22/12/2024

Morgan Stanley: Mỹ có thể thoát suy thoái ‘trong gang tấc’ nhưng châu Âu thì không

Morgan Stanley: Mỹ có thể thoát suy thoái ‘trong gang tấc’ nhưng châu Âu thì không

Ngân hàng Đầu tư tài chính Morgan Stanley cho biết trong bối cảnh “u ám” của kinh tế toàn cầu, Anh và châu Âu sẽ rơi vào suy thoái vào năm 2023. Tuy nhiên, Mỹ có thể “thoát suy thoái trong gang tấc” nhờ thị trường việc làm.

 

Morgan Stanley: Mỹ có thể thoát suy thoái trong gang tấc nhưng châu Âu thì không - Ảnh 1.

Cơ quan Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) – Ảnh: INVESTOPEDIA

Theo Hãng tin Reuters, các nhà phân tích của Morgan Stanley cũng dự kiến việc Trung Quốc ​​mở cửa trở lại sau gần 3 năm hạn chế do COVID-19, sẽ dẫn đến sự phục hồi kinh tế của chính nước này và các thị trường châu Á mới nổi khác.

Nền kinh tế Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng trưởng 5% vào năm 2023, cao hơn mức tăng trưởng trung bình 3,7%. Trong khi mức tăng trưởng trung bình của nhóm 10 nước phát triển được dự báo chỉ ở mức 0,3%.

Morgan Stanley cũng dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,2% trong năm 2023, thấp hơn mức ước tính tăng trưởng 2,7% mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Năm 2023, Morgan Stanley cho rằng có sự chia rẽ rõ rệt giữa các nền kinh tế phát triển “đang trong hoặc gần suy thoái”, trong khi các nền kinh tế mới nổi “phục hồi khiêm tốn”.

Tuy nhiên, Morgan Stanley cho biết sự phục hồi tổng thể toàn cầu có thể vẫn khó nắm bắt.

Trong khi đó, IMF cho rằng triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên “u ám hơn” và rủi ro rất nhiều. Thậm chí còn ảm đạm hơn so với dự kiến ​​​​vào tháng 10-2022, khi IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2023 xuống còn 2,7% so với dự báo trước đó là 2,9%.

Cũng theo Reuters, chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20 ở Indonesia, IMF cho biết các chỉ số quản lý kinh tế gần đây “xác nhận triển vọng ảm đạm hơn”, đặc biệt là ở châu Âu.

Các chỉ số quản lý kinh tế gần đây đánh giá: Hoạt động sản xuất và dịch vụ cho thấy sự yếu kém ở hầu hết các nền kinh tế lớn của nhóm G20, với hoạt động kinh tế đang thu hẹp dần, trong khi lạm phát vẫn ở mức cao.

Theo IMF, những thách thức hiện nay mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt rất lớn. Mặt khác, các chỉ số kinh tế đang suy yếu tiếp tục cho thấy những thách thức tiếp theo còn ở phía trước.

Một cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ hơn ở châu Âu sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến tăng trưởng và làm tăng lạm phát.

Trong khi đó, lạm phát cao kéo dài có thể thúc đẩy các đợt tăng lãi suất lớn hơn dự đoán và thắt chặt hơn nữa các điều kiện tài chính toàn cầu.

GIA MINH
TTO