Nguy cơ ‘chìm’ chợ nổi Cái Răng
Nguy cơ ‘chìm’ chợ nổi Cái Răng
Năm 2016 chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhưng chợ nổi đang vắng dần.
TP Cần Thơ đã có đề án bảo tồn và phát triển chợ nổi. Qua năm năm triển khai đề án, nhiều phần việc đã được thực hiện tuy nhiên nguy cơ khiến chợ nổi “bị chìm” vẫn hiển hiện.
Trải nghiệm đơn điệu
Anh Minh Trung sau chuyến tham quan chợ nổi Cái Răng cho biết từ bến tàu du lịch Ninh Kiều, tàu du lịch đưa anh đến ghe bán hàng rồi ghé ăn sáng ở chợ nổi là kết thúc.
“Họ không đưa khách chạy lòng vòng tham quan chợ nổi và cũng không giới thiệu về cây bẹo, con người, văn hóa chợ nổi. Nói chung sản phẩm, trải nghiệm rất đơn điệu”, anh Trung thất vọng.
Dì Bảy, người lênh đênh bán bún riêu ở chợ nổi Cái Răng đã 26 năm, cho biết ghe tàu của thương hồ giảm rất nhiều so với thời hoàng kim của chợ nổi Cái Răng. Thời đó ghe tàu của bạn hàng từ Cà Mau mỗi lần lên lấy hàng khoảng 20 chiếc, giờ còn 2 – 3 chiếc, bạn hàng Sóc Trăng, Bạc Liêu lên cũng rất ít.
Nói về chuyện buôn bán của mình hiện tại, dì Bảy cám cảnh: “Giờ chợ nổi Cái Răng làm du lịch, cách mua bán cũng thay đổi, cạnh tranh, chèo kéo khách làm mất đi vẻ đẹp vốn có. Khách thất vọng không muốn quay lại nữa”.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng chất lượng sản phẩm, dịch vụ tại chợ nổi Cái Răng chưa đảm bảo; tiểu thương cạnh tranh không lành mạnh. Sản phẩm và trải nghiệm trên chợ nổi Cái Răng còn đơn điệu hay rác thải vẫn trôi lềnh bềnh.
Ông Trần Vũ Hùng, trưởng Phòng kinh tế quận Cái Răng, nói đề án bảo tồn và phát triển chợ nổi chưa phân công nhiệm vụ rõ ràng của các sở, ngành nên khó thực hiện.
“Nghĩ là của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vì họ có chức năng bảo tồn di sản nhưng chợ có mua bán thì dính đến ngành công thương”, ông Hùng nói và lấy làm tiếc khi đề án chưa nhắc đến Sở Công Thương. TP đã yêu cầu rà soát lại, có thể xây dựng mới hoặc điều chỉnh đề án cho phù hợp.
Phải giữ chân thương hồ
Ông Nguyễn Quốc Cường, chủ tịch UBND quận Cái Răng, nhận định để chợ nổi Cái Răng tồn tại cần duy trì ổn định hoạt động mua bán trên sông, phát triển thành chợ đầu mối, duy trì điểm trung chuyển hàng nông sản của vùng.
Phải giúp thương hồ bán được hàng, thu mua gom được hàng, thực hiện chính sách đặc thù thông qua hỗ trợ chi phí vận chuyển, chi phí bảo dưỡng tàu ghe cho thương hồ.
UBND quận đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng cầu tàu chợ nổi để thương hồ lên xuống hàng hóa, còn trạm dừng chân chợ nổi và nhà hàng nổi ven sông đang được kêu gọi đầu tư.
Ông Cường cho biết đã kiến nghị UBND TP giao cho các sở, ngành liên quan đặc biệt là Sở VH-TT&DL đứng ra “chủ xị” phối hợp Sở Công Thương xây dựng và tổ chức thực hiện đề án bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng trong thời gian tới.
Bà Đào Thị Thanh Thúy, phó giám đốc Sở VH-TT&DL TP Cần Thơ, cho biết đang yêu cầu phòng chuyên môn của sở rà soát lại xem cái làm được chưa được, hướng đề xuất, rồi sẽ mời quận Cái Răng cùng ngồi lại, sau đó mới báo cáo UBND TP.
“Chợ nổi Cái Răng do quận quản lý, sở chỉ phối hợp chuyên môn nên giải pháp tới là hai bên cùng thực hiện, chứ không khéo một bên làm một bên không sẽ không phát triển mà làm “chìm” luôn chợ nổi”, bà Thúy cảnh báo.
Cần quản lý bài bản
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng, phải giữ chân thương hồ nên phải giữ hiện trạng tự nhiên của chợ nổi, đồng thời mở rộng theo định hướng phát triển du lịch.
Nên sớm điều chỉnh đề án, bỏ các công trình không phù hợp và có các giải pháp cụ thể về thu mua số lượng lớn nông sản, điểm dừng chân để các tiểu thương trao đổi hàng hóa.
Ở góc độ đơn vị lữ hành, bà Lương Thị Quỳnh, phó giám đốc Viettravel Cần Thơ, cho rằng cần phát hành vé để kiểm soát lượt khách tham quan và tàu du lịch đưa đón khách đến chợ nổi Cái Răng.
Cạnh đó là tăng cường trạm thông tin du lịch ở khu vực bến Ninh Kiều, chỗ liên hệ khi cần phản ánh, hỗ trợ.