Cục diện chiến sự tại Ukraine sau khi Nga rút quân khỏi Kherson
Cục diện chiến sự tại Ukraine sau khi Nga rút quân khỏi Kherson
Quyết định rút quân của Nga khỏi thành phố Kherson mang lại lợi thế tinh thần lớn cho Ukraine. Tuy nhiên, việc Ukraine tiến thêm về mạn phía đông sông Dnieper là một hành trình khó khăn và tốn kém.
Hôm 9-11, truyền hình Nga đăng nội dung cuộc họp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và chỉ huy các lực lượng Nga ở Ukraine, tướng Sergei Surovikin.
Ông Surovikin đề nghị rút quân khỏi thành phố Kherson (nằm phía bờ tây), chuyển quân về phía bờ đông sông Dnieper và thiết lập phòng thủ.
Truyền thông phương Tây mô tả đây là sự kiện mang tính chất quan trọng. Hãng tin Reuters nhấn mạnh màn rút quân này có thể là bước ngoặt của cuộc chiến, trong khi Đài CNN dùng cụm từ “thất bại nhục nhã” để diễn tả tình trạng của Nga ở Kherson.
Nga giữ được gì ở Kherson?
Kherson là một trong bốn vùng Nga đã tuyên bố sáp nhập trong tháng 9-2022 bao gồm: Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia. Đây là các vùng bao trọn phía đông và nam Ukraine tiếp giáp với Nga, chưa kể bán đảo Crimea đã sáp nhập vào Nga năm 2014.
Kherson bị con sông Dnieper (hay Dnipro) chia cắt thành hai bờ đông – tây. Về bản chất, vừa qua Nga đã ra lệnh rút quân khỏi thành phố Kherson (thủ phủ của tỉnh Kherson), tọa lạc ở phía tây sông Dnieper.
Như vậy tới nay Nga vẫn kiểm soát 60% lãnh thổ toàn vùng Kherson, nhưng đã rút quân khỏi thành phố Kherson.
Địa thế của thành phố Kherson nằm bên kia bờ sông khiến Nga khó thực hiện tiếp tế, và lần rút quân này được lãnh đạo Nga giải thích rằng sẽ giúp cứu lấy sinh mệnh binh sĩ, giữ lại năng lực chiến đấu cho các đơn vị.
Trong bài viết ngày 11-11, CNN cho rằng Nga đã gặp thất bại nhục nhã, nhưng lưu ý rằng Matxcơva vẫn kiểm soát khu vực nam và đông sông Dnieper, bao gồm các vùng dọc biển Azov. Điều này sẽ khiến lực lượng Ukraine chật vật nếu muốn đánh úp các kênh đưa nước tới Crimea.
Việc chuyển quân và thiết lập phòng thủ bên bờ đông Dnieper giúp Nga dễ dàng hơn trong khâu bổ sung lực lượng và phòng thủ. Bất kỳ nỗ lực vượt sông nào của Ukraine cũng sẽ “tốn kém tới mức đặc biệt nghiêm trọng”, theo CNN.
Ý nghĩa với Ukraine
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ca ngợi việc lấy lại thành phố Kherson là “một ngày lịch sử” của Ukraine, khi quân đội đã “trở lại miền nam, trở lại Kherson”.
Đối với ông Zelensky và những người ủng hộ Ukraine, chiến thắng tại thành phố Kherson chưa hẳn ngay lập tức xoay chuyển cục diện chiến trận.
Tuy nhiên lá cờ Ukraine cắm ở thành phố này mang ý nghĩa tinh thần và là lời giải cho bài toán mà ông Zelensky chưa có đáp án: tiếp tục kêu gọi các nước viện trợ cho Ukraine.
Cuộc chiến Ukraine đã kéo dài sang tháng thứ 9 với rất ít tín hiệu cho thấy nó sẽ kết thúc, và sẽ kết thúc như thế nào.
Điều này ít nhiều khiến các quốc gia ủng hộ Ukraine cũng cảm thấy mệt mỏi. Trong bối cảnh tình hình kinh tế suy kiệt vì COVID-19, lạm phát và giá năng lượng leo thang, Mỹ và nhiều nước châu Âu cũng phải vật lộn với vấn đề của chính họ.
Các khoản chi tiêu ủng hộ Ukraine trở thành gánh nặng không nhỏ, hoặc ít nhất tạo áp lực lớn lên các đảng cầm quyền vì chi phí này biến thành con bài chính trị của các đảng đối lập.
Điều này giải thích vì sao trong khoảng một tuần qua đã xuất hiện liên tục thông tin giới chức Mỹ thúc giục Ukraine “tỏ ra cởi mở” về khả năng nối lại đàm phán với Nga.
Một cách ngắn gọn, Mỹ không thúc ép Ukraine đàm phán ngay lúc này, nhưng ít nhất hãy “tỏ ra” như vậy. Điều này sẽ giúp cộng đồng quốc tế còn nhìn thấy cửa chấm dứt chiến tranh, và mơ hồ đoán được họ sẽ phải chi viện cho Ukraine đến bao giờ.
Việc bắn tín hiệu về khả năng thắng trận hoặc kết thúc bằng ngoại giao nêu trên cũng được thể hiện qua phát biểu của ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Đứng cạnh tân Thủ tướng Ý Giorgia Meloni ngày 10-11, ông Stoltenberg chỉ mô tả đây là “một thắng lợi khác” của Ukraine.
Tuy nhiên ông đề cập tới ý nghĩa thông điệp phía sau chiến thắng ấy: “Chúng ta đã thấy được cách lực lượng vũ trang Ukraine có khả năng đẩy lùi lực lượng Nga và giải phóng lãnh thổ”.
Để nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ của các bên là “có hiệu quả”, tổng thư ký NATO nói tiếp: “Đồng thời, sự ủng hộ chưa từng thấy mà các đồng minh NATO, bao gồm Ý, dành cho Ukraine đang tạo ra khác biệt trên chiến trường mỗi ngày, và vẫn đóng vai trò sống còn đối với tiến trình Ukraine”.
Không đâu xa, chính nước Ý trước thời nữ Thủ tướng Meloni cũng từng cho thấy tín hiệu tiêu cực về ý định tiếp tục ủng hộ Ukraine.
Họ đại diện cho luồng quan điểm mà giới chức Mỹ đã lo ngại gần đây, khi thể hiện sự mệt mỏi với chiến tranh và việc tiếp tục viện trợ trong khi không biết kết quả tới đâu.
Nhà báo và tác giả nổi tiếng của Ý Michele Santoro hồi tuần trước nói trên truyền hình: “Những người yếu đuối và nghèo nhất ở nước Ý này đang phải trả tiền cho cuộc chiến ấy (Ukraine), cho những người không có khả năng tự bảo vệ chính mình. Vấn đề hiện nay không còn là liệu có tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine hay không. Giờ ưu tiên số một của châu Âu là phải chấm dứt cuộc chiến này”.
Tại Ý, khảo sát cho thấy chưa tới 40% người dân đồng ý viện trợ vũ khí cho Ukraine. Con số này thấp hơn so với số liệu tương tự ở các nước châu Âu.
Hiện nay phương Tây đang lạc quan rằng tân Thủ tướng Meloni sẽ đảo ngược quan điểm của người Ý, tức cam kết duy trì hỗ trợ Ukraine.