19/11/2024

Quan chức thừa nhận sai sót lớn của WHO vào đầu dịch Covid-19

Quan chức thừa nhận sai sót lớn của WHO vào đầu dịch Covid-19

Tiến sĩ Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thừa nhận WHO lẽ ra nên thừa nhận sớm hơn về cơ chế lây nhiễm của Covid-19.

 

 

 

Quan chức thừa nhận sai sót lớn của WHO vào đầu dịch Covid-19 - ảnh 1
Tiến sĩ Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) REUTERS

Nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiến sĩ Soumya Swaminathan, vừa bày tỏ tiếc nuối về công tác ứng phó của tổ chức này vào thời điểm đầu dịch Covid-19, theo tờ Independent mới đây đưa tin.

Bà Swaminathan (63 tuổi) thừa nhận rằng WHO lẽ ra nên thừa nhận sớm hơn rằng SARS-CoV-2 gây Covid-19 có thể lây lan qua những giọt bắn li ti.

“Chúng tôi lẽ ra nên thừa nhận sớm hơn nhiều, dựa trên chứng cứ có được, và đó là điều khiến tổ chức này chịu thiệt hại”, bà phát biểu.

“Các bạn có thể tranh luận rằng điều này không công bằng, vì khi nói về việc di chuyển của virus, chúng ta đã nói về mọi biện pháp như đeo khẩu trang và giữ không khí thông thoáng. Nhưng cùng lúc đó, chúng tôi đã không nói một cách mạnh mẽ rằng đây là virus lây trong không khí. Tôi tiếc rằng chúng tôi đã không làm điều này sớm hơn nhiều”, theo bà Swaminathan.

Vào tháng 7.2020, WHO cập nhật hướng dẫn về lây nhiễm trong không khí, đề cập rằng “lây nhiễm SARS-CoV-2 trong không khí có thể xảy ra trong tiến trình y khoa tạo ra những giọt li ti”.

“WHO cùng với cộng đồng khoa học đã tích cực thảo luận và đánh giá liệu Covid-19 có thể còn lây lan qua những giọt li ti mà không có quá trình tạo ra các giọt li ti, nhất là ở môi trường trong nhà thiếu thông thoáng”, theo hướng dẫn.

Vào tháng 3.2021, WHO cập nhật báo cáo về mối quan hệ giữa lây nhiễm Covid-19 và quy trình tạo ra những hạt li ti, trong đó mô tả về “bất cứ quy trình y khoa nào có thể dẫn đến việc sản xuất những hạt li ti với kích cỡ khác nhau”.

Báo cáo này liệt kê việc sử dụng ống thở ở bệnh nhân, thở máy không xâm lấn, mở khí quản, hồi sức tim phổi, thông hơi thủ công trước khi luồn ống vào khí quản và quy trình nha khoa.

Bà Swaminathan gia nhập WHO vào năm 2017 và sau đó được bổ nhiệm làm khoa học gia trưởng bởi Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Tuần trước, bà cho biết sẽ rời vị trí tại WHO vào cuối tháng này để làm việc trong lĩnh vực y tế công tại quê hương Ấn Độ.

Chưa rõ người sẽ thay thế vị trí trên, nhưng sự ra đi của bà vào thời điểm WHO có nhiều thay đổi lớn. Trong số 16 thành viên lãnh đạo, có 8 người sẽ nghỉ việc vào cuối tháng 11, trong đó có tiến sĩ Mariangela Simao, trợ lý của tổng giám đốc.

 

KHÁNH AN

TNO