22/12/2024

Học sinh Việt lập trình hệ thống phát hiện bệnh cây lúa, thi quốc tế

Học sinh Việt lập trình hệ thống phát hiện bệnh cây lúa, thi quốc tế

Dự án của nhóm 6 học sinh câu lạc bộ lập trình ở huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long giúp tự động phát hiện và cảnh báo những chứng bệnh gây hại cho cây lúa.

 

 

 

Học sinh Việt lập trình hệ thống phát hiện bệnh cây lúa, thi quốc tế - ảnh 1
Phần mềm do các em học sinh CLB Lập trình thiết kế giúp bắt bệnh cây lúa  ẢNH MINH HỌA THÚY HẰNG

Nhóm 6 học sinh của CLB Lập trình (Code Club) Trường THCS Hiếu Phụng, xã Hiếu Phụng, H.Vũng Liêm, Vĩnh Long đã thực hiện dự án “Phát triển hệ thống tự động phát hiện bệnh cây lúa“. Nhóm học sinh gồm: Nguyễn Thị Như An (Trưởng nhóm), Nguyễn Ngọc Ngân, Âu Gia Thái Bảo, Trần Hải Long, Nguyễn Thị Thúy An, Âu Bảo Trọng.

Được trang bị 40 loại cảm biến tích hợp, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT), hệ thống không chỉ tự động phát hiện và cảnh báo những chứng bệnh gây hại cho cây lúa mà còn giúp người nông dân có thể điều khiển từ xa các thiết bị bơm tưới, nhờ đó kịp thời cung cấp nước cho đồng ruộng.

Đây là 1 trong 7 dự án phần mềm xuất sắc do học sinh Việt Nam thực hiện, vừa được công bố vào vòng chung kết cuộc thi cuộc thi lập trình quốc tế dành cho thí sinh từ 18 tuổi trở xuống Coolest Project 2022 diễn ra tại Malaysia.

Mỗi năm có hàng trăm dự án từ nhiều nơi trên thế giới được gửi về. Đây cũng là năm thứ 3 cuộc thi lập trình quốc tế dành cho các bạn dưới 18 tuổi trở xuống được tổ chức.

Dự án ý nghĩa khác là “Thiết bị hỗ trợ bảo vệ rừng” do Nguyễn Lê Quang Trực và Nguyễn Đức Bảo Lâm (CLB Lập trình trường THCS & THPT Đống Đa, Lâm Đồng) thực hiện. Các học sinh thiết kế hệ thống nhận dạng hình ảnh, âm thanh, nhiệt độ, độ ẩm… để thu thập, phân tích và cảnh báo nguy cơ cháy rừng.

Học sinh Việt lập trình hệ thống phát hiện bệnh cây lúa, thi quốc tế - ảnh 2
Dự án D-Home
Học sinh Việt lập trình hệ thống phát hiện bệnh cây lúa, thi quốc tế - ảnh 3
Mô hình Hệ thống hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi

Dự án “D-Home, ngôi nhà thông minh cho người khiếm thanh, khiếm thính” do Nguyễn Hoàng Trung Sơn và Hoàng Bùi Anh Tuấn (CLB Lập trình, THPT Chuyên Bảo Lộc, Lâm Đồng) thực hiện. Dự án ứng dụng AI có khả năng nắm bắt cử chỉ từ người dùng để chuyển thành các lệnh điều khiển giúp người khiếm thính, khiếm thanh có khả năng sử dụng tiện ích nhà thông minh như người bình thường.

Ngoài ra, còn có 4 dự án khác của học sinh các CLB Lập trình ở các trường học Việt Nam dự thi chung kết quốc tế.

Đó là “Mô hình trang trại thông minh” (Trường TH-THCS Cun Pheo, H.Mai Châu, Hòa Bình), “Phần mềm mô phỏng vật lý theo định luật OHM” (Trường THCS Long Trị A, thị xã Long Mỹ, Hậu Giang), “Thuyền gom rác trên sông” (Trường THCS-THPT Đống Đa, Đà Lạt, Lâm Đồng), “Hệ thống hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi” (CLB Lập trình, Trường THPT Công nghiệp, Hoà Bình).

Những dự án kể trên được ươm mầm từ mô hình CLB Lập trình do Quỹ Dariu hỗ trợ các sở GD-ĐT triển khai tại trường THCS và THPT ở một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, Lâm Đồng và Hòa Bình. Tới nay, quỹ này hỗ trợ thành lập 160 CLB Lập trình hoạt động hiệu quả.

Học sinh Việt lập trình hệ thống phát hiện bệnh cây lúa, thi quốc tế - ảnh 4
Ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc Quỹ Dariu Việt Nam, công bố 7 dự án của học sinh vào vòng chung kết

Quỹ Dariu là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 2002 tại Thụy Sỹ, nhằm nâng cao năng lực, cải thiện cuộc sống của các hộ gia đình có thu nhập thấp thông qua dự án tạo sinh kế bền vững và dự án hỗ trợ phát triển giáo dục, đặc biệt là phổ cập kỹ năng số.

Quỹ đang thực hiện và hợp tác triển khai các chương trình tại 5 quốc gia gồm: Việt Nam, Myanmar, Ấn Độ, Bhutan và Malaysia. Tại Việt Nam, quỹ được thành lập văn phòng dự án vào năm 2007.

 

THUÝ HẰNG

TNO