22/01/2025

Các kiến nghị thí điểm một số cơ chế về đất đai của TP.HCM

Các kiến nghị thí điểm một số cơ chế về đất đai của TP.HCM

Trước thềm hội nghị Thủ tướng làm việc với UBND TP.HCM vào chiều nay 27-11, UBND TP đã có báo cáo gửi Thủ tướng và nêu các kiến nghị, trong đó có các kiến nghị liên quan đến lĩnh vực quy hoạch và đất đai.

 

 

 

Các kiến nghị thí điểm một số cơ chế về đất đai của TP.HCM - Ảnh 1.

UBND TP kiến nghị cho phép Trung tâm Phát triển quỹ đất khai thác ngắn hạn đối với các khu đất do trung tâm này quản lý nhưng chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất – Ảnh: NGỌC HIỂN

Tại báo cáo gửi Thủ tướng, liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, đất đai và môi trường, UBND TP.HCM đã có các kiến nghị để khơi thông các nguồn lực.

Cụ thể, kiến nghị thí điểm thực hiện áp dụng “căn cứ để giao đất, cho thuê đất là văn bản phê duyệt kết quả trúng đấu giá, đấu thầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” đối với các quỹ đất được chấp thuận chủ trương thanh toán cho các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BT) trước ngày 1-1-2021.

Cho phép Trung tâm Phát triển quỹ đất khai thác ngắn hạn đối với các khu đất do trung tâm này quản lý nhưng chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất.

Giao UBND TP ban hành quy định chi tiết về khai thác ngắn hạn quỹ đất do Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý nhưng chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất, phân bổ cho trung tâm tối thiểu 10% nguồn thu từ công tác này.

 

Cho phép TP thí điểm gia hạn sử dụng đất đối với các trường hợp sau:

1. Trường hợp chủ đầu tư đã “nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng dài, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh” theo điều 73 Luật đất đai 2013, chưa hoàn tất thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất nhưng các thửa đất nhận chuyển nhượng đã hết thời hạn sử dụng.

2. Trường hợp “thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được UBND cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật” theo Luật đất đai nhưng sau khi có kết quả xử lý đã hết thời hạn sử dụng đất.

Ngoài ra, UBND TP cũng kiến nghị cho phép TP thí điểm bổ sung hình thức “sử dụng đất khác không phải là đất ở đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại” vào các quy định tại Luật nhà ở 2014, Luật đầu tư 2020 và Luật số 03/2022/QH15.

 

Kiến nghị cơ chế thí điểm trong xử lý rác

tam sinh nghia

Tại một nhà máy xử lý và tái chế chất thải rắn tại TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Kiến nghị cho phép TP có cơ chế chủ động đặt hàng cung ứng dịch vụ xử lý rác với các nhà đầu tư hiện hữu để xử lý khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn TP.

Đặt hàng cung ứng dịch vụ xử lý rác đối với khối lượng vượt công suất so với hợp đồng đã ký khi các nhà máy xử lý hiện nay có nhu cầu chuyển đổi công nghệ và nâng công suất cao hơn so với hiện hữu.

Đối với các dự án xử lý rác mới, TP kiến nghị cho phép được áp dụng cơ chế thí điểm đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

TP giao đất, cho thuê đất trong các khu liên hợp xử lý chất thải đã được quy hoạch (mà không cần phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất) và đưa ra các yêu cầu về công suất, tiêu chí về công nghệ tiêu chuẩn môi trường, đơn giá và các yêu cầu khác có liên quan nhằm lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án.

NGỌC HIỂN
TTO