22/12/2024

Học sinh co giật vì ăn kẹo từ người lạ: Nhiều bài học phải dạy trẻ

Học sinh co giật vì ăn kẹo từ người lạ: Nhiều bài học phải dạy trẻ

Hai học sinh ở Tây Ninh vừa phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn kẹo người lạ cho ở cổng trường. Bài học không ăn quà bánh người lạ cho, không đi theo người lạ và nhiều kỹ năng sống khác vẫn chưa bao giờ là cũ để dạy trẻ.

 

 

 

Học sinh co giật vì ăn kẹo từ người lạ: Nhiều bài học phải dạy trẻ - ảnh 1
Hai học sinh ở Tây Ninh nhập viện cấp cứu sau khi ăn kẹo từ người lạ cho ở cổng trường  CHỤP MÀN HÌNH

Không ăn bánh, kẹo hay nhận bất cứ thứ gì từ người lạ

Cô giáo một lớp mầm non trùm kín mít đồ chống nắng, đeo kính đen, đội nón bảo hiểm, cầm những bịch bánh kẹo thơm ngon ra mời con nít. Bé nào nhận bánh kẹo thì được bế đến một phòng khác, đóng cửa lại. Lát sau, những đứa trẻ này đều mếu máo khóc khi trở về chỗ ngồi.

Cô giáo (vẫn đang được hóa trang kín mít) lặp lại hành động đưa bánh kẹo dụ con nít, nhưng bé nào cũng khóc thét, không còn bé nào chịu nhận bánh kẹo nữa và có bé chạy đi trốn. Đó là nội dung một video clip được chia sẻ nhiều trong các hội nhóm nuôi dạy trẻ, được cho là hiệu quả trong việc dạy trẻ không được nhận đồ chơi, ăn bánh kẹo hay cầm bất cứ đồ gì từ người lạ.

Chị Nguyễn Thu Tuyết, có con học tại Trường mầm non Sao Mai, P.5, Q.8, TP.HCM cũng là người xem đi xem lại video này nhiều lần cùng con và lặp đi lặp lại thông điệp “không cầm, không ăn bất cứ thứ gì từ người lạ cho, dù người đó nói rằng họ là người quen”, “không đi theo người lạ” với bé gái 5 tuổi của mình.

Chị Thu Tuyết cho biết trong trường, các bé cũng được học về kỹ năng sống, trong đó có kỹ năng không nhận đồ từ người lạ, không đi theo người lạ… Theo chị Thu Tuyết, phụ huynh cũng cần đồng hành cùng các cô giáo, cùng nhắc thêm các con hàng ngày để các con không quên.

“Tôi trò chuyện với con từ sớm. Khi con 2 tuổi, tôi cho con đi học ở nhà trẻ và thường xuyên dặn dò con thêm về điều này. Mình tìm những dịp phù hợp để nhắc con, như vừa cho con đọc một câu chuyện, hay cho con xem phim hoạt hình thì nhân tiện sẽ nhắc con luôn vì sao không được ăn bánh kẹo người lạ cho, họ có thể làm điều gì xấu với mình… Ví dụ trong phim Baby Bus có một tập “Không mở cửa cho người lạ”, tôi sẽ hỏi con, vì sao không mở cửa, mở cửa cho người lạ có thể bị làm sao, khi thấy người lạ đòi vào nhà con cần làm gì…”, chị Thu Tuyết nói.

Học sinh co giật vì ăn kẹo từ người lạ: Nhiều bài học phải dạy trẻ - ảnh 2
Học sinh một trường tiểu học trong giờ học kỹ năng sống V.K

Anh Điểu Vượt, cử nhân Xã hội học, diễn giả các chương trình về hướng nghiệp, kỹ năng của thanh niên tại TP.HCM và các tỉnh thành cho hay câu chuyện hai học sinh lớp 6 ở Tây Ninh phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn kẹo từ người lạ ở cổng trường cho thấy một thực tế nhiều học sinh thiếu kiến thức kỹ năng sống. Do đó, vấn đề giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, từ độ tuổi mầm non, tới học sinh các cấp học là vô cùng quan trọng và không thể xem nhẹ.

