22/01/2025

Tuyển sinh lớp 10: Đến lúc trường công cũng cần học sinh

Tuyển sinh lớp 10: Đến lúc trường công cũng cần học sinh

Thời điểm này các trường THPT tại TP.HCM đã đề xuất chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 cho năm học 2023 – 2024 và cũng đang chuẩn bị kế hoạch để thu hút học sinh đăng ký nguyện vọng chứ không ngồi chờ một cách thụ động.

 

 

“Giảm nhiệt” hơn năm 2022

Đánh giá chung về chỉ tiêu và mức độ cạnh tranh nói chung của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2023, hầu hết lãnh đạo các trường THCS, THPT đều dự đoán có thể sẽ giảm nhiệt hơn so với mùa tuyển sinh năm 2022. Sở dĩ có dự đoán như trên bởi số lượng học sinh (HS) tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2023 có năm sinh 2008 (năm Mậu Tý) thấp hơn so với lứa HS lớp 9 năm ngoái (sinh năm 2007 – Đinh Hợi, năm được gọi là Heo vàng), trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của các trường THPT hầu như không tăng hay giảm một cách đột biến.

Ông Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q.Tân Bình), thông tin chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học sắp tới nhà trường dự kiến bằng với năm học 2022 – 2023, tức là 675 HS, tương đương 15 lớp. Ông Hải cho hay, hằng năm số HS nhập học thực tế thường giảm khoảng 1 lớp so với chỉ tiêu tuyển sinh, những HS này chủ yếu chuyển sang học trường ngoài công lập.

Tuyển sinh lớp 10: Đến lúc trường công cũng cần học sinh - ảnh 1
Học sinh Trường THCS Minh Đức trải nghiệm một ngày tại Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1) chuẩn bị cho việc đăng ký nguyện vọng lớp 10 AN TRẦN

Bà Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức), cho biết trường đề xuất tuyển 15 lớp 10 với 675 HS, hầu như năm nào số HS nhập học cũng giảm khoảng 1 lớp so với chỉ tiêu, cũng với lý do HS sang học tại các trường ngoài công lập.

Dù là trường thuộc tốp 1, đầu vào là HS có năng lực học tập ở mức độ giỏi ổn định nhưng bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), cũng cho hay hằng năm số HS nhập học thấp hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 30 HS, tương đương với 1 lớp 10. Theo bà Dung, những HS này du học hoặc học trường quốc tế.

 

Không còn ngồi chờ học sinh

Từ thực tế trên, nhiều hiệu trưởng cho rằng không thể thụ động và ỷ lại vào tâm lý trường công thì đương nhiên HS cần và đăng ký nguyện vọng. Cần chủ động đến các trường THCS cùng địa bàn hay lân cận để giới thiệu, tiếp cận với HS lớp 9.

Theo Hiệu trưởng Hoàng Thị Hảo, nếu chỉ nói thôi thì có thể HS cũng như phụ huynh lớp 9 chưa tin, chưa nắm hết thông tin nên vào tháng 2 đến khoảng tháng 4, trước thời gian HS lớp 9 hoàn tất việc đăng ký nguyện vọng lớp 10, nhà trường tổ chức chương trình “Một ngày làm học sinh Trường THPT Đào Sơn Tây” vào thứ bảy hằng tuần. Khi đó, các em cùng phụ huynh vào trường tham quan cơ sở vật chất, giao lưu để biết các HS đang học và sinh hoạt như thế nào.

Thầy Hoàng Sơn Hải cũng nhận định không thể ngồi chờ HS mà thầy cô phải thay đổi. Ông Hải cho hay có những HS cho biết học lực có thể đăng ký nguyện vọng vào trường tốp trên nhưng vẫn chọn Trường THPT Nguyễn Chí Thanh chỉ vì 2 ngày cuối tuần có thể vào trường sinh hoạt CLB. Từ câu chuyện trên, theo ông Hải, bên cạnh chất lượng giáo dục thì HS ngày nay còn quan tâm đến các hoạt động giáo dục, sinh hoạt ngoại khóa. Để HS biết đến trường thì ngoài việc nhà trường, giáo viên tự thân thay đổi theo chiều hướng tích cực, thích ứng với sự phát triển thì còn là các hoạt động tư vấn, giới thiệu cho HS THCS. Đặc biệt, tạo điều kiện cho HS lớp 9 và phụ huynh trải nghiệm môi trường học tập THPT để bắt nhịp khi chuyển cấp.

Tuyển sinh lớp 10: Đến lúc trường công cũng cần học sinh - ảnh 2
Các trường THPT tạo điều kiện cho HS lớp 9 và phụ huynh trải nghiệm môi trường học tập  AN TRẦN

“Gõ cửa” trường THCS

Từ một ngôi trường THPT mới, không có tên tuổi, sau gần 15 năm thành lập, đến nay Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1) là một trong những trường THPT tốp 2 của TP.HCM. Bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết đã không ngại “gõ cửa”, thuyết phục các trường THCS để giới thiệu với HS lớp 9.

Theo bà Bùi Minh Tâm, muốn HS biết đến mình, mỗi trường thông qua các tiêu chí tạo nên thương hiệu, trước hết là chất lượng đào tạo, tổ chức hoạt động… Tuy nhiên, khi đã có thương hiệu thì phải tạo cơ hội để đến gần với HS chứ không ngồi chờ một cách thụ động. Theo bà Tâm, cách tiếp cận chạm đến cảm xúc của HS là đưa các em đến trường THPT để trải nghiệm. Khi các em có cảm hứng, tất nhiên sẽ có mong muốn, nguyện vọng trong học tập và thay đổi mình để đạt mục tiêu.

Cô Tâm còn chỉ ra rằng khi HS lớp 9 trải nghiệm ở trường THPT sẽ có cơ hội gặp gỡ các anh chị THPT, được hướng dẫn kỹ năng, phương pháp học tập để có thể vào học tại trường mình yêu thích.

Cũng theo bà Tâm, các trường học muốn tồn tại, muốn có thương hiệu thì phải kích hoạt các hoạt động giáo dục để thu hút HS. Trường học chỉ có thể vận hành bền vững thông qua chỉ số hài lòng của phụ huynh và chỉ số hạnh phúc của HS.

Về phía trường THCS, bà Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức (Q.1), cho hay HS tham quan thực tế có cái nhìn rõ ràng hơn và có hiệu quả tích cực. Bà Thúy An nhìn nhận: “Ngoài việc các trường THCS đã định hướng thì phía các trường THPT cũng cần có sự phối hợp chủ động. Các trường THPT cần tạo cho HS cảm giác các con được tôn trọng và trân trọng vì đây là những HS tương lai của mình”.

 

BÍCH THANH

TNO