23/11/2024

Ông Biden và ông Tập cùng lập ‘ranh giới an toàn’ tại Hội nghị G20

Ông Biden và ông Tập cùng lập ‘ranh giới an toàn’ tại Hội nghị G20

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi ông Biden lên nắm quyền bên lề Hội nghị G20 ở Bali, Indonesia. Cuộc gặp dự kiến diễn ra lúc 16h30 hôm nay theo giờ Việt Nam.

 

 

 

Ông Biden và ông Tập cùng lập ‘ranh giới an toàn’ tại Hội nghị G20 - Ảnh 1.

Hội nghị G20 diễn ra tại Bali, Indonesia là lần đầu tiên ông Biden và ông Tập gặp trực tiếp kể từ khi ông Biden làm tổng thống Mỹ – Ảnh: REUTERS

Trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ – Trung đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, hai nhà lãnh đạo sẽ cùng tham dự Hội nghị G20 ở Indonesia ngày 14-11 với hy vọng thiết lập rõ ràng ranh giới để tránh xung đột giữa hai cường quốc.

“Chúng ta đang cạnh tranh. Tổng thống Biden chấp nhận điều đó, nhưng ông ấy muốn đảm bảo rằng sự cạnh tranh đó có giới hạn. Chúng ta xây dựng các ranh giới, chúng ta có các quy tắc rõ ràng về đường hướng và chúng ta làm tất cả những điều đó để đảm bảo rằng cạnh tranh không trở thành xung đột”, Hãng tin AFP dẫn lời một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết.

Quan chức này cũng cho biết ông Biden có sự ủng hộ của “các đồng minh và đối tác” cho cách tiếp cận nói trên.

“Tổng thống Biden dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Tập lúc 17h30 ngày 14-11 giờ địa phương, tức khoảng 16h30 cùng ngày theo giờ Việt Nam. Tổng thống Biden dự kiến sẽ tổ chức họp báo sau cuộc gặp” – một quan chức Nhà Trắng nói với phóng viên Tuổi Trẻ đang đưa tin G20 ở Bali.

Hai nhà lãnh đạo đã có năm cuộc trao đổi qua điện thoại và video kể từ khi ông Biden nhậm chức vào đầu năm 2021. 

Cuộc hội đàm ngày 14-11 sẽ là cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên kể từ năm 2017, khi ông Biden là phó tổng thống dưới thời chính quyền Barack Obama. Lần gần nhất ông Tập gặp nhà lãnh đạo Mỹ là ông Donald Trump vào năm 2019.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết điều họ kỳ vọng trong cuộc gặp ngày 14-11 là chính thức nối lại hợp tác và liên lạc quy mô nhỏ, vốn đã đình trệ do Bắc Kinh phản ứng đối với vấn đề Đài Loan.

Ông Biden hy vọng ông và ông Tập có thể xác định các vấn đề “xuyên quốc gia” để hợp tác cấp cao, có khả năng đề cập đến giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu.

Đây là những lĩnh vực mà “thế giới mong đợi” hai quốc gia hợp tác cùng nhau và nơi “chúng tôi, với tư cách là một quốc gia có trách nhiệm, chắc chắn tin rằng chúng tôi nên làm như vậy”, quan chức giấu tên của Mỹ nói.

Tuy nhiên việc tăng cường hợp tác ở các lĩnh vực không nhất thiết sẽ dẫn đến việc tan băng trong “các vấn đề hóc búa” như Đài Loan, quan chức này nói thêm.

Quan hệ Mỹ – Trung đã xấu đi đáng kể trong 21 tháng qua và căng thẳng leo thang khi hai bên không tìm được tiếng nói chung về vấn đề Đài Loan và xung đột Nga – Ukraine.

Trong tháng 8, Trung Quốc cắt đứt quan hệ quân sự và khí hậu với Mỹ sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan bất chấp phản đối mạnh mẽ của Bắc Kinh. 

Phát biểu với các phóng viên ngày 13-11 tại Hội nghị cấp cao ở Phnom Penh, Campuchia, ông Biden cho biết ông muốn có cuộc hội đàm “thẳng thắn” với ông Tập.

“Chúng tôi có rất ít hiểu lầm,” ông nói về các cuộc trò chuyện trong quá khứ của mình với nhà lãnh đạo Trung Quốc. “Chúng tôi chỉ phải tìm ra những ranh giới an toàn”.

Đối với Trung Quốc, Đài Loan rõ ràng là một trong những lằn ranh đỏ. Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ và không loại trừ việc dùng vũ lực nếu cần. 

MINH KHÔI
TTO