Tại sao vàng miếng SJC cao hơn nhẫn đến 13,5 triệu đồng/lượng ?

Tại sao vàng miếng SJC cao hơn nhẫn đến 13,5 triệu đồng/lượng ?

Cùng chất lượng vàng 4 số 9 nhưng vàng miếng SJC cao hơn nhẫn đến 13,5 triệu đồng/lượng. Đáng nói là nhiều người vẫn chọn mua vàng đắt đỏ thay vì vàng rẻ hơn.

 

Vàng nhẫn rẻ hơn vì cạnh tranh hơn

Giá vàng miếng SJC ngày 28.11 rút ngắn khoảng cách, cao hơn nhẫn 13,2 -13,5 triệu đồng/lượng. Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) mua vào với giá 66,55 triệu đồng/lượng, bán ra 67,25 triệu đồng; Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC mua vào 66,65 triệu đồng/lượng, bán ra 67,45 triệu đồng/lượng… Trong khi đó, giá vàng nhẫn của công ty SJC mua vào ở mức 53,15 triệu đồng/lượng, bán ra 54,25 triệu đồng. So với giá sáng 28.11, vàng miếng SJC tăng 50.000 đồng/lượng, còn nhẫn tăng 150.000 đồng/lượng.

Lý do khiến vàng tăng giá đến từ giá kim loại quý quốc tế tăng thêm 10 USD/ounce, lên 1.762 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng, vàng quốc tế tương ứng 52,8 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, giá vàng miếng SJC cao hơn quốc tế khoảng 14,5 triệu đồng/lượng, còn nhẫn cao hơn 1,45 triệu đồng/lượng.

Tại sao vàng miếng SJC cao hơn nhẫn đến 13,5 triệu đồng/lượng ? - ảnh 1
Vàng miếng SJC cao hơn nhẫn lên hơn 13 triệu đồng/lượng NGỌC THẮNG

Lý giải hiện tượng cùng chất lượng vàng 4 số 9 nhưng giá vàng miếng SJC cao hơn nhẫn lên đến 13,2 -13,5 triệu đồng/lượng, ông Trần Thanh Hải – Chủ tịch Công ty CP vàng bạc đá quý SJC – Phú Thọ, cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Đầu tiên đó là Nghị định 24/2012 quản lý thị trường vàng của Chính phủ quy định những đơn vị bán vàng miếng phải hội đủ một số điều kiện như vốn trên 100 tỉ đồng, đóng thuế lĩnh vực kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng trở lên… Chính vì vậy, số lượng mạng lưới kinh doanh vàng miếng cũng hạn chế hơn so với vàng nhẫn. Điều này góp phần dẫn đến giá vàng miếng bị đẩy lên mức cao. Nghị định 24 quy định Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Xét về thị trường đó là cạnh tranh không hoàn hảo. Trong khi đó, vàng nhẫn khá dễ sản xuất. Các công ty không cần phải xin cấp phép khi sản xuất vàng nhẫn nên phần cung ứng sản phẩm trên thị trường là khá dồi dào. Các đơn vị cạnh tranh nhau nên giá vàng nhẫn sẽ sát với giá thế giới hơn so với sự tách rời của vàng miếng.

Một yếu tố khác khiến giá vàng miếng SJC cao hơn nhẫn, theo ông Trần Thanh Hải đó là chi phí cơ hội giao dịch thấp hơn. Cụ thể, vàng miếng SJC được sản xuất từ năm 1988 đến nay, uy tín về chất lượng nên dù mua ở cửa hàng phía bắc mà bán cho cửa hàng phía nam thì không bị ép giá, làm khó. Còn vàng nhẫn gần như mua ở đâu, bán ở đó. Chỗ mua thường làm khó như chất lượng không đủ 4 số 9, trọng lượng vàng thấp hơn…

 

Chưa thể kéo giá vàng miếng sát giá vàng nhẫn

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Đối tác mới, cũng cho rằng sở dĩ có sự chênh lệch giá giữa vàng miếng và nhẫn lên đến hơn 13 triệu đồng/lượng là do nguồn cung vàng miếng SJC còn hạn chế. Ngân hàng Nhà nước hiện đang kiểm soát thị trường vàng miếng. Lượng vàng miếng SJC sản xuất chủ yếu là dập lại từ những miếng vàng móp méo, chứ không xuất hiện thêm lượng vàng mới nào. Trong khi có khoảng 10.000 doanh nghiệp vàng bạc đá quý có thể sản xuất được vàng nhẫn 4 số 9 để đưa ra thị trường. Nguồn cung dồi dào thì việc cạnh tranh về giá sát với thế giới hơn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Trọng cũng cho rằng tâm lý nắm giữ vàng miếng SJC đã có từ nhiều chục năm nay. Trước khi vàng miếng SJC ra đời, chất lượng vàng miếng trên thị trường dù nói là 4 số 9 nhưng thực tế thấp tuổi hơn, hoặc trọng lượng vàng ít hơn. Sau khi vàng miếng SJC ra đời đã xác định uy tín nên đã ăn sâu vào tiềm thức của người tiêu dùng. Khi đề cập đến việc mua vàng, đặt biệt cất trữ thì vàng miếng vẫn là sự lựa chọn. Chưa kể hiện nay vàng miếng SJC được chọn là thương hiệu quốc gia. Dù vàng nhẫn có giá thấp hơn miếng nhưng người tiêu dùng mua nhiều cũng lo ngại.

Để hạn chế mức chênh lệch giữa giá vàng miếng và nhẫn, ông Nguyễn Ngọc Trọng cho rằng, kéo giá vàng miếng SJC giảm sát giá thế giới sẽ giải quyết tình trạng chênh lệch quá cao giữa vàng nhẫn và miếng. Muốn vậy, cần một lượng cung vàng miếng ra thị trường. Ở đây chỉ có Ngân hàng Nhà nước can thiệp nhập nguyên liệu về sản xuất vàng miếng mới giải quyết được, chứ người dân đang có vàng không bán ra. Thế nhưng, giải pháp này là khó khả thi, tác động đến tỷ giá, mất một lượng ngoại tệ để thanh toán. Đặc biệt là trong bối cảnh chủ trương nhà nước không khuyến khích người dân nắm giữ vàng, chống vàng hóa thì giải pháp này là không khả thi.

Cùng quan điểm, ông Trần Thanh Hải cũng cho rằng nhiều lần Ngân hàng Nhà nước thông tin sẽ không can thiệp thị trường để giảm giá vàng miếng SJC nên tình trạng vàng miếng SJC cao hơn thế giới, cao hơn vàng nhẫn sẽ còn tiếp tục kéo dài.

Ông Nguyễn Ngọc Trọng cho rằng thị trường vàng hiện nay “án binh bất động”. Lượng tiền trên thị trường khan hiếm nên nhu cầu cũng giảm hơn. Tuy nhiên, giá thế giới giảm mạnh hay tăng mạnh, giá vàng miếng SJC cũng chỉ điều chỉnh nhẹ chứ không như vàng nhẫn biến động theo sát hơn. So với mức đỉnh, giá vàng nhẫn hiện nay giảm khoảng 2 triệu đồng.

 

THANH XUÂN

TNO