Trường đại học sửa chương trình đào tạo ‘giữ chân’ sinh viên
Trường đại học sửa chương trình đào tạo ‘giữ chân’ sinh viên
Trong nhiều giải pháp được áp dụng để cải thiện tình trạng hàng ngàn sinh viên tự ý bỏ học dù chỉ mới trúng tuyển sau một vài học kỳ, các trường tập trung sửa chương trình đào tạo nhằm tạo hứng thú cho người học.
Học kiến thức chuyên ngành ngay từ năm nhất
Nếu như trước đây sinh viên (SV) năm nhất sẽ bắt đầu việc học ĐH với các môn đại cương tổng quát, thì nay các môn học năm đầu tiên này đã rất mới. Để tạo hứng thú cho người học, nhiều trường ĐH đã chú trọng đầu tư xây dựng lại chương trình đào tạo để SV tiếp cận với kiến thức liên quan chuyên ngành ngay từ năm nhất.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết hiện nhà trường đang có 2 khung chương trình đào tạo khối ngành công nghệ và khối ngành kinh tế cấp bằng cử nhân. “Theo chương trình mới được xây dựng từ năm 2018 và cập nhật năm 2022, ngay từ năm nhất trường đã bố trí một số môn học cơ sở ngành bên cạnh khối kiến thức đại cương để SV đỡ “ngán” và có cơ hội tiếp cận gần với ngành học của mình. Trong khi đó, những môn lý luận được bố trí rải ra ở nhiều học kỳ, có những môn ở học kỳ 5 – 6 – 7 tùy ngành”, ông Nhân cho hay.
Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, mỗi năm học trường đều thực hiện các khảo sát ý kiến người học. Từ khi bắt đầu áp dụng chương trình mới, kết quả phản hồi của người học tích cực hơn nhiều. Trong đó, kết quả phân tích phổ điểm SV cũng tốt hơn, số lượng SV bị điểm kém giảm nhiều. “Đặc biệt, tỷ lệ SV thuộc các trường hợp bị cảnh báo học tập giảm đáng kể. Nếu trước đây có năm tỷ lệ này ở mức 9 – 10% thì nay chỉ khoảng 4%, là mức hoàn toàn có thể chấp nhận được. Trong nhiều nỗ lực của nhà trường thì việc thay đổi chương trình đào tạo kết hợp công tác cố vấn học tập chặt chẽ hơn đã giúp đạt được kết quả trên”, tiến sĩ Nhân cho hay.
Một buổi giảng viên đưa sinh viên ra khỏi lớp học tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM trong năm học này LÝ NGUYÊN |
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Phó trưởng phòng điều hành Phòng Đào tạo Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, cũng cho biết sau một quá trình đào tạo trường thực hiện khảo sát, lấy ý kiến phản hồi của cựu SV về chương trình đào tạo. Kết quả, trường nhận được khá nhiều ý kiến cho rằng những học kỳ đầu khóa phải học các học phần thuộc khối kiến thức giáo dục đại cương mà ít được tiếp cận sớm với khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp (cơ sở ngành, ngành, chuyên ngành) nên tỏ ra chán nản.
Sau vài lần khảo sát kết hợp với ý kiến của các chuyên gia giáo dục và nhà tuyển dụng, trường quyết định thay đổi phương thức xây dựng và vận hành chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng. Chương trình được ban hành và áp dụng từ khóa tuyển sinh năm 2018. Khi vận hành chương trình đào tạo, ngay từ học kỳ đầu tiên trường đã tổ chức đan xen giữa hai khối kiến thức giáo dục đại cương và giáo dục chuyên nghiệp để hướng nghiệp, tạo hứng thú cho người học.
“Sau khi vận hành chương trình, theo định kỳ, trường tiếp tục theo dõi, lấy phản hồi đánh giá thì thấy có hiệu quả, số lượng SV bỏ học giảm dần…”, thạc sĩ Tùng cho biết.
Lớp học “đảo ngược”
Tương tự, tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, chia sẻ: “Xuất phát từ thực tế một bộ phận SV có kết quả học tập không tốt, cộng thêm tâm lý dễ chán nản rồi dẫn đến bỏ học, trường đã cải tiến chương trình đào tạo. Chương trình này vẫn đảm bảo tính hệ thống theo quy định chung của Bộ GD-ĐT nhưng linh hoạt hơn để hấp dẫn người học”.
Cụ thể, theo ông Phương, trường này hiện có 2 nhóm lĩnh vực đào tạo với chương trình giáo dục tổng quát khác nhau. Trong số 140 – 150 tín chỉ toàn chương trình thì phần giáo dục tổng quát chiếm khoảng 35 – 40%. Tuy nhiên, các học phần tổng quát này được bố trí ở nhiều học kỳ khác nhau, có ngành SV có thể học kiến thức này ở học kỳ thứ 7. Thay vào đó, chương trình học năm nhất có đan xen cả học phần cơ sở ngành. Sự sắp xếp chương trình học này khác hẳn trước đây là môn đại cương rồi mới đến cơ sở ngành và chuyên ngành.
