23/01/2025

Hàng Việt bớt xem Thái Lan là thị trường ‘khó tính’

Hàng Việt bớt xem Thái Lan là thị trường ‘khó tính’

Hàng trăm sản phẩm của hơn 70 doanh nghiệp Việt Nam đem sang Thái Lan ‘chào hàng’ để vào kênh phân phối hiện đại ở thị trường nước này.

 

 

Hàng Việt bớt xem Thái Lan là thị trường khó tính - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu thành công sang thị trường Thái Lan – Ảnh: N.BÌNH

Tuần lễ hàng Việt tại Thái Lan 2022 với chủ đề Taste of Vietnam đang diễn ra tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 16 đến 20-11, thu hút đông đảo du khách, người tiêu dùng Thái Lan đến trải nghiệm các sản phẩm đặc sản đến từ Việt Nam. 

Chiều 17-11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã cắt băng khai mạc và tham quan các gian hàng sản phẩm làng nghề Việt Nam đang chinh phục thị trường Thái Lan. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Đỗ Thắng Hải cho biết trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối tại các nước, trong đó có Thái Lan.

Sau 5 lần tổ chức Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cho biết đã xuất khẩu thành công sang thị trường Thái Lan bằng chính thương hiệu của mình thông qua hệ thống phân phối của Central Group. Trong đó, những thương hiệu được người Thái ưa chuộng như cà phê Trung Nguyên, hạt điều Hải Bình, phở ăn liền Vifon, cà phê Mr Việt, Vinamit…

Đến các gian hàng của tuần lễ và thưởng thức hầu hết các món ngon đến từ Việt Nam, bà Panchum, người tiêu dùng Thái Lan, cho biết có nhiều mặt hàng Việt Nam tưởng là tương đồng với hàng Thái Lan nhưng thực ra nếu tinh ý thì hương vị sẽ rất khác. Ví dụ như sản phẩm hạt điều Việt Nam ăn rất béo và vị ngọt vừa phải, là món ăn vặt ưa thích của gia đình bà.

Theo bà Panchum, nhờ các hoạt động kết nối hàng hóa giữa hai nước mà người tiêu dùng như bà được mua những sản phẩm Việt Nam ưa thích một cách tiện lợi nhất. “Trước đây, sản phẩm Vinamit chỉ mua được khi sang Việt Nam du lịch thì bây giờ có sẵn trong siêu thị Tops”, bà chia sẻ.

Các doanh nghiệp Việt đánh giá Thái Lan là một thị trường tiềm năng khi người tiêu dùng quốc gia này có nhu cầu lớn đối với những sản phẩm là đặc sản thế mạnh của Việt Nam như cà phê, mắc ca, bơ… Tuy nhiên, để chinh phục được thị trường này hàng Việt cũng phải cạnh tranh về giá bán do chi phí vận chuyển, thuế vì quốc gia này vẫn có chính sách bảo hộ nông sản trong nước. 

Những thách thức này càng rõ hơn sau buổi kết nối giữa 45 doanh nghiệp Việt Nam và 25 nhà mua hàng Thái Lan ngày 17-11.

Hàng Việt bớt xem Thái Lan là thị trường khó tính - Ảnh 2.

Nhiều sản phẩm đã thâm nhập thị trường Thái Lan thành công cũng được nhà bán lẻ giới thiệu đến người tiêu dùng Thái – Ảnh: N.BÌNH

Theo nhà bán lẻ Thái Lan, hạn chế của hàng Việt Nam hiện nay không đến từ chất lượng mà từ mẫu mã sản phẩm và chúng đang dần được cải thiện qua mỗi năm. Hầu hết các sản phẩm tham gia tuần lễ năm nay có những yếu tố cải tiến vượt bậc, đi theo kịp xu hướng tốt cho sức khỏe, có nguồn từ tự nhiên, canh tác hữu cơ…

Thông qua buổi kết nối, các doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam không những có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm tiến đến kết nối giao thương, mà còn có thể tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng, xu hướng thị trường để hoàn thiện sản phẩm hơn trong tương lai.

Theo bà Jariya Chirathivat, phó chủ tịch điều hành Tập đoàn Central Group, chủ tịch Central Retail tại Việt Nam, tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan là một trong những hoạt động mà tập đoàn rất chú trọng. 

Để hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận và xuất khẩu vào hệ thống phân phối của Central Group, trong thời gian qua Central Retail Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công Thương triển khai nghiên cứu thị trường, lựa chọn những doanh nghiệp có mặt hàng phù hợp với thị trường Thái Lan, tổ chức các khóa tập huấn thiết thực nhằm nâng cao năng lực, chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp và hỗ trợ phát triển sản phẩm riêng cho thị trường Thái Lan.

Hàng Việt bớt xem Thái Lan là thị trường khó tính - Ảnh 3.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham quan các sản phẩm làng nghề truyền thống của Việt Nam đạt chứng nhận OCOP – Ảnh: N.BÌNH

N.BÌNH
TTO