23/12/2024

Hoang phí ‘đất vàng’: Đất vàng ‘treo’ giữa thủ phủ phố núi

Hoang phí ‘đất vàng’: Đất vàng ‘treo’ giữa thủ phủ phố núi

Ngay trung tâm TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) – nơi được xem là thủ phủ của Tây nguyên, nhiều dự án “đất vàng” dù đã được chi nhiều tỉ đồng để triển khai gần 20 năm trước nhưng đến nay chưa hoàn thành, bỏ hoang, gây lãng phí.

 

 

Đường Nguyễn Tất Thành (TP.Buôn Ma Thuột) được xem là trung tâm của tỉnh Đắk Lắk, nơi có nhiều doanh nghiệp chọn đặt trụ sở để kinh doanh. Dọc đường này cũng có nhiều cơ quan hành chính khang trang, tạo nên một khu phố sầm uất, sạch đẹp, được xem là tuyến “VIP” nhất TP.Buôn Ma Thuột. Thế nhưng, cũng trên tuyến đường này có khu đất rộng hàