Thế giới bớt lo lạm phát
Thế giới bớt lo lạm phát
Các chỉ số dự báo kinh tế cho thấy lạm phát toàn cầu gần hoặc đã đạt đỉnh. Tuy nhiên, áp lực tăng trưởng cho năm sau vẫn đáng lo ngại.
Nền kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn khó khăn với nhiều thách thức đan xen. COVID-19 và các chính sách chống dịch kết hợp với tình hình giá năng lượng đã tạo ra mức lạm phát cao lịch sử.
Tốc độ tăng giá sẽ chậm lại
Tháng trước, trong kết quả dự báo hằng năm, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng lạm phát toàn cầu sẽ đạt đỉnh ở mức 9,5% trong quý thứ ba của năm nay. Tính trong cả năm 2022, lạm phát sẽ khoảng 8,8%, cao nhất trong gần ba thập niên qua. Giá thực phẩm và năng lượng tiếp tục là nguồn thúc đẩy lạm phát chủ yếu.
Câu hỏi được đặt ra vài tháng gần đây là lạm phát đã thực sự đạt “đỉnh” hay chưa, tức liệu đã tới lúc áp lực giá cả lên các nền kinh tế giảm đi.
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV bên lề Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 ở Ai Cập hồi đầu tháng này, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva nhận định đã có những dấu hiệu cho thấy lạm phát chạm đỉnh.
“Rất có khả năng chúng ta đang thấy đỉnh lạm phát. Hiện nay các ngân hàng trung ương đều rất đoàn kết trong việc chống lạm phát, xem đây là ưu tiên hàng đầu”, bà Georgieva nói.
Theo Financial Times ngày 28-11, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng lạm phát toàn cầu đã đạt đỉnh và tốc độ tăng giá sẽ chậm lại trong vài tháng tới. Theo đó, các chỉ số dữ liệu quan trọng nhất thường được dùng để dự báo lạm phát tổng thể như giá xuất xưởng, tỉ lệ tính phí vận chuyển, giá hàng và kỳ vọng lạm phát đều bắt đầu giảm so với các mức kỷ lục gần đây.
Công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics (trụ sở tại London, Anh) cho biết lạm phát đã đạt đỉnh trên khắp các thị trường mới nổi và giá tiêu dùng đã giảm ở Brazil, Thái Lan và Chile. Áp lực giá cũng giảm ở một số nền kinh tế phát triển.
Tại Đức, giá xuất xưởng đã giảm 4,2% trong tháng 10 so với cùng kỳ tháng trước. Đây là sự sụt giảm theo tháng lớn nhất kể từ năm 1948. Hầu hết các nền kinh tế có công bố chỉ số giá sản xuất tháng 10 trong nhóm G20 đều chứng kiến tốc độ tăng trưởng hằng năm chậm hơn so với tháng trước.
Bà Jennifer McKeown, nhà kinh tế trưởng phụ trách kinh tế toàn cầu của Capital Economics, cho rằng lạm phát sẽ bắt đầu giảm vào năm sau với việc nhu cầu yếu đi dẫn tới hầu hết giá các mặt hàng đều giảm. Theo bà McKeown, giá năng lượng cao trong năm nay sẽ giảm dần trong năm 2023.
12,1%
Lạm phát toàn cầu đạt mốc kỷ lục 12,1% trong tháng 10-2022, theo ước tính của Moody’s.
Nguy cơ suy thoái hiển hiện
Dự báo về đỉnh lạm phát nêu trên có thể là tin vui cho các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới khi họ đang phối hợp tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, các nước sẽ tiếp tục cẩn trọng khi lựa chọn bước tiếp theo vì động thái tăng lãi suất mang tới nguy cơ suy thoái, đặc biệt với các nền kinh tế lớn.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tuần qua dự báo các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát, bất kể kinh tế tăng trưởng chậm. Mặc dù không bi quan về khả năng suy thoái kinh tế cho năm sau, OECD đã nâng mức dự báo lạm phát lên cao hơn so với kỳ vọng của nhiều nước, đồng thời cảnh báo nền kinh tế toàn cầu sẽ đối diện “sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng đáng kể”.
Cụ thể, OECD ước tính kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng 3,1% trong năm nay (thấp hơn đáng kể so với 5,9% của năm 2021). Năm 2023, OECD cho rằng tình hình sẽ còn tệ hơn khi tăng trưởng toàn cầu chỉ đạt mức 2,2%.
“Đúng là chúng tôi không dự báo về một cuộc suy thoái toàn cầu. Nhưng sẽ có rất nhiều thách thức, và tôi nghĩ không ai sẽ thấy thực sự dễ chịu với dự báo kinh tế tăng trưởng 2,2%”, Tổng thư ký OECD Mathias Cormann nói.
Bên cạnh đó, dù cho rằng lạm phát sẽ giảm nhưng một số nhà kinh tế cũng cảnh báo giá năng lượng sẽ tiếp tục khiến sự sụt giảm này chậm hơn. Theo nhà phân tích thị trường và đầu tư Susannah Streeter của Hargreaves Lansdown, giá dầu sẽ tiếp tục nhạy cảm với những hạn chế về nguồn cung cũng như lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) lên dầu thô của Nga.
Trong khi đó, giá năng lượng và các mặt hàng khác có thể tăng trở lại nếu nền kinh tế Trung Quốc hồi phục mạnh mẽ hoặc nếu Nga thực hiện các biện pháp cắt giảm xuất khẩu bổ sung để trả đũa việc phương Tây áp giá trần năng lượng Nga.