Sâm Lai Châu thiếu thứ quan trọng để quảng bá, phát triển?
Sâm Lai Châu thiếu thứ quan trọng để quảng bá, phát triển?
Trước thông tin sâm Lai Châu chứa hơn 50 thành phần Saponin, phó chủ tịch Hiệp hội Sâm Lai Châu cho biết đến nay chưa có đề tài khoa học chính thức nào được công bố, kể cả công dụng, liều dùng để quảng bá, phát triển ngành sâm Lai Châu.
Sáng 12-11, tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển sâm Lai Châu với chủ đề “Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa”.
Ông Nguyễn Trọng Lịch, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triên nông thôn tỉnh Lai Châu, cho biết tỉnh đã xác định được trên 30.000ha phù hợp cho phát triển sâm Lai Châu, trong đó có 17.000ha rất thích hợp để phát triển.
“Hiện tại, cây sâm Lai Châu đang được áp dụng các chính sách hỗ trợ của trung ương và tỉnh như chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu.
Cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư nông nghiệp, nông thôn và hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hỗ trợ một lần 50% chi phí mua giống và 50% giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…” – ông Lịch nói.
Ông Đoàn Hoài Nam, vụ trưởng Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ (Tổng cục Lâm nghiệp), đề nghị tỉnh Lai Châu cần phát triển vùng nguyên liệu tập trung với diện tích 2.000 – 3.000ha. Đồng thời lập hồ sơ quản lý, cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ đối với toàn bộ diện tích sâm của các tổ chức, cá nhân.
“Gây trồng, phát triển cây sâm nói chung và sâm Lai Châu nói riêng cần nguồn vốn đầu tư rất lớn. Hiện tại theo tính toán, trồng 1ha sâm Ngọc Linh tại tỉnh Kon Tum và Quảng Nam mức đầu tư khoảng 3 tỉ đồng/8 năm (chưa kể hạ tầng giao thông), trong đó tiền mua giống cây chiếm tỉ trọng lớn nhất. Do đó tỉnh cần thu hút nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, lồng ghép nhiều chương trình hỗ trợ của Nhà nước, bao gồm cả xây dựng hạ tầng” – ông Nam nói.
Ông Ngô Tân Hưng, phó chủ tịch Hiệp hội Sâm Lai Châu, đề nghị tăng cường công tác ngăn chặn nguồn sâm lậu, sâm giả kém chất lượng tuồn vào địa bàn để chuyển đi tỉnh khác tiêu thụ làm ảnh hưởng uy tín, giá trị sâm Việt Nam nói chung và sâm Lai Châu nói riêng.
“Thông tin sâm Lai Châu chiếm năm mươi mấy thành phần Saponin nhưng hiện nay chưa có tài liệu, đề tài khoa học chính thức nào được công bố, kể cả công dụng, liều dùng như thế nào cũng chưa có” – ông Hưng nói và đề nghị Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, các ngành liên quan cần có đề tài nghiên cứu khoa học và thực tiễn để đưa ra đầy đủ các thành phần, hàm lượng Saponin theo năm tuổi cũng như công dụng, liều dùng trên con người nhằm quảng bá, phát triển ngành chế biến sản phẩm sâm Lai Châu đa dạng theo hướng hàng hóa, phục vụ sức khỏe con người.
Từng điều hành công ty phát triển sản phẩm hồng sâm ở Hàn Quốc và hiện tại là đơn vị nhập khẩu, phân phối các sản phẩm hồng sâm, ông Kim Suk Bum, giám đốc Công ty Bridia (ở TP.HCM), cho rằng để bán được sản phẩm chế biến từ nguyên liệu sâm Lai Châu – Việt Nam, thì điều quan trọng nhất là phải tạo được sự tin tưởng và tín nhiệm của khách hàng bằng cách nghiên cứu ra những sản phẩm tốt, an toàn và có thể được nhiều người biết đến và tin dùng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải cam kết tỉnh luôn sẵn sàng đồng hành với các nhà đầu tư giải quyết khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận các chính sách của tỉnh về đầu tư hỗ trợ phát triển dược liệu nói chung, cây sâm Lai Châu nói riêng.
“Thực hiện nhất quán chính sách ưu đãi, giảm tối đa thủ tục hành chính về đầu tư, thành lập doanh nghiệp. Cung cấp đủ lao động có chất lượng phù hợp với các hoạt động đầu tư, đảm bảo an ninh trật tự khi doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các dự án vào địa bàn” – ông Hải nói.