Hụt đơn xuất khẩu sang EU, doanh nghiệp tính chuyển hướng thị trường
Hụt đơn xuất khẩu sang EU, doanh nghiệp tính chuyển hướng thị trường
Đối mặt với lạm phát tăng, người tiêu dùng châu Âu ngày càng thắt chặt hầu bao. Thực tế này kéo giảm sức mua nên một số doanh nghiệp xuất khẩu tính tới phương án chuyển hướng thị trường.
Ngày 14-11, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ sang EU chia sẻ đang “chịu đựng” khi người châu Âu “thắt lưng buột bụng” trong tiêu dùng.
“Rõ ràng nếu mình ở châu Âu, đối diện với thị trường khó đủ kiểu, thì phải chọn mua những mặt hàng thiết yếu. Còn các sản phẩm đồ gỗ không thể thay thế cho những thiết yếu đó, nên sức mua sụt giảm ghê gớm. Có những đồng nghiệp nói với tôi chắc họ âm thầm đóng cửa một thời gian”, vị này cho hay.
Nhưng cho rằng thị trường mình gầy dựng, không thể hụt đơn hàng mà bỏ cuộc nên doanh nghiệp gỗ này cho hay đang sắp xếp lại hoạt động sản xuất kinh doanh để kịp thích ứng với diễn biến thị trường đảo chiều và luôn đột ngột, khó lường.
Vị này nói thêm: “Tình hình này cứ kéo dài sang năm 2023, thì tôi chuyển hướng tiếp cận thị trường sang các nước châu Á, ít lạm phát hơn ở châu Âu. Không phụ thuộc thị trường nhất nhì nữa, mà đa dạng hóa phong phú, mở rộng”.
Là nước xuất khẩu ròng, khi Mỹ tăng lãi suất để “trị” lạm phát thì không chỉ Việt Nam, các nước trên thế giới cũng đối diện với gam màu u ám.
Vì thế theo một doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Ngãi, có sản phẩm mo cau để làm ra chén, đĩa, muỗng, ly, khay xuất khẩu sang Canada, Ba Lan, cũng đang gặp khó.
Doanh nghiệp này chia sẻ: “Sản phẩm của tôi thị trường trong nước kén, nhưng lại được ưa chuộng và xuất đi Canada, Hàn Quốc, Ba Lan, Mỹ…
Tuy nhiên ai cũng biết tình hình chung, đơn hàng hụt và vô cùng hiu hắt. Nhưng tôi sẽ tìm nhà phân phối, tìm “bạn hàng” các kênh khác để sản phẩm mo cau đi qua một số nước châu Á láng giềng”.
Tương tự, một số doanh nghiệp xuất khẩu điều thừa nhận thị trường xuất khẩu mặt hàng này quá ảm đạm. Ông Lã Văn Lợi, giám đốc Công ty TNHH Quang Vinh, cho hay sức mua rất yếu, trong quá khứ đã gặp nhưng chưa bao giờ kéo dài như hiện nay.
Ông Lợi có nghĩ đến giải pháp chuyển hướng thị trường là hướng ra tốt, nhưng với mặt hàng điều đã có nhiều nước nhập lớn, đi phân phối lại, rải rác khắp nơi, có cả các nước châu Á, nên doanh nghiệp xuất khẩu khai thác thị trường mới rất khó.
“Lượng hàng tồn kho ở châu Âu, Mỹ còn, nên thành ra đơn hàng xuất rất ít. Việt Nam xuất hạt điều sang Mỹ, Trung Quốc, các nước châu Âu, hay đi vào các cảng cửa lớn ở Hà Lan.
Các doanh nghiệp “sừng sỏ” đã có giải pháp thu gọn lại, khi nào thị trường sôi nổi thị bung ra. Tùy theo mặt hàng, mà có giải pháp khác nhau”, ông Lợi nói.
Sức mua gạo xuất khẩu suy giảm rất ít
“Lương thực của thế giới hay Việt Nam đều bị ảnh hưởng khi đối diện với tình hình lạm phát, hay ảnh hưởng Zero COVID-19, chiến tranh.
Người tiêu dùng có thể bớt cà phê, thuốc lá, hạt điều… nhưng cơm gạo vẫn phải ăn. Nên suy giảm sức mua về gạo xuất khẩu của công ty nói riêng hay ngành gạo Việt Nam nói chung rất ít.
Tôi từng dự đoán năm 2022, cả nước xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo, nhưng hiện nay đến cuối năm có nhiều đơn hàng, nên con số này có thể lên 6,7 triệu tấn.
Riêng công ty tôi vừa ký các đơn cho tháng 2, tháng 3-2023, khoảng 20.000 tấn gạo”, ông Phạm Thái Bình – tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An – cho hay.