Dự thảo tuyên bố G20 ‘chỉ trích gián tiếp’ Nga vì gây chiến ở Ukraine

Dự thảo tuyên bố G20 ‘chỉ trích gián tiếp’ Nga vì gây chiến ở Ukraine

Dự thảo tuyên bố G20 mà phóng viên Tuổi Trẻ tiếp cận được sáng 16-11 đã gián tiếp chỉ trích Nga bằng việc nhắc đến nghị quyết lên án Matxcơva mà Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 2-3.

 

 

 

Dự thảo tuyên bố G20 chỉ trích gián tiếp Nga vì gây chiến ở Ukraine - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov xem đồng hồ trong phiên họp kín với các nhà lãnh đạo khác của G20 ngày 15-11 – Ảnh: G20 Media Center

Đây là dự thảo tuyên bố cuối cùng và các nhà lãnh đạo sẽ sớm thông qua trong ngày hôm nay 16-11. Tuy nhiên không loại trừ khả năng thay đổi vào giờ chót. Các nhà lãnh đạo sẽ bước vào phiên họp cuối cùng về chuyển đổi số vào chiều nay 16-11.

Dự thảo tuyên bố của các nhà lãnh đạo G20 đã nhắc đến xung đột Ukraine trong những đoạn đầu tiên và cho biết G20 đã thảo luận về vấn đề này tại các cuộc họp.

Như để giãi bày vì sao lại nhắc đến Ukraine, các nhà lãnh đạo khẳng định G20 “không phải là một diễn đàn để giải quyết các vấn đề an ninh, song các vấn đề an ninh có thể gây ra những hậu quả đáng kể tới kinh tế toàn cầu”.

Đúng với dự đoán của giới quan sát trước đó, việc chỉ trích Nga đã được thể hiện một cách gián tiếp trong dự thảo, mượn lời của các diễn đàn khác để thể hiện quan điểm.

Theo đó, trong các cuộc thảo luận tại G20, các thành viên đã nêu lại lập trường của mình về vấn đề xung đột Ukraine “đã được phản ánh tại các cơ chế khác bao gồm Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, nơi nghị quyết số ES-11/1 đã được thông qua ngày 2-3 với đa số phiếu thuận”.

Nghị quyết ES-11/1 được thông qua tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc với 141 phiếu thuận, 5 phiếu chống, 35 phiếu trắng. Nội dung nghị quyết lên án Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine và đưa lực lượng hạt nhân chiến lược vào trạng thái sẵn sàng.

“Hầu hết các thành viên lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine và nhấn mạnh rằng nó đang gây ra sự đau khổ to lớn cho con người và làm trầm trọng thêm những bất ổn hiện có trong nền kinh tế toàn cầu – kìm hãm tăng trưởng, gia tăng lạm phát, phá vỡ chuỗi cung ứng, làm gia tăng mất an ninh lương thực và năng lượng, đồng thời làm tăng rủi ro bất ổn tài chính”, đoạn tiếp theo trong dự thảo nêu rõ.

Các nhà lãnh đạo G20 kế đó kêu gọi “thượng tôn luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương để giữ vững hòa bình, ổn định”, bảo vệ các cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu và thường dân trong xung đột.

“Việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được”, các nhà lãnh đạo G20 nêu quan điểm. “Giải quyết xung đột một cách hòa bình, nỗ lực giải quyết khủng hoảng, cũng như ngoại giao và đối thoại, là rất quan trọng. Thời đại ngày nay không nên có chiến tranh”.

Trong một đoạn thể hiện G20 tiếp tục có sự chia rẽ giữa các thành viên về xung đột Ukraine, dự thảo thừa nhận “đã có những quan điểm khác và những đánh giá khác nhau về tình hình cũng như biện pháp trừng phạt”.

Hội nghị Thượng đỉnh G20 khai mạc ngày 15-11 và khép lại vào ngày 16-11, với sự hiện diện của 17 lãnh đạo nền kinh tế thành viên.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo và các quan chức khác của nước chủ nhà đã hối thúc phương Tây thể hiện sự linh hoạt, tránh lên án mạnh mẽ Nga để Matxcơva gật đầu với thông cáo chung.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của dự thảo cuối cùng tuyên bố của các nhà lãnh đạo cho thấy nỗ lực để đạt thông cáo chung đã thất bại.

DUY LINH (từ Bali, Indonesia)
TTO