Người trồng lúa thắng lớn
Người trồng lúa thắng lớn
Nhiều ngày qua, giá lúa vụ thu đông năm 2022-2023 tại ĐBSCL đã tăng từ 300 – 1.200 đồng/kg so với vụ trước, nông dân phấn khởi vì “trúng mùa – được giá”. Tuy nhiên, doanh nghiệp cho rằng giá gạo xuất khẩu chưa theo kịp giá lúa trong nước.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại cánh đồng huyện Thoại Sơn (An Giang) những ngày gần đây cho thấy nhiều nông dân rất phấn khởi vì trúng mùa, trúng giá với năng suất đạt từ 7 – 8,5 tấn/ha, giá lúa trung bình cao hơn so với vụ hè thu từ 1.000 – 1.200 đồng/kg tùy giống lúa.
Nhiều nông dân cho biết đã lâu lắm rồi mới được cảm nhận việc trúng mùa, trúng giá như vậy.
Lúa “trúng mùa – được giá”
Vừa xem đám nếp của người bạn thu hoạch mới về, ông Nguyễn Văn Dũng (xã Phú An, huyện Phú Tân, An Giang) cho biết lúa nếp được thương lái thu mua với giá 8.000 đồng/kg tươi, mức giá cao nhất từ trước đến giờ.
“Tôi nhớ giá nếp có lần chỉ cao tối đa khoảng 7.200 đồng/kg thôi. Với giá nếp như hiện nay, nông dân “hốt bạc” ít nhất từ 30 – 35 triệu đồng/ha” – ông Dũng khẳng định.
Gia đình ông Dũng canh tác khoảng 14ha nếp trên địa bàn huyện Phú Tân, đang bước vào giai đoạn đầu thu hoạch với năng suất dao động từ 7 – 7,5 tấn/ha. Chi phí trồng nếp Long An chỉ dao động từ khoảng 35 triệu đồng/ha.
“Bà con nông dân bây giờ canh từng ngày để thu hoạch nếp bán cho thương lái. Với giá này, ai ai cũng khoái nhưng cũng lo lắng là đến khi thu hoạch chưa biết nếp có bị rớt giá hay không” – ông Dũng nói thêm.
Còn bà Lê Thị Kim Chi (xã Vĩnh Nhuận, huyện Châu Thành) cho hay gia đình bà đang thu hoạch 2ha lúa tại xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn. Với giá lúa đầu vụ khá cao nên gia đình bà tranh thủ cắt sớm khi trời nắng để bán cho thương lái trong ngày. Lần đầu tiên, khi vào vụ không còn thấp thỏm lo âu việc giá lúa giảm, thương lái bỏ cọc, ép giá.
“Vợ chồng tôi tranh thủ bán được đầu vụ xong mới nhẹ nhõm. Vụ này năng suất ổn, nhưng so với cùng kỳ những năm trước thì thấp hơn một chút. Ngược lại, giá cả khá tốt, cả tuần nay nằm ở mức trên 6.000 đồng/kg, nông dân vẫn có lời, dù chi phí vật tư cao”, bà Chi phấn khởi nói.
Ông Tạ Văn Bông – giám đốc Hợp tác xã Tân Bình, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) – thông tin trong vùng đang thu hoạch rộ, giá tăng lên cao và có xu hướng tăng tiếp trong vài ngày tới. Nông dân vui mừng, phấn khởi vì lúa “trúng mùa – được giá”, lúa thu hoạch có thương lái thu mua liền.
“Vụ hè thu rồi giá lúa chỉ ở mức dưới 6.000 đồng/kg nhưng vụ này lúa OM18 6.800 đồng/kg, nếp Long An giá 8.000 đồng/kg, Đài thơm 8 giá 6.800 đồng/kg nhưng không còn lúa để bán. Thời tiết cũng đang rất thuận lợi, chúng tôi tranh thủ thu hoạch và bán hết ngay trong ngày. Nếu trước đây mất ba ngày thì bây giờ chỉ hai ngày là xong một cánh đồng”, ông Bông nói.
Theo ông Đặng Thanh Phong, phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh An Giang, tổng diện tích lúa thu đông năm nay trên địa bàn tỉnh là 152.900ha.
“Giá lúa OM18 dao động từ 6.500 – 6.700 đồng/kg, Đài thơm 8 giá 6.400 – 6.600 đồng/kg, OM 5451 có giá 6.400 – 6.450 đồng/kg, IR50404 giá 6.200 – 6.350 đồng/kg… Nhìn chung giá lúa cao, thời tiết thuận lợi, nông dân thu hoạch nhanh chóng”, ông Phong nói.
Cơ hội lớn cho xuất khẩu gạo
Ông Phạm Thái Bình – tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) – cho biết 10 tháng qua Việt Nam đã xuất khẩu trên 6 triệu tấn gạo, thu về trên 3 tỉ USD. Dự kiến năm 2022 Việt Nam sẽ xuất khẩu trên 6,5 triệu tấn gạo, thu về trên 3,4 tỉ USD. Đây có thể là kim ngạch xuất khẩu gạo cao nhất từ trước đến nay.
