31/10/2024

Nguy cơ từ những tin đồn làm doanh nghiệp ‘đứng bánh’

Nguy cơ từ những tin đồn làm doanh nghiệp ‘đứng bánh’

Liên tục trong mấy tuần qua, xuất hiện nhiều thông tin bịa đặt, tấn công trực diện vào nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, gây hoang mang trong cộng đồng.

 

 

Một tập đoàn bất động sản lớn bị chắp nối văn bản, lấy thông tin cũ “xào” lại, rồi tung lên mạng, xem như tập đoàn này phá sản đến nơi. Những tin đồn này rõ ràng rất ác ý, có mục đích tấn công cho sụp đổ doanh nghiệp.

Một tập đoàn lớn khác bị tung ảnh một chiếc xe công an ở trước trụ sở công ty. Ảnh bình thường, không liên quan đến việc bắt bớ ai, lại là ảnh cũ từ lâu, nhưng tập đoàn này bị một phen “sóng gió”.

Nguy cơ từ những tin đồn làm doanh nghiệp ‘đứng bánh’ - ảnh 1

Rồi khắp nơi xuất hiện hình ảnh không ít ngân hàng lớn, nhỏ bị đòi tiền mua trái phiếu và tố các ngân hàng này lừa đảo. Tuy nhiên bản chất vụ việc không phải như vậy, nhiều công ty chứng khoán chỉ tư vấn làm hồ sơ, không mua bán, có những ngân hàng hoàn toàn không tham gia cung cấp dịch vụ dưới bất kỳ hình thức nào, mà vẫn bị nhóm người kéo đến căng băng rôn, chụp hình rất nhanh và tung lên mạng xã hội.

Trong trường hợp này, người biểu tình vô tình hay cố ý không phân biệt các chủ thể, đó là ngân hàng, công ty tư vấn phát hành trái phiếu và công ty phát hành chính thức.

Tin đồn, băng rôn biểu ngữ cùng với những thông tin xuyên tạc là âm mưu tấn công trực tiếp vào các tập đoàn, doanh nghiệp, các ngân hàng, các định chế tài chính. Thiệt hại từ những tin đồn ác ý này không thể tính hết, nhất là trong giai đoạn kinh tế biến động, khó khăn.

Không chỉ các tập đoàn, doanh nghiệp bị tấn công phải chịu thiệt hại, mà lây lan trong cộng đồng doanh nghiệp. Không ai làm ăn một mình, mà liên kết với nhiều đối tác, một bên bị “đóng băng”, tất cả đều “đứng bánh”.

Nhiều doanh nghiệp không sản xuất kinh doanh được vì tin đồn, thì nền kinh tế bị ảnh hưởng. Nguy hiểm hơn, tin đồn tạo ra sự nghi ngờ trong toàn xã hội, người dân, các nhà đầu tư mất lòng tin vào các doanh nghiệp. Ai cũng rút tiền về cố thủ, thì nền kinh tế sẽ tê liệt.

Cách thức giăng băng rôn, biểu ngữ có thể bị lạm dụng, bị lợi dụng. Nếu cứ mạnh ai nấy giăng băng rôn bất chấp đúng sai, thì sẽ hình thành thói quen tập trung đông người với mục đích gây rối, làm mất trật tự, ảnh hưởng chung đến sự an toàn, bình yên của cộng đồng, của xã hội. Gần đây, trong cộng đồng dường như có một “nghề” mới là mặc áo đỏ, đi biểu tình, căng băng rôn..

Trước các vụ tung tin đồn thất thiệt, Trung tướng Tô Ân Xô – Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an thông tin đến báo chí rằng: Từ việc cơ quan bảo vệ pháp luật đã xử lý một số vụ án sai phạm, vi phạm pháp luật trên lĩnh vực kinh tế, các thế lực thù địch, phần tử xấu đã đăng tải, phát tán nhiều tin giả, tin sai sự thật liên quan đến kinh tế, tài chính, tiền tệ. Mục đích của những việc làm này nhằm gây hoang mang dư luận, gây rối loạn, mất an ninh, an toàn thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích, hoạt động bình thường của người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Trong lúc khó khăn này, xã hội rất cần lòng tin để ứng phó với nguy cơ suy thoái kinh tế. Các doanh nghiệp đang căng mình để tìm giải pháp, Chính phủ lập Tổ công tác xử lý các khó khăn trong lĩnh vực bất động sản.

Hãy xây dựng lòng tin bằng cách bình tĩnh trước những tin đồn, không chia sẻ những thông tin sai sự thật, thông tin không được kiểm chứng. Đồng thời, tin tưởng các ngân hàng, ủng hộ các tập đoàn, doanh nghiệp làm ăn chân chính, để góp phần ổn định và phát triển kinh tế. Người dân cần sự bình an, mong rằng tin đồn và căng băng rôn, đi biểu tình sai địa chỉ không trở thành thói quen, văn hoá phổ biến trong xã hội chúng ta.

 

ĐẶNG TÚ PHƯƠNG

TNO