22/01/2025

Không suy thoái nhưng kinh tế châu Á – Thái Bình Dương tăng trưởng chậm

Không suy thoái nhưng kinh tế châu Á – Thái Bình Dương tăng trưởng chậm

Đó là nhận định được đưa ra trong báo cáo phân tích của Công ty phân tích Moody’s (thuộc Tập đoàn tài chính Moody’s, Mỹ) về tình hình kinh tế sắp tới ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

 

 

Trong phân tích do Công ty phân tích Moody’s gửi đến Thanh Niên, suy thoái dự kiến diễn ra ở châu Âu và Bắc Mỹ cùng với việc nền kinh tế Trung Quốc trì trệ sẽ khiến kinh tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2023 tăng trưởng chậm hơn so với năm 2022.

 

Thách thức chuỗi cung ứng

Theo đó, do phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và thương mại toàn cầu đang trì trệ, nên kinh tế của khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang chậm lại. Tổng giao dịch thương mại toàn cầu hầu như không tăng kể từ tháng 5.

Gián đoạn chuỗi cung ứng lên đỉnh điểm vào nửa cuối năm 2021 và đã giảm bớt đáng kể từ giữa năm nay, nhưng việc gián đoạn không hoàn toàn kết thúc. Điển hình tại Mỹ, tình trạng thiếu lao động trong ngành vận tải và hậu cần có thể trở nên tồi tệ hơn do một cuộc đình công đường sắt có thể xảy ra trước cuối năm nay.

Hồi đầu tháng, Trung Quốc ban hành kế hoạch gồm 20 điểm phần nào nới lỏng về giãn cách xã hội so với trước để “tối ưu hóa” chính sách zero-Covid (quét sạch F0 ra khỏi cộng đồng – NV). Nhưng việc siết chặt giãn cách xã hội và phong tỏa đã tăng trở lại ở Trung Quốc trong những ngày gần đây, do mức độ lây nhiễm lan rộng. Vì thế, chuỗi cung ứng ở Trung Quốc sau một thời gian bớt gián đoạn thì gần đây đã gián đoạn sâu sắc trở lại do nhiều khu vực ở nước này bị phong tỏa.

Không suy thoái nhưng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng chậm - ảnh 1
Kinh tế VN được kỳ vọng là điểm sáng về tăng trưởng ở khu vực trong năm 2023 HOÀNG QUÂN

Thực tế vừa nêu cho thấy việc phong tỏa của Trung Quốc để phòng chống Covid-19 có thể vẫn xảy ra đến giữa năm 2023. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới của Trung Quốc đã giảm dần kể từ tháng 5. Chỉ số đơn đặt hàng sản xuất mới của Trung Quốc giảm từ tháng 4 và mức độ giảm mạnh nhất vào tháng 10, cho thấy nhu cầu nội địa của nước này cũng yếu đi. Tại Trung Quốc, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn yếu dù chính quyền đã thực thi các biện pháp kích thích dưới hình thức lãi suất thấp hơn, đầu tư cơ sở hạ tầng trực tiếp và hỗ trợ cho lĩnh vực phát triển bất động sản thiếu tiền mặt. Cụ thể hơn, dù nguồn cung tiền của Trung Quốc đã tăng nhanh trong năm nay, nhưng doanh số bán lẻ hầu như không tăng. Sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc hiện do cả tác động bên trong lẫn bên ngoài.

Các tồn tại trên gây ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

 

Điểm sáng VN và Philippines

Tuy nhiên, kinh tế Đông Nam Á cũng sẽ chậm lại nhưng vẫn khả quan hơn toàn khu vực. Trong đó, VN và Philippines được dự báo sẽ dẫn đầu về tăng trưởng trong năm 2023.