GS-TS Hoàng Văn Kiếm, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết trường đang thực hiện chương trình đào tạo “đảo ngược”. Nếu theo cách truyền thống, SV học đại cương mới đến chuyên ngành, thì chương trình học mới của trường được thiết kế theo hướng ngược lại. Theo chương trình đào tạo cử nhân hướng nghiệp sớm này, SV sẽ tiếp cận ngay với khoảng 80% các học phần chuyên môn trong khoảng 2 năm đầu. Trong khoảng 1,5 năm sau đó, SV tiếp tục học các học phần chuyên môn còn lại và kiến thức đại cương. “Với cách tiếp cận này, SV sẽ có được hứng thú học tập do được bước vào thực tế chuyên môn. Đồng thời, sau thời gian 2 năm này SV có đủ khả năng để tham gia vào thị trường lao động bán thời gian”, GS Kiếm cho hay.
Nhiều trường đã thay đổi, cho sinh viên tiếp cận với kiến thức liên quan chuyên ngành ngay từ năm nhất ĐÀO NGỌC THẠCH |
Giảng viên “dắt” sinh viên ra ngoài lớp học
Không chỉ thay đổi chương trình, việc bổ sung các môn học mới gắn liền với thực tế cùng những thay đổi cách thức truyền đạt cũng giúp SV hứng thú với việc học ĐH.
Chẳng hạn, từ năm 2021, Trường ĐH Nha Trang đã bổ sung 2 môn học mới bắt buộc ngay từ năm đầu tiên gồm: phương pháp tư duy và ngôn ngữ học thuật. Tiến sĩ Tô Văn Phương cho hay SV tất cả các ngành của trường học môn nhập ngành ngay từ học kỳ 1. Thông qua việc giới thiệu chương trình học, cơ hội việc làm cụ thể giúp người học hiểu rõ hơn để có sự yêu thích hơn với ngành học đã chọn.
Tương tự, SV Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng bắt buộc phải trải qua học phần nhập môn và kỹ năng mềm ngay từ năm nhất. Tiến sĩ Trung Nhân cho biết: “Trước đây học phần nhập môn được tổ chức nhưng chỉ dạy lý thuyết do các giảng viên trong trường thực hiện. Nhưng nay tùy ngành SV có thể trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp 50% thời lượng hoặc mời doanh nghiệp về giảng dạy. Ngay với học phần kỹ năng mềm, SV cũng học theo kiểu dự án để tăng tính thực hành và cọ xát thực tế hơn”.
Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing, cũng cho biết ngay từ năm nhất SV trường này đã bắt đầu làm quen với các môn liên quan đến ngành học. Chẳng hạn, một số môn cơ sở ngành như nguyên lý kế toán, trước đây được bố trí ở học kỳ 2 hoặc 3 thì nay đưa về ngay học kỳ 1. Bên cạnh đó, SV năm nhất có thể đăng ký để tham quan, kiến tập tại các doanh nghiệp. “Việc điều chỉnh chương trình này vẫn đảm bảo đầy đủ, đúng trình tự với những học phần tiên quyết”, ông Đạo nói.
Thạc sĩ Trần Nam, giảng viên môn xã hội học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng tùy từng môn học mà việc đưa SV ra khỏi lớp học là một trong những hoạt động tích cực cần thiết trong giảng dạy bậc ĐH. Từ đó, người học được hướng dẫn mở rộng thêm các khái niệm khác trong lĩnh vực của chủ đề.
“Sau khi quan sát, nghiên cứu tài liệu, SV được giao tổ chức một buổi thảo luận để trình bày kết quả. Những cảm nhận do chính người học đưa ra sẽ là bổ sung rất hữu ích và chắc chắn cho phần lý thuyết trừu tượng, lạ lẫm”, ông Nam chia sẻ.
Ý kiến
“Trước khi vào học ĐH, em có tìm hiểu một số trang diễn đàn SV và đọc thấy những bài viết kiểu “Top 10 những môn học đáng sợ nhất bậc ĐH”. Trong đó, các môn được điểm danh thường rơi vào nhóm các học phần đại cương. Khi vào học, em mới hiểu vì sao có những bài viết như vậy khi năm nhất đã bắt đầu việc học với những môn đại cương khô khan, nhiều định nghĩa trừu tượng và phải ghi nhớ thuộc lòng rất dễ khiến SV nhàm chán”.
Trương Nguyễn Hồng Đoan(SV Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM)
“Em nghĩ việc bố trí các học phần đại cương tổng quát trong học kỳ đầu tiên bậc ĐH là khá nhàm chán. Ngay từ năm nhất, SV cần được tiếp cận những môn chuyên ngành. Một số môn đại cương có thể chuyển thành chuyên đề hoặc rút ngắn thời lượng đào tạo để tập trung nhiều hơn các học phần kỹ năng nghề nghiệp”.
N.K.D
(SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)
HÀ ÁNH
TNO