22/01/2025

Doanh nghiệp bất động sản khó chồng khó

Doanh nghiệp bất động sản khó chồng khó

Hàng bán không được trong khi nguồn thu từ khách hàng cũng bị “ngắt”, thậm chí rất nhiều khách hàng đòi hủy hợp đồng, “xin” lại tiền đã đóng trước đó bất chấp bị phạt lãi. Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đang đứng trước khó khăn chưa từng thấy.

 

 

Càng về cuối năm áp lực càng lớn

Lãnh đạo một doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) có tiếng tại TP.HCM cho biết gần như 2 quý trở lại đây công ty của ông không có nguồn thu từ các hoạt động bán hàng. Đáng lo hơn, thời gian này DN liên tục nhận được nhiều đơn xin hoãn thanh toán không phạt lãi của khách hàng. Thậm chí có không ít khách hàng xin thanh lý hợp đồng, nhận lại tiền đóng trước bất chấp chịu lãi phạt, khiến DN rất đau đầu để cân nhắc trong vấn đề phê duyệt và xử lý.

“Nhiều khách hàng xin thanh lý hợp đồng bất chấp việc bị phạt vì đơn phương chấm dứt hợp đồng. Họ bất chấp vì gánh nặng về tài chính và lãi vay không gồng nổi. Nếu như trước đây dự án chậm một chút khách hàng cũng có thể đồng hành, nhưng nay chỉ cần một lỗi nhỏ của DN, khách hàng cũng vin vào để làm lớn chuyện và yêu cầu thanh lý hợp đồng. Việc nhiều khách hàng cùng lúc đòi thanh lý hợp đồng, đòi lại tiền mặt đã trở thành áp lực và nỗi ám ảnh đối với DN trong bối cảnh không có dòng tiền.

Mỗi tháng trôi qua, công ty phải gồng nhiều khoản chi phí để duy trì vận hành bộ máy trong khi vẫn chịu áp lực dòng tiền cho các khoản lãi vay ngân hàng. Chưa kể đến những chi phí lớn thường kỳ bắt buộc phải chi cho văn phòng làm việc, lương và phúc lợi nhân viên, công nợ nhà cung cấp, hoa hồng môi giới… Càng về cuối năm, áp lực này càng lớn. Nếu tình hình này tiếp tục chúng tôi sẽ buộc phải cân nhắc đến các biện pháp giãn thanh toán tiền lương người lao động, điều mà chưa bao giờ có tiền lệ trong nhiều năm qua ở doanh nghiệp tôi”, vị này nói.

Doanh nghiệp bất động sản khó chồng khó - ảnh 1
Hàng bán không được, ngân hàng không cho vay, dự án bỏ hoang khiến doanh nghiệp lao đao  ĐÌNH SƠN

Cũng theo vị này, dòng tiền bị nghẽn đang là vướng mắc lớn của thị trường hiện nay. Lãi suất vay ở mức cao dẫn đến thanh khoản yếu, giao dịch BĐS tiếp tục trầm lắng trong những tháng cuối năm 2022. Để kéo sức mua, nhiều công ty đã tung ra những chương trình kích cầu, ưu đãi, hỗ trợ lãi vay nhưng vẫn không ăn thua. Những công ty đang phải “chịu” thêm phần lãi suất để hỗ trợ khách hàng như đã cam kết thì áp lực nhân lên gấp đôi trong bối cảnh lãi suất tăng cao.

Tuy nhiên, vì uy tín thương hiệu và giảm tải phần nào gánh nặng tài chính cho khách hàng, một số DN BĐS vẫn cố gắng gồng. “Có thể nói động thái hạn chế dòng tín dụng vào BĐS khiến cả chủ đầu tư và người mua nhà đều gặp khó khăn. Hy vọng rằng trong thời gian tới các cấp quản lý sẽ có những biện pháp trợ lực kịp thời để tháo gỡ điểm nghẽn và mở van để thị trường BĐS phát triển lành mạnh trở lại”, vị này nói.

Cùng nỗi thống khổ, một doanh nghiệp thừa nhận đến nay DN đang kiệt sức, bởi các kênh liên quan nguồn vốn đều bị “tắc” trong khi hàng bán không được, không có doanh thu. Khó khăn lớn nữa là 2 năm qua các DN được phát hành trái phiếu để triển khai dự án thì nay đã đến thời hạn trả nợ, thanh toán lãi… mà kênh này thì đang bị “siết”, nợ chồng nợ, khó chồng khó. DN đang phải gom hết tiền để mua lại các lô trái phiếu đến kỳ đáo hạn cuối năm nay nên sẽ không còn tiền để triển khai xây dựng dự án, thậm chí không còn tiền để trả lương nhân viên, trả nợ đối tác. Doanh nghiệp dự báo năm 2023 nếu không có giải pháp kịp thời, kịch bản thị trường khủng hoảng như trước đây có thể lặp lại nhưng do quy mô thị trường hiện nay đã lớn hơn trước gấp nhiều lần nên hệ quả cũng sẽ lớn hơn nhiều lần.

