Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đe doạ các nước nghèo
Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đe doạ các nước nghèo
Các nước châu Á đang đối mặt với sự cạnh tranh bất lợi khi châu Âu thu gom nguồn nhiên liệu để bù đắp cho nguồn năng lượng thiếu hụt từ Nga.
Dù phải tốn rất nhiều tiền nhưng châu Âu dường như đã mua đủ dầu và khí đốt để vượt qua mùa đông sắp tới. Trong khi đó các nước nghèo hơn đang không có đủ năng lượng cho sản xuất, thiếu điện thường xuyên và nguy cơ bất ổn xã hội có thể kéo dài trong nhiều năm.
Nghèo năng lượng
“Những lo ngại về an ninh năng lượng ở châu Âu đang dẫn đến tình trạng nghèo năng lượng ở thế giới mới nổi. Châu Âu đang lấy khí đốt khỏi các quốc gia khác bằng bất cứ giá nào”, Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Saul Kavonic, nhà phân tích năng lượng tại Ngân hàng Credit Suisse, nhận định.
Sau một mùa hè mất điện kéo dài và bất ổn chính trị, thời tiết mát mẻ hơn và mưa lớn đã làm xoa dịu phần nào cuộc khủng hoảng năng lượng ở Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh và Philippines.
Tuy nhiên đây chỉ là sự nhẹ nhõm tạm thời và các nước sẽ phải đối mặt với khó khăn khi tìm nguồn cung năng lượng dài hạn.
Vấn đề gai góc hơn khi đồng USD tăng giá buộc những nước này phải lựa chọn giữa mua nhiên liệu và trả nợ. Việc này khiến các nhà cung cấp nhiên liệu toàn cầu càng e ngại bán hàng cho những nước khó khăn tài chính.
Trong khi đó để phản ứng với sự thiếu hụt năng lượng từ Nga, châu Âu đã xoay sang thị trường giao ngay.
Một số nhà cung cấp đã hủy các kế hoạch bán năng lượng dài hạn cho châu Á để kiếm “tiền tươi” từ nơi khác. Khoản lợi chênh lệch do giá cao hơn trên thị trường giao ngay đủ để họ bồi thường cho việc ngưng ngang kế hoạch chuyển dầu trước đó.
Cùng lúc, châu Âu cũng đang đẩy nhanh việc xây dựng các trạm nhiên liệu nổi để gom thêm năng lượng trong tương lai, và điều này thu hút sự chú ý của các nhà xuất khẩu ở Qatar hay Mỹ.
Nó cũng buộc các nước như Pakistan, Bangladesh hay Thái Lan phải tham gia cuộc cạnh tranh giá khí đốt với Đức và những nước có nền kinh tế lớn gấp nhiều lần.
“Chúng tôi đã nghĩ cuộc khủng hoảng sẽ chấm dứt vào cuối năm nhưng nó đã không kết thúc”, thư ký thường trực Bộ Năng lượng Thái lan Kulit Sombatsiri nói, cho biết nếu giá khí đốt hóa lỏng (LNG) tiếp tục tăng, chính phủ nước này có thể cân nhắc đóng các cửa hàng tiện lợi hay doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng.
“Theo xu hướng bán hàng hiện nay, chúng ta sẽ gặp những thách thức về nguồn sản phẩm (xăng, dầu, diesel) trong những ngày tới do lượng nhập khẩu không đủ và nguồn hàng trong nước hạn chế”, Hội đồng Cố vấn các công ty dầu mỏ Pakistan (OCAC), một cơ quan đại diện của lĩnh vực dầu mỏ nước này, cảnh báo hồi tuần trước, theo Tân Hoa xã.
Kéo dài
Giới phân tích cho rằng thị trường năng lượng toàn cầu sẽ còn căng thẳng trong thời gian tới.
Với giá trên thị trường giao ngay tiếp tục cao và thiếu nguồn cung ổn định, các nước đang phát triển sẽ buộc phải tìm đến nguồn nhiên liệu bẩn hơn, các đối tác khác hoặc giải pháp khác.
Đến nay, một số nước như Ấn Độ, Pakistan đã tìm đến nguồn nhiên liệu của Nga. Đối với khí đốt, tình trạng thiếu hụt ở các nước châu Á có thể kéo dài trong bốn năm tới.
“Bên thất bại sẽ là những nước vừa phụ thuộc vào nguồn LNG nhập khẩu vừa thiếu nguồn lực tài chính để mua năng lượng giá cao hơn và định giá bằng USD”, nhà phân tích năng lượng Sam Reynolds nhận định.
Sự thiếu hụt năng lượng không chỉ buộc các nước quay lại với nguồn năng lượng gây ô nhiễm như than, mà còn có thể ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp của các nước ở châu Á.
Một số nước đã phải xoay xở cách khác, chẳng hạn Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. mới đây tuyên bố nước này khai thác tối đa nguồn dầu khí trong nước, giảm thuế cho lĩnh vực năng lượng để thu hút các nhà đầu tư.
Hãng tin Bloomberg đưa tin Bộ Năng lượng Philippines đã cho phép Công ty Nido Petroleum Philippines tiến hành khảo sát các vị trí khoan dầu, mở đường cho việc khoan hai giếng dầu vào nửa đầu năm 2023.
Theo ông Marcos, việc khai thác mỏ dầu Cadlao, nằm ở ngoài khơi bờ biển phía tây nước này, có thể bắt đầu ngay từ nửa sau năm 2023 với khoảng 5 – 6 triệu thùng.
Chính quyền của ông Marcos thời gian qua cũng tập trung vào các biện pháp đảm bảo an ninh năng lượng, giảm giá điện và đàm phán mua nhiên liệu từ Nga, cũng như tìm giải pháp với Trung Quốc trong việc thăm dò dầu ở Biển Đông đang tranh chấp.