Những giờ phút căng thẳng trước Tuyên bố chung G20
Những giờ phút căng thẳng trước Tuyên bố chung G20
Trong cuộc họp báo sau lễ bế mạc G20, tổng thống nước chủ nhà Joko Widodo thừa nhận đoạn thứ ba trong tuyên bố chung liên quan xung đột Ukraine là vấn đề gây tranh cãi nhất trong mấy ngày qua…
Cái ôm của Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi và Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati vào thời khắc chiếc búa chủ tọa được trao cho Ấn Độ, khép lại năm chủ tịch G20 của Indonesia vào chiều 16-11 cho thấy áp lực dồn lên họ những ngày qua thật nặng nề.
Khi phóng viên Tuổi Trẻ cầm được bản dự thảo tuyên bố chung G20 vào sáng 16-11, vẫn còn những nghi ngại về việc sẽ có thay đổi vào giờ chót dù đây là dự thảo cuối cùng. Bởi trước đó, một quả tên lửa đã phát nổ ở Ba Lan – một đồng minh của nhiều nước G20 trong khối NATO – đã làm hai người thiệt mạng.
“Tất cả các nước đều đồng ý”
Sau bài phát biểu đầy chỉ trích nhắm vào Ukraine, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lên máy bay về nước vào chiều tối 15-11 và trao lại vai trò đại diện Nga tại G20 cho Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov.
Chỉ vài tiếng sau đó, một quả tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan, dẫn tới cuộc họp khẩn cấp của lãnh đạo nhóm G7 vào sáng 16-11 tại Bali.
Đó là một sự trùng hợp kịch tính: tất cả tổng thống/thủ tướng G7 đều đang có mặt tại Bali để dự G20 và cuộc họp khẩn diễn ra vào đầu ngày cuối cùng của hội nghị, ngày quyết định tuyên bố chung có được thông qua hay không.
Trong sáng 16-11, phóng viên Tuổi Trẻ nghe được khá nhiều nhận định không mấy khả quan từ nơi xét nghiệm COVID-19 cho đến trung tâm báo chí. Tới đầu giờ chiều, phóng viên một số hãng tin phương Tây bắt đầu truyền tai nhau thông tin tuyên bố chung đã được thông qua. Chỉ ít lâu sau đó, gần như tất cả phóng viên có mặt tại trung tâm báo chí đã có được bản tuyên bố chung chính thức.
Trong cuộc họp báo sau lễ bế mạc G20, tổng thống nước chủ nhà Joko Widodo thừa nhận đoạn thứ ba trong tuyên bố chung liên quan xung đột Ukraine là vấn đề gây tranh cãi nhất trong mấy ngày qua. “Cho đến nửa đêm hôm qua, chúng tôi vẫn tranh luận về đoạn đó.
Cuối cùng tất cả đều đồng thuận rằng cuộc chiến có tác động tiêu cực ít nhiều đến nền kinh tế toàn cầu, và rằng sự phục hồi kinh tế toàn cầu cũng sẽ không đạt được nếu không có hòa bình”, ông Widodo hé lộ trong cuộc họp báo có cả Ngoại trưởng Retno Marsudi và Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati.
Indonesia đã vận động (thậm chí có thông tin là gây sức ép) để các nước G20 không chỉ trích Nga nặng nề trong tuyên bố chung, vì chỉ như vậy mới có được sự thỏa hiệp với đại diện Matxcơva. Theo giới quan sát, việc ra được thông cáo hay tuyên bố chung sẽ được xem như một thành công lớn bởi thượng đỉnh G20 diễn ra trong bối cảnh có nhiều bất đồng và căng thẳng giữa các nước.
Như Tổng thống Joko Widodo đã nói, tất cả thành viên G20 đều đồng ý về tuyên bố chung, bởi nếu không thì hình thức văn kiện cuối hội nghị sẽ khác. Tất cả mọi người đều bi quan, không ai nghĩ có thể đạt được một tuyên bố G20 có tất cả các thành viên đồng ý nhưng cuối cùng chúng tôi đã làm được điều tuyệt vời đó.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nói trong cuộc họp báo ngày 16-11.
Tập trung kinh tế toàn cầu
Theo một nhà báo Mỹ thường trú tại Singapore, dường như việc Tổng thống Mỹ Joe Biden hé lộ tên lửa nổ trên đất Ba Lan không đến từ Nga đã giúp hạ nhiệt căng thẳng và mở đường cho tuyên bố chung được thông qua. Tổng thống Widodo cũng đã lưu ý đây là một diễn đàn kinh tế, do đó không nên kỳ vọng sẽ có giải pháp chính trị – an ninh nào được đưa ra tại G20.
Điều này được phản ánh khá rõ trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G20 cảnh báo tốc độ tăng lãi suất nên được thực hiện thận trọng để tránh tác động lan tỏa. Các nước G20 kêu gọi những biện pháp kích thích tài khóa tiếp theo nên “tạm thời và có trọng tâm”.
Các nước G20 cũng đưa vào tuyên bố chung cam kết thực hiện các hành động khẩn cấp để chống đói nghèo, đặc biệt ở những nước đang phát triển. Về vấn đề năng lượng, các nhà lãnh đạo nhất trí theo đuổi các nỗ lực nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5oC, đẩy nhanh nỗ lực “giảm dần” việc sử dụng than.
“Điều này sẽ đòi hỏi các hành động và cam kết có ý nghĩa, hiệu quả của tất cả các quốc gia”, tuyên bố chung nêu.