Lãnh đạo châu Âu muốn ‘tái cân bằng’ quan hệ với Trung Quốc
Lãnh đạo châu Âu muốn ‘tái cân bằng’ quan hệ với Trung Quốc
Ngày 15-11, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố châu Âu sẽ hợp tác với Trung Quốc, song nhấn mạnh cần “tái cân bằng” mối quan hệ để tránh trở nên quá phụ thuộc vào nước này trong các lĩnh vực như công nghệ mới.
Theo Hãng tin Reuters, ông Michel đánh giá cuộc gặp vào ngày 14-11 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình là rất quan trọng và tích cực, mang lại hy vọng các bên vẫn có thể “cạnh tranh nhưng không phải xung đột có hệ thống”.
Phát biểu trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20), chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) cũng cho rằng châu Âu sẽ hợp tác với Trung Quốc bất chấp những khác biệt giữa hai bên. Ông cho rằng “điều quan trọng là phải lắng nghe nhau, để có sự thông hiểu tốt hơn” giữa các bên.
Tuy nhiên, ông Michel cũng lưu ý châu Âu phải tránh mắc phải “những sai lầm cũ” khi phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
“Với Trung Quốc, chúng tôi không muốn quá phụ thuộc vào công nghệ tiên tiến mà chúng tôi đang và sẽ cần nhiều hơn nữa trong tương lai. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải cân bằng lại mối quan hệ. Để làm được như vậy, hợp tác với chính quyền Trung Quốc là mấu chốt”, ông nói.
Hội nghị thượng đỉnh G20 khai mạc vào ngày 15-11 tại đảo Bali, sau lời kêu gọi của nước chủ nhà Indonesia về việc khối cần tập trung vào phục hồi kinh tế toàn cầu bất chấp những rạn nứt sâu sắc về địa chính trị toàn cầu do xung đột Nga – Ukraine gây ra.
Giới quan sát đánh giá một trong những thách thức có thể ngăn cản G20 đưa ra thỏa thuận chung chính là vấn đề Nga – Ukraine. Ông Michel đã kêu gọi châu Âu cố gắng thuyết phục các thành viên G20 gây thêm áp lực lên Nga, với lý do quốc gia này đã gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực toàn cầu thông qua “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Đối thoại với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng ngày, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng kêu gọi đàm phán hòa bình và thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine.
Về quan hệ với châu Âu, ông Tập cho rằng Trung Quốc và châu lục này cần cùng nhau duy trì sự ổn định và trơn tru của chuỗi cung ứng, đồng thời mở rộng đầu tư và thương mại hai chiều.