Con người sẽ sống và làm việc trên mặt trăng trước năm 2030
Con người sẽ sống và làm việc trên mặt trăng trước năm 2030
Các phi hành gia đang trên đường tiến tới mục tiêu sinh sống và làm việc trên mặt trăng trước khi kết thúc thập niên 2020, theo tờ The Guardian dẫn lời quan chức Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Bên trong tàu Orion chở theo 3 hình nộm NASA |
Ông Howard Hu, người đứng đầu chương trình tàu du hành mặt trăng Orion của NASA, dự báo về khả năng trên, sau khi NASA vừa hoàn tất việc phóng tàu vũ trụ theo sứ mệnh không người lái Artemis 1 đến mặt trăng.
“Chúng ta sẽ đưa người đáp xuống bề mặt mặt trăng, và họ sẽ sống trên mặt trăng, thực hiện các đề án khoa học”, Đài BBC hôm 20.11 dẫn lời ông bổ sung.
Ngày 16.11, NASA đã phóng tên lửa đẩy SLS, cao 98 m, mang theo phi thuyền Orion, rời khỏi bệ phóng ở Mũi Canaveral (bang Florida, Mỹ).
Với chiều cao 98 m, SLS là tên lửa được thiết kế dựa trên những công nghệ từng được sử dụng, nâng cấp thông qua các chương trình tàu con thoi và Apollo của NASA. Trọng lượng khi nạp đủ nhiên liệu của SLS là gần 2.600 tấn, tạo ra lực đẩy cao hơn 15% so với siêu tên lửa đẩy Saturn V trước đó của Mỹ.
Bên cạnh hai bộ phận đẩy rốc két lắp dọc theo thân, SLS còn sử dụng 4 động cơ RS-25, loại được dùng cho tàu con thoi trước khi được cải tiến và nâng cấp. Trong 3 sứ mệnh Artemis đầu tiên, NASA sử dụng phiên bản SLS gọi là Block 1, và phiên bản Block 1B uy lực hơn cho những sứ mệnh kế tiếp.
Tàu Orion chở 3 hình nộm trong trang phục phi hành gia đầy đủ, cho phép ghi nhận những số liệu trong quá trình thực thi sứ mệnh Artemis 1. Đến tối 21.11 (19 giờ 44, giờ Việt Nam), con tàu đến địa điểm cách bề mặt mặt trăng khoảng 130 km.
“Đây là bước đi đầu tiên tiến tới nỗ lực thám hiểm dài hạn trong không gian, không chỉ cho Mỹ và còn cả thế giới. Tôi cho rằng đây là ngày lịch sử của NASA, và cũng là ngày dành cho tất cả những người đam mê thám hiểm vũ trụ”, ông Hu cho biết.
Phi thuyền sẽ tiếp cận mặt trăng ở khoảng cách 96 km, sau đó lùi ra xa ở khoảng cách hơn 64.000 km trước khi quay về trái đất và đáp xuống Thái Bình Dương ở vùng biển ngoài khơi San Diego (Nam California) vào ngày 11.12.
Tàu Orion sẽ di chuyển tổng cộng 2,1 triệu km trong cuộc hành trình kéo dài 25 ngày. Đây cũng là quãng đường xa nhất mà một tàu du hành dự kiến chở người từng thực hiện.
Vào thời điểm tiến nhập khí quyển trái đất, phi thuyền sẽ di chuyển với tốc độ khoảng 40.233 km/giờ, và lá chắn nhiệt dự kiến sẽ bảo vệ con tàu trước nhiệt độ lên đến 2.800 độ C.
Sứ mệnh Artemis 1 sẽ mở đường cho sứ mệnh kế tiếp là Artemis 2 và 3, với cả hai đều đưa con người đến mặt trăng và quay lại trái đất. Sứ mệnh Artemis 3, có thể không sớm hơn năm 2026, được kỳ vọng sẽ đưa con người đáp lên bề mặt mặt trăng, vệ tinh tự nhiên của trái đất, lần đầu tiên kể từ chương trình Apollo 17 vào tháng 12.1972.
Chương trình Artemis cũng được dự kiến sẽ xây dựng Lunar Gateway, trạm vũ trụ cho phép các nhà du hành sống và làm việc trên quỹ đạo mặt trăng.
HẠO NHIÊN
TNO