15/01/2025

Nỗ lực ngăn chặn chiến sự lan rộng ngoài Ukraine

Nỗ lực ngăn chặn chiến sự lan rộng ngoài Ukraine

Ba Lan được đánh giá cao về phản ứng kiềm chế sau vụ tên lửa rơi vào lãnh thổ, trong khi Nga và Ukraine chỉ trích nhau nhưng vẫn nỗ lực tránh để sự việc leo thang.

 

 

 

Hãng TASS ngày 17.11 đưa tin Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho hay ông và Tổng thống Andrzej Duda cho rằng tên lửa phóng vào nước này 2 ngày trước đó không phải có chủ đích tấn công. Do đó, Ba Lan không kích hoạt điều 4 Hiệp ước NATO về tiến trình tham vấn một khi có thành viên bị đe dọa về toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hay an ninh.

Quyết định được các nhà ngoại giao châu Âu đánh giá cao, trong bối cảnh lo ngại chiến sự lan rộng ngoài Ukraine. Đây là lần đầu tiên một thành viên NATO bị tên lửa phóng đến, sau gần 9 tháng chiến sự tại Ukraine.

Tranh cãi tiếp diễn

Phát biểu tại cuộc họp HĐBA LHQ, Đại sứ Ba Lan Krzysztof Szczerski cho hay nước này đã “hoàn toàn kiềm chế”, sau khi tên lửa phóng đến làng Przewodow khiến 2 người thiệt mạng. Ông cho hay Ba Lan đã lập tức triển khai “cuộc điều tra tích cực với nhiều giai đoạn”, theo CNN.

Nỗ lực ngăn chặn chiến sự lan rộng ngoài Ukraine - ảnh 1
Cảnh sát Ba Lan điều tra vụ tên lửa phóng đến làng Przewodow  AFP

Đại sứ Ba Lan tại NATO Tomasz Szatkowski cho rằng “trách nhiệm sau cùng là Nga”, cáo buộc bị Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya bác bỏ khi cho rằng “có bằng chứng rõ ràng về việc Ukraine và Ba Lan khiêu khích”. Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Canada Oleg Stepanov cho biết Moscow luôn kêu gọi duy trì các kênh liên lạc quân sự nhằm tránh hiểu lầm và tính toán sai lầm có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng nước này muốn “mọi dữ liệu liên quan”, còn Đại sứ Ukraine tại LHQ Sergiy Kyslytsya cho biết Kyiv sẵn sàng hợp tác với Warsaw để điều tra. Reuters dẫn lời cố vấn Jakub Kumoch của Tổng thống Ba Lan cho hay Ukraine nhiều khả năng được tiếp cận hiện trường. Ba Lan cho rằng vụ nổ dường như do tên lửa của lực lượng phòng không Ukraine lạc sang. Ukraine khẳng định đó không phải là tên lửa của mình, nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng “đó không phải là bằng chứng”. Về phía NATO, Tổng thư ký Jens Stoltenberg nói “đây không phải lỗi của Ukraine”, đồng thời cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm sau cùng vì tiếp tục chiến dịch ở Ukraine.

Đợt tấn công mới

Liên quan tình hình chiến sự Ukraine, Thủ tướng nước này Denys Shmyhal ngày 17.11 cho hay Nga tiến hành một đợt phóng tên lửa mới nhằm vào những cơ sở sản xuất gas ở Kyiv và những cơ sở hạ tầng ở Dnipro, trong đó có một nhà máy tên lửa. Theo báo The Guardian, giới chức Ukraine cho hay lực lượng của nước này đã bắn hạ những rốc két phóng đến Kyiv và Dnipro.

Tại miền đông, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho hay các binh sĩ đã đẩy lùi những đợt tấn công của phía Nga tại nhiều khu vực ở Luhansk và Donetsk. Tại miền nam, lực lượng Ukraine đã bắn hạ 2 máy bay không người lái, 3 xe bọc thép và khiến 5 binh sĩ Nga bị thương. Quan chức Vladimir Rogod do Nga dựng lên tại Zaporizhzhia cho hay một tên lửa của Ukraine phóng đến một ngôi làng khiến 2 người thiệt mạng và 9 người bị thương. Hai bên chưa bình luận về những thông tin trên của đối phương.

Trong một diễn biến khác, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley cho biết Nga kiểm soát được 20% lãnh thổ Ukraine và khó có khả năng Ukraine sớm đẩy hết lực lượng Nga ra khỏi nước này. Ông dự báo chiến sự bớt khốc liệt trong mùa đông và có thể mở ra cơ hội để đối thoại nhằm tìm giải pháp chính trị. Một diễn biến tích cực là các bên liên quan đã đồng ý gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua biển Đen thêm 120 ngày, kể từ khi hết hạn vào ngày 19.11.

 

KHÁNH AN

TNO