Không suy thoái nhưng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng chậm - ảnh 2

Cụ thể hơn, theo báo cáo trên, VN sẽ tiếp tục hưởng lợi nhờ đầu tư từ Hàn Quốc và các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương khác. Hơn nữa, VN còn có kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ lớn hơn so với xuất khẩu vào một số thị trường quan trọng khác, trong khi Mỹ được nhận định là một trong những nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn trong năm tới.

Philippines có thời gian phong tỏa liên tục do Covid-19 lâu nhất so với bất kỳ quốc gia nào trong khu vực. Vì thế, nhu cầu bị dồn nén đối với hàng hóa và dịch vụ sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong năm tới. Kèm theo đó, chính sách tài khóa của chính phủ Philippines nhằm thúc đẩy giáo dục, y tế công cộng và phát triển cơ sở hạ tầng cũng thúc đẩy kinh tế nước này phát triển.

Cũng tại Đông Nam Á, Malaysia được báo cáo trên dự báo mức tăng trưởng kinh tế năm 2023 sẽ chậm nhất trong khu vực khi so với năm 2022, do giá các mặt hàng chủ lực của nước này thấp đi, đặc biệt là dầu cọ và dầu thô, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu.

 

Dân Mỹ mua sắm kỷ lục trong Black Friday

Reuters dẫn lại dữ liệu ngày 26.11 của Adobe Analytics cho biết người Mỹ chi 9,12 tỉ USD, một con số kỷ lục, để mua sắm trực tuyến trong ngày Thứ sáu đen (Black Friday) 25.11. Dù ưu đãi được tung ra từ tháng 10, chi tiêu trực tuyến tăng 2,3% vào ngày 25.11 nhờ người tiêu dùng chờ đến dịp giảm giá truyền thống. Adobe cũng dự đoán sự kiện mua sắm trực tuyến Cyber Monday ngày 28.11 sẽ thu về 11,2 tỉ USD, trở thành ngày mua sắm lớn nhất mùa lễ hội năm nay.

Sau đại dịch, các nhà phân tích cho rằng người tiêu dùng sẽ đổ xô đến các cửa hàng để mua sắm. Tuy nhiên, dữ liệu của Adobe cho thấy người Mỹ đã chuyển sang dùng điện thoại để mua hàng. Hoạt động mua sắm trên thiết bị di động chiếm 48% tổng doanh số bán hàng trực tuyến trong Black Friday.

Đông A

 

Trung Quốc tuyên bố chống Covid-19 kiên quyết hơn

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 27.11 công bố số liệu cho thấy số ca nhiễm Covid-19 tăng lên mức cao kỷ lục trong ngày thứ 4 liên tiếp. Cụ thể trong ngày 26.11, có 39.791 ca nhiễm mới, hầu hết là trong nước, trong đó 3.709 ca có triệu chứng và 36.082 ca không triệu chứng. Thêm 1 ca tử vong được ghi nhận, nâng tổng số ca tử vong lên thành 5.233. Các thành phố lớn như Bắc Kinh, Quảng Châu, Trùng Khánh đang chống chọi với đợt bùng phát dịch nghiêm trọng.

Cùng ngày 27.11, tờ China Daily đưa tin chính quyền sẽ thi hành các biện pháp kiên quyết hơn nhằm ngăn chặn lây nhiễm. Theo đó, ban phòng chống dịch của Quốc vụ viện cam kết sẽ xử lý những sơ sót trong kiểm soát dịch, kêu gọi chính quyền địa phương chấn chỉnh việc thi hành 20 biện pháp mới được điều chỉnh gần đây. Một số địa phương bị chỉ trích vì triển khai các biện pháp sai lầm như phong tỏa trên diện rộng và có thái độ buông lỏng trong chống dịch. Nhằm thích ứng tình hình mới, Trung Quốc gần đây công bố các biện pháp chống dịch “được tối ưu hóa”, dựa trên khoa học và có mục tiêu hơn như cắt ngắn thời gian cách ly, không cần xác định người tiếp xúc gần thứ cấp.

Bảo Vinh

 

HOÀNG ĐÌNH

TNO