Đặc biệt, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo đã đưa nhiều khách hàng mua gạo trên các nước đổ sang Việt Nam nên đã nâng giá trị hạt gạo của Việt Nam lên. Riêng về Công ty Trung An xuất khẩu vào phân khúc gạo chất lượng cao ở các thị trường khó tính. Công ty xuất khẩu theo hướng bền vững, tức là xuất khẩu theo chuỗi liên kết từ khi sản xuất đến bảo quản, chế biến.
“Do khủng hoảng lương thực, chiến tranh Nga – Ukraine và biến đổi khí hậu nên gạo của Việt Nam đang đứng trước thời cơ rất lớn để cung cấp cho các nước trên thế giới. Công ty Trung An cũng vừa trúng thầu 20.000 tấn gạo xuất khẩu sang Hàn Quốc. Có thể chúng tôi sẽ giao hàng cho họ vào tháng 2-2023. Từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp sẽ thuận lợi để hoàn thành kế hoạch năm 2022”, ông Bình nói.
Theo đại diện Tập đoàn Lộc Trời, bên cạnh việc giao hàng các hợp đồng đã ký trước đó, đơn vị này cũng ký được nhiều đơn hàng xuất khẩu với giá tốt hơn so với trước khi Ấn Độ áp thuế. Trong 10 tháng đầu 2022, đơn vị đã xuất khẩu 105.000 tấn, trị giá khoảng 58 triệu USD.
“Lúa gạo Việt Nam thực sự có tăng giá ở tất cả các thị trường sau khi Ấn Độ áp thuế 20%, nhưng mỗi thị trường sẽ có sự tăng khác nhau. Vẫn có khách hàng mua đều và dễ bán nếu giá tăng ở mức phù hợp”, vị này nói.
Theo bà Võ Phương Thủy, phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, lượng gạo đã xuất khẩu của địa phương ước đạt gần 290.000 tấn, đạt kim ngạch trên 154 triệu USD, tăng 73% về lượng và 77,4% về giá trị so với cùng kỳ. Xuất khẩu gạo cả nước nói chung và Đồng Tháp nói riêng chuyển biến rất tốt, khi nhu cầu nhập khẩu gạo của những thị trường truyền thống như: Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Bờ Biển Ngà tăng cao.
“Việc Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế xuất khẩu 20% lên nhiều loại gạo khác từ tháng 9 vừa qua khiến nguồn cung trở nên eo hẹp hơn trên thị trường lương thực toàn cầu. Đây là cơ hội cho ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng cuối năm.
Với Đồng Tháp, dự kiến cả năm lượng gạo xuất khẩu ước đạt trên 327.000 tấn, kim ngạch ước đạt trên 224 triệu USD, tăng 15,7% về lượng và 34% về giá trị so với thực hiện năm 2021″, bà Thủy thông tin.
Động lực cho người trồng lúa
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh An Giang, ước tổng kim ngạch xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm 2022 đạt trên 477.000 tấn, tương đương trên 259 triệu USD, tăng 12,31% về sản lượng và tăng 12,50% về kim ngạch so với cùng kỳ.
“Việc giá lúa tăng cao có thể do lượng lúa thu đông không còn nhiều, nhưng đây là động lực thúc đẩy bà con nông dân phấn khởi chuẩn bị cho việc xuống giống vụ đông xuân 2022 – 2023”, một lãnh đạo cơ quan này nói.
Ông Trần Thanh Tâm – chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp – cho hay diện tích lúa trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch là 91.220ha, năng suất bình quân 5,9 tấn/ha, sản lượng đạt 542.271 tấn.
“Giá lúa tăng hơn 300 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2021. Đối với lúa thường, chất lượng cao, giá bán tăng từ 600 – 1.000 đồng/kg. Riêng nhóm nếp giá bán tăng 2.800 đồng/kg, lợi nhuận tăng 15,2 triệu đồng/ha”, ông Tâm nói thêm.
Tại Sóc Trăng, theo ông Nguyễn Thành Phước – chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh, diện tích lúa gieo sạ của địa phương khoảng 167.000ha, dự kiến khoảng 10 ngày nữa sẽ bước vào vụ thu hoạch tại một số khu vực.
“Giá lúa các loại tăng nhẹ, khoảng 200 – 300 đồng/kg. Đây là tín hiệu vui. Tuy nhiên, thời điểm giáp hạt này lúa trên đồng tại Sóc Trăng chưa thu hoạch, chủ yếu còn trong doanh nghiệp”, ông Phước nói.
Không dám ký hợp đồng mới?
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo của Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang cho biết nông dân làm lúa vụ 3 lần này đang “thắng lớn” khi lúa đang có giá cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo lại khó khăn. Năm 2022, đơn vị sẽ xuất khẩu trên 200.000 tấn gạo, đạt doanh thu, vượt kế hoạch đề ra. Doanh nghiệp đỡ lỗ một phần là nhờ giá USD tăng.
Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh không cao, vì giá lúa trong nước đang tăng cao hơn giá xuất khẩu. “Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải cố gắng giao gạo theo hợp đồng đã ký từ trước, không thể tăng theo giá lúa được. Vì vậy, các doanh nghiệp rất ít có hợp đồng mới và không dám ký hợp đồng đợt này, vì giá lúa trong nước cao quá. Năm nay, xuất khẩu lúa gạo cả nước chắc chắn sẽ đạt trên 6 triệu tấn”, vị này nói.