21/01/2025

Vì sao Trung Quốc vẫn tiếp tục ‘3 kiên định’ trong chống dịch COVID-19?

Vì sao Trung Quốc vẫn tiếp tục ‘3 kiên định’ trong chống dịch COVID-19?

Trong khi phần lớn thế giới đã dỡ bỏ hầu hết biện pháp hạn chế phòng dịch, Trung Quốc vẫn kiên định thực hiện chính sách “không COVID”. Trung Quốc làm như vậy không phải không có lý do.

 

 

 

Vì sao Trung Quốc vẫn tiếp tục 3 kiên định trong chống dịch COVID-19? - Ảnh 1.

Nguồn: NHC, FINANCIAL TIMES – Dữ liệu: BẢO ANH tổng hợp – Đồ họa: TẤN ĐẠT

Ngày 28-11, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết nước này đã ghi nhận 40.347 ca nhiễm mới vào ngày trước đó và đây là ngày thứ năm liên tiếp Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục.

Các thành phố lớn như Quảng Châu và Trùng Khánh tiếp tục vật lộn với dịch COVID-19 khi ghi nhận hàng ngàn ca trong ngày, trong khi nhiều thành phố khác báo cáo hàng trăm ca nhiễm mới.

 

Diễn biến phức tạp

Số ca bệnh COVID-19 đã gia tăng trên khắp Trung Quốc kể từ đầu tháng 10 được cho là do các biến thể phụ mới của Omicron – vốn có khả năng lây nhiễm cao nhưng ít gây chết người hơn.

Hãng tin Tân Hoa xã đánh giá hiện nay phạm vi lây lan rộng, nhiều chuỗi lây truyền, và tình hình dịch COVID-19 nghiêm trọng cũng như phức tạp ở Trung Quốc khiến công tác phòng chống dịch bệnh của nước này chịu áp lực chưa từng có.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc vẫn không từ bỏ chính sách “không COVID”. Ngày 28-11, Tân Hoa xã đăng bài bình luận với tiêu đề “3 kiên định” là pháp bảo để giành chiến thắng.

Theo đó, Tân Hoa xã nhắc lại Hội nghị Ban thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức vào hôm 10-11 đã nhấn mạnh cần kiên định đặt nhân dân và tính mạng của dân lên trên hết, kiên định thực hiện chiến lược “ngoại phòng xâm nhập, trong phòng trỗi dậy” với vi rút gây bệnh COVID-19, và kiên định thực hiện chính sách “không COVID”.

Đây là yêu cầu được giới lãnh đạo Trung Quốc đưa ra sau khi nghiên cứu tình hình dịch COVID-19 trong và ngoài nước.

“Miễn là Trung Quốc giữ vững “3 kiên định”; toàn quốc trên dưới đồng tâm hiệp lực, kề vai chiến đấu; nâng cao kiến thức phòng chống dịch khoa học, việc lập kế hoạch tổng thể, cùng năng lực tổ chức và thực thi thì nhất định có thể giành thắng lợi trong công tác phòng chống dịch”, Tân Hoa xã viết.

 

Ưu tiên sức khoẻ người dân và kinh tế

Việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế được giới chuyên gia đánh giá sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế của nước này. Nhưng để bỏ đi chính sách “không COVID” vào lúc này, đó không phải là chuyện dễ làm.

Theo Hãng tin Reuters, các nhà phân tích tại Ngân hàng CBA (Úc) đầu tuần này nhận định việc ngày càng nhiều thành phố của Trung Quốc, trong đó có các thành phố với dân số lớn, áp dụng các biện pháp hạn chế mạnh mẽ đối với việc đi lại vì ca nhiễm tăng “chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế”.

Tuy nhiên, người già, trong đó có nhiều người chưa tiêm đủ vắc xin COVID-19, có thể là một trong những lý do khiến Trung Quốc hiện nay không bỏ ngay được chính sách “không COVID”. Nước này đã khẳng định đặt tính mạng của 1,4 tỉ dân, trong đó có 267 triệu người từ 60 tuổi trở lên và hơn 250 triệu trẻ em, lên trên hết.

Hôm 20-11, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết một người dân ở Bắc Kinh đã tử vong vì COVID-19. Đây là ca tử vong đầu tiên do COVID-19 ở Trung Quốc trong gần nửa năm qua. Ca tử vong này là trường hợp lớn tuổi (87 tuổi).

Tính đến hôm 11-11, khoảng 86% người trên 60 tuổi ở Trung Quốc đại lục đã được tiêm đủ liều vắc xin COVID-19, trong đó 68% đã tiêm mũi tăng cường. Tuy nhiên, với người trên 80 tuổi, tỉ lệ lần lượt là 66% (đủ liều) và 40% (tăng cường).

Ông Joe Capurso, trưởng bộ phận kinh tế quốc tế của Ngân hàng CBA, phân tích: “Ngay cả khi Trung Quốc đang trên con đường hướng tới từ bỏ cách tiếp cận “không COVID” thì tỉ lệ tiêm chủng thấp ở người cao tuổi đồng nghĩa quá trình này có thể diễn ra chậm chạp và không trật tự. Các tác động kinh tế có thể sẽ không nhỏ”.

Do đó, việc dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế ngay lập tức sẽ ảnh hưởng đến cả người già và nền kinh tế của nước này. Theo Thời báo Hoàn Cầu, trong bối cảnh dịch bệnh nghiêm trọng, các quan chức y tế Trung Quốc đã kêu gọi đẩy mạnh tiêm chủng hàng loạt, đặc biệt là việc tiêm mũi tăng cường cho người cao tuổi.

Về việc mở cửa, hôm 11-11 Trung Quốc đã công bố 20 biện pháp mới để tối ưu hóa chính sách kiểm soát COVID-19, trong đó có nới lỏng một số quy định, làm dấy lên suy đoán nước này sẽ sớm bắt đầu mở cửa trở lại hoàn toàn. Tuy nhiên, sự gia tăng ca nhiễm nhanh chóng những tuần qua đã làm giảm đi hy vọng của các nhà đầu tư.

Theo Hãng tin Reuters, nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc khó có thể bắt đầu mở cửa trở lại trước tháng 3 hoặc tháng 4-2023. Các chuyên gia nói rằng Trung Quốc cần tăng cường nỗ lực tiêm chủng.

 

Chuyên gia kêu gọi thận trọng

Mặc dù Trung Quốc có ca tử vong và ca nhiễm nặng do COVID-19 thấp trong những tuần gần đây nhưng giáo sư Benjamin Cowling tại Đại học Hong Kong kêu gọi thận trọng.

“Chúng ta cần cẩn thận trong việc diễn giải tỉ lệ tử vong hiện tại vì có thể mất hai đến ba tuần từ khi nhiễm bệnh đến khi tử vong và Trung Quốc vẫn đang trong đợt dịch bùng phát mới. Có khả năng sẽ có thêm nhiều ca tử vong trong những tuần tới”, ông Cowling nói.

Gần đây, số ca nhiễm hằng ngày của Trung Quốc đã vượt qua đỉnh dịch ghi nhận trong đợt dịch ở Thượng Hải hồi tháng 4. Theo tạp chí China CDC Weekly, trong đợt bùng phát với 650.000 ca nhiễm này từ tháng 3 tới tháng 5, đã có 588 ca tử vong do COVID-19 và chỉ 5% trong số các trường hợp tử vong này đã được tiêm phòng.

BẢO ANH
TTO