho (lạnh) quốc gia. VN chúng ta không có kho lạnh để dự trữ thì có thể nhà nước nên nghiên cứu chính sách hỗ trợ chi phí để chế biến thành các sản phẩm từ thịt. Bên cạnh đó, hỗ trợ chi phí cho người chăn nuôi duy trì đàn nhằm tránh bán ra ồ ạt ảnh hưởng đến giá và làm sụp đổ ngành.

 

Sẽ hạn chế nhập khẩu thịt đông lạnh

Hiện có hai phương án được đặt ra. Thứ nhất, kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách hạn chế thịt heo và các loại thịt đông lạnh nhập khẩu. Thứ hai là tạm trữ thịt heo bằng kho lạnh (có thể chưa cần áp dụng). Qua diễn đàn này, chúng tôi cũng muốn thông tin rộng rãi đến người chăn nuôi để tránh tình trạng người dân bán đổ bán tháo cũng như không dám tái đàn, sau đó lại rơi vào khủng hoảng thiếu như những năm trước đây.

Ông Lê Viết Bình,
Trưởng cơ quan đại diện Văn phòng Bộ NN-PTNT

 

CHÍ NHÂN

TNO