 

Không phải chỉ sinh tồn trong rừng sâu mới là kỹ năng sống

Anh Lê Văn Kết, quản lý trung tâm kỹ năng sống Việt Đăng Quang, Q.5, TP.HCM, người dạy kỹ năng sống cho học sinh nhiều trường học cho biết có một thực tế là ngay cả nhiều phụ huynh cũng hiểu chưa đúng về kỹ năng sống. Nhiều người chỉ nghĩ kỹ năng sống là cách sống được trong hang, sinh tồn khi đi lạc trong rừng sâu.

Học sinh co giật vì ăn kẹo từ người lạ: Nhiều bài học phải dạy trẻ - ảnh 3
Anh Lê Văn Kết, người dạy kỹ năng sống tại nhiều trường học  NVCC

Nhưng thực tế, kỹ năng sống là từ việc một đứa trẻ biết từ chối ăn kẹo từ người lạ trước cổng trường; biết không đi theo người lạ; biết kể lại với thầy cô giáo việc có người đang dụ dỗ con nít đi theo ở cổng trường; biết thoát hiểm khỏi đám cháy một cách an toàn, biết ngắt cầu dao khi thấy điện bị chập, cháy; biết hét lớn tri hô đúng cách để mọi người tới ứng cứu khi thấy cháy hay biết hô hoán giữa đám đông khi bị ai đó xâm hại… Tri hô đúng cách, ở đây không phải chỉ là hét toáng lên “A, a”, mà còn cần các thông điệp rõ hơn để có người ứng cứu như “Bớ người ta cháy nhà”, “Bớ người ta bắt cóc trẻ con”.

“Xâm hại không phải đợi đến khi ai đó có đụng chạm vào cơ thể mình, hay tấn công tình dục mình mới là xâm hại. Mà người khác có thể xâm hại các bé bằng ánh mắt, lời nói, bắt nhìn chằm chằm vào mình”, anh Lê Văn Kết nói.

“Khi trẻ được học về kỹ năng sống từ sớm, các con sẽ biết khi có người lạ mặt cho bánh kẹo, các con sẽ không nhận, và biết chạy đi ngay để thông báo điều này cho thầy cô giáo của mình, cha mẹ của mình để người lớn có thể giúp đỡ các con, phòng tránh các nguy cơ lần sau”, anh Kết nói.

Học sinh co giật vì ăn kẹo từ người lạ: Nhiều bài học phải dạy trẻ - ảnh 4
Trẻ em trong một chuyên đề kỹ năng sống tại trường học  V.K

Theo anh Lê Văn Kết, thời gian qua các trường học đã phối hợp với các trung tâm kỹ năng sống thực hiện nhiều hoạt động tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho các em học sinh.

Thông qua các vở kịch, tiết mục văn nghệ, tình huống giả định, các em học sinh được hướng dẫn, thực hành các kỹ năng không bị kẻ xấu dụ dỗ, bắt cóc, kỹ năng thoát hiểm, phòng tránh bị xâm hại, phòng chống bạo lực học đường, phòng tránh tai nạn thương tích, phòng chống nguy cơ đuối nước… Thực tế, kể cả khi biết bơi, nhưng khi cứu đuối cũng cần phải có kỹ năng để cứu được cả mình và người khác.

“Thông điệp quan trọng chúng tôi luôn nhắc các học sinh là trong bất cứ trường hợp nguy khẩn nào trước tiên cũng cần thật sự bình tĩnh, nói ra mối nguy hiểm của mình tới người khác. Phụ huynh cũng cần học kỹ năng sống cùng con, để hướng dẫn, đưa cho con những thông điệp đúng đắn trong cuộc sống đời thường để các bài học không bị rơi vào quên lãng”, anh Kết nói.

 

THUÝ HẰNG

TNO