 

Nhiều DN rời cuộc chơi

Những khó khăn của thị trường đã khiến nhiều DN phải sa thải nhân viên, đóng cửa, ngưng hoạt động. Hồi giữa tháng 9.2022, Propzy Việt Nam, một công ty chuyên bán BĐS bằng nền tảng công nghệ đã gửi thư đến toàn thể nhân viên thông báo về việc đóng cửa. Được thành lập vào năm 2016, Propzy Việt Nam được đánh giá là một trong các công ty kinh doanh BĐS bằng công nghệ lớn nhất VN, được mệnh danh là “Grab trong BĐS” khi huy động được 25 triệu USD để “khởi nghiệp”. Tuy nhiên DN này không chống chọi được sau khi bị cơn bão Covid-19 càn quét và bất ổn tài chính toàn cầu nên đành phải đóng cửa. Đến nay phần lớn nhân sự tại Propzy Việt Nam đã nghỉ việc, chỉ còn lại bộ phận giải quyết thủ tục thanh lý và giải thể.

Từ giữa tháng 6.2022, Công ty TNHH dịch vụ Propzy (Propzy Services), một đơn vị thành viên của Propzy Việt Nam, cũng đã thông báo giải thể. Trước đó, từ tháng 9.2021, Propzy Việt Nam đã cắt giảm 50% nhân sự. “Chúng ta đã kêu gọi được vòng gọi vốn Series A giá trị 25 triệu USD vào giữa năm 2020 nhưng sau đó phải đối mặt với tình hình đại dịch kéo dài và tình hình tài chính toàn cầu bất ổn do xung đột của Nga tại Ukraine. Nỗ lực để phát triển kinh doanh trong giai đoạn này đã phát sinh những khoản lỗ lớn mà chúng tôi không thể phục hồi được. Việc không gọi được vốn giữa môi trường toàn cầu có xu hướng bất định là lưỡi dao cuối cùng đối với công ty”, email nội bộ gửi tới nhân viên của Propzy Việt Nam thừa nhận.

Mới đây Công ty CTL cũng thông báo ngừng hoạt động, dừng mảng đầu tư vào lĩnh vực BĐS. Theo lãnh đạo DN này, từ đầu năm đến nay gần như DN không bán được hàng và không có nguồn thu nào trong khi chi phí hằng tháng quá lớn. Không những thế, các dự án đang triển khai pháp lý cũng không thông được khiến dòng vốn bị ngâm khá lâu. Sau khi đóng cửa, DN này cũng đang chào bán rẻ các dự án, quỹ đất mà mình đang nắm giữ để thu hồi vốn. “Hàng bán không được, ngân hàng không cho vay, nguồn thu từ khách hàng cũng không có. Theo dự báo năm sau thị trường BĐS sẽ còn khó khăn hơn nên DN đành cắt giảm lĩnh vực này để tập trung nhân lực và vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh đang được ưu tiên. Chúng tôi buộc lòng phải đóng cửa DN, trả thêm mỗi nhân viên 2 tháng lương để anh em đi tìm việc khác”, lãnh đạo Công ty CTL chia sẻ.

Ông Nguyễn Hồng Hải, lãnh đạo một DN chuyên về cho thuê văn phòng ở TP.HCM, cho biết mấy tháng qua hồ sơ vay vốn của DN ông không giải ngân được dù ông đã chạy đôn chạy đáo khắp các ngân hàng, thậm chí có ngân hàng đã có thông báo cấp tín dụng nhưng cũng không thể giải ngân. Điều này khiến DN của ông muốn “sập nguồn” nên đang cho giảm bớt nhân sự và tiến tới tạm dừng hoạt động kinh doanh.

Đây là chỉ 3 trong nhiều DN BĐS, nhất là các DN vừa và nhỏ, các sàn môi giới đã và đang cắt giảm nhân viên, nợ lương và cuối cùng là đóng cửa. Không chỉ DN nhỏ, mới đây một tập đoàn lớn tại TP.HCM đã thông báo cắt giảm trên 50% nhân sự. Nhiều chi nhánh, văn phòng của tập đoàn cũng đã đóng cửa, trả lại mặt bằng. Các mảng kinh doanh khác của DN cũng đã bị thu hẹp. Dù vậy, tập đoàn này vẫn không “gồng” nổi nên những nhân viên còn lại cũng đã nhận thông báo nợ lương và “bật đèn xanh” cho nghỉ việc…

Thị trường BĐS, chưa bao giờ khó khăn đến thế.

 

Khó khăn “lây lan” sang lĩnh vực khác

Theo thống kê của Hiệp hội Thép VN, trong tháng 9.2022 sản lượng bán hàng đạt 920.248 tấn, giảm 21,91% so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu thép xây dựng đạt 113.158 tấn, giảm 47,9% so với tháng 9.2021. Do quá khó khăn nên ngày 25.10, Công ty TNHH Thép Miền Nam – VNSTEEL đã gửi thông báo đến cán bộ nhân viên về việc tổ chức nghỉ luân phiên theo kế hoạch ngưng sản xuất dài ngày từ tháng 10 – 12.2022. Nguyên nhân VNSTEEL đưa ra quyết định này là bởi nhu cầu thép xây dựng trên thị trường thế giới giảm, trong khi thị trường nội địa đã suy yếu, các dự án đầu tư, BĐS bị trì trệ và gặp nhiều khó khăn. Trước đó, cuối tháng 9.2022, Công ty CP Thép Pomina cũng thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao (BF), đồng thời chấm dứt hợp đồng lao động với một số cán bộ công nhân viên của công ty.

 

ĐÌNH SƠN

TNO