Trung Quốc: Đã ‘xua đuổi’ tàu tuần duyên Mỹ gần khu vực Trường Sa
Trung Quốc: Đã ‘xua đuổi’ tàu tuần duyên Mỹ gần khu vực Trường Sa
Quân đội Trung Quốc cho biết đã “xua đuổi” một tàu tuần duyên Mỹ khi tàu này vào khu vực gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông.
Trong phát biểu ngày 28-11, người phát ngôn Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam bộ của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc Điền Quân Lý cho biết đã “giám sát và sau đó xua đuổi tàu Mỹ”.
“Hành động của Mỹ đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”, ông nói.
Ông Điền cũng tố việc “xâm nhập” của tàu Mỹ cho thấy Mỹ là “người tạo ra nguy cơ an ninh” ở Biển Đông, và “là một bằng chứng rõ ràng nữa về sự bá quyền trong hàng hải và quân sự hóa ở Biển Đông”.
Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam bộ được cho là đã viết trên tài khoản mạng xã hội WeChat rằng lực lượng Trung Quốc vẫn duy trì báo động cao.
Theo Hãng tin Reuters, đây là một tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường và có khả năng đó là USS Chancellorsville, tàu đi qua eo biển Đài Loan gần đây. Quân đội Mỹ tới nay chưa đưa ra bình luận nào.
Trung Quốc ngang nhiên đơn phương tuyên bố chủ quyền ở hầu hết Biển Đông, bao gồm quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong khi đó, Mỹ thường xuyên thách thức các tuyên bố chủ quyền này thông qua các “hoạt động tuần tra tự do hàng hải” (FONOPs) và các tuyên bố khác.
Vài năm nay, tình hình Biển Đông có phần yên ắng khi thế giới chú trọng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế. Tuy nhiên từ khóa “Biển Đông” được nhắc tới gần đây sau khi Philippines tố Trung Quốc giành “vật thể nổi không xác định” trên Biển Đông.
Sự kiện diễn ra trước cuộc gặp giữa Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos khi bà Harris thăm Philippines.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc đưa thông tin về chuyện xua đuổi tàu Mỹ. Các thông tin này cũng không phải lúc nào cũng được phía Mỹ xác nhận.
Năm 2020, ông Điền Quân Lý cũng từng nói Trung Quốc đã theo dõi, cảnh báo, và xua đuổi một tàu khu trục Mỹ. Sau đó Hải quân Mỹ lên tiếng bác bỏ thông tin này.
Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam đối với các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Phản ứng về hoạt động của các nước ở Biển Đông, Việt Nam thể hiện quan điểm nhất quán, rằng “các hoạt động này cần tuân thủ quy định liên quan của luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển, đã được quy định trong UNCLOS, đóng góp vào hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”.