22/01/2025

Thói quen ngồi chéo chân tưởng đẹp và nữ tính nhưng gây hại cho cơ thể như thế nào?

Thói quen ngồi chéo chân tưởng đẹp và nữ tính nhưng gây hại cho cơ thể như thế nào?

Nhiều người cho rằng tư thế bắt chéo chân khi ngồi thể hiện sự kín đáo, thanh lịch và ”nữ tính” của các ”quý cô”. Thế nhưng, tư thế ngồi chéo chân này nếu thành thói quen có thể gây ra một số hậu quả nghiêm trọng đối với cơ thể.

 

 

 

Thói quen ngồi chéo chân tưởng đẹp và nữ tính nhưng gây hại cho cơ thể như thế nào? - Ảnh 1.

Tư thế ngồi chéo chân nếu thành thói quen có thể gây ra một số hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe – Ảnh: T.P.

Bác sĩ Trịnh Quang Anh, trưởng trung tâm hiệu chỉnh cơ xương khớp Bệnh viện 1A, TP.HCM, đã cho biết như vậy.

 

Gây vẹo cột sống, lệch vai

Cụ thể, “thói quen” này kéo dài sẽ gây mất cân bằng hệ cơ vùng chậu đùi gây lệch vẹo khung chậu, cột sống, thoái hóa xương khớp và các tác hại lên hệ tuần hoàn.

Hệ thống cơ xương khớp từ khung chậu xuống đôi chân có cấu tạo đối xứng. Khi thực hiện hành động bắt chéo chân này lên chân kia đã vô tình phá vỡ sự cân xứng này của cơ thể, sẽ gây những sự xáo trộn, đặc biệt là về hệ cơ xương khớp.

Hậu quả rõ nhất là bất đối xứng khung chậu hay khung xương chậu bị lệch. Có ba dạng lệch có thể gặp là bên cao bên thấp, nghiêng trước và xoay hoặc kết hợp cả ba dạng trên.

Khi khung chậu duy trì trạng thái lệch vẹo sẽ kéo theo hiện tượng chân ngắn chân dài và vẹo cột sống, lệch vai.

Còn khi đã hình thành thói quen ngồi bắt chéo chân, các dây chằng của các khớp chậu hông thắt lưng cũng sẽ phải căng ra để giữ tư thế đó. Đồng thời, các khối cơ ở lưng chậu và hông đùi sẽ điều chỉnh để phù hợp với trạng thái mới dẫn đến sự mất cân bằng gây ra tình trạng co kéo, lệch vẹo gây đau âm ỉ vùng thắt lưng chậu, đau khớp gối.

Tư thế ngồi bệt lệch bên hay ngồi xếp bằng nếu thành thói quen đều có các hậu quả tương tự.

Bắt chéo chân còn có thể gây áp lực lên dây thần kinh ở phía sau đầu gối. Dây thần kinh này gây tê bì cho cẳng chân và bàn chân. Chưa kể, khi vắt chéo hai chân, lưu lượng máu xuống các khớp ở chi dưới cũng bị giảm hẳn, gây cản trở quá trình tạo dịch nhầy ở khớp, khiến khớp bị khô.

Tình trạng này dễ gặp nhất ở các vùng khớp gối, khớp cổ chân. Vắt chéo chân cũng làm cho khớp gối bị đè ép sai tư thế cố định trong thời gian dài, vừa làm tăng áp lực lên sụn khớp lại gây căng giãn hệ thống dây chằng. Do vậy, đây là một tư thế dễ gây hại cho những người bị thoái hóa khớp gối hay cổ chân.

 

Gây suy tĩnh mạch

Khi bắt chéo chân, tức là chân này đè lên chân kia, các mạch máu tại vị trí tiếp xúc sẽ bị chèn ép lại, do đó còn dễ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn, khiến cơ thể tăng huyết áp để đẩy máu đi. Điều này có thể làm sai lệch kết quả do huyết áp tạm thời.

Máu ở chân phải hoạt động chống lại trọng lực để bơm trở lại tim, việc vắt chéo chân này lên chân kia sẽ làm tăng lực cản, máu trong các tĩnh mạch có thể tụ lại, tạo nên các tĩnh mạch lớn được gọi là bệnh suy giãn tĩnh mạch.

Ngồi bắt chéo chân khiến triệu chứng của những người đã bị bệnh lý này càng thêm trầm trọng, gây mất thẩm mỹ vì tạo ra các vết chằng chịt ở bề mặt da vùng đùi, cẳng chân.

Thay đổi một thói quen trong chốc lát không phải là dễ, tuy nhiên với rất nhiều những hệ lụy liên quan đến sức khỏe như đã kể trên, những người có thói quen bắt chéo chân cần lưu ý đến hành vi vắt chéo chân khi ngồi hằng ngày để dần tạo ra sự thay đổi tích cực.

Thỉnh thoảng, ngồi bắt chéo chân thì không sao nhưng nếu đã thành một thói quen thì sẽ ảnh hưởng đến cơ thể.

Tuy nhiên, bác sĩ Quang Anh khuyến cáo, với những người trên 40 tuổi không nên bắt chéo chân khi thực hiện các chuyến đi dài bằng đường bộ hoặc đường hàng không vì điều này có thể dễ tạo ra cục máu đông hơn gây đột quỵ.

Khi đã lệch vẹo khung chậu hay cột sống, thì hiệu chỉnh cơ xương khớp là phương pháp duy nhất điều trị, giúp bệnh nhân hồi phục sự cân bằng khung xương-hệ cơ như ban đầu và đồng thời loại bỏ triệu chứng đau cơ xương khớp.

Đối với những người phải ngồi trong thời gian dài, nên ngồi duỗi thẳng chân và đưa bàn chân về phía trước, hoặc chỉ nên bắt chéo bàn chân. Với mọi người làm công việc văn phòng ít vận động nên đứng dậy sau mỗi 60 – 120 phút ngồi và đi lại vận động trong 5 phút.

Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương… mời gửi email đến hộp thư [email protected] (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.

THUỲ DƯƠNG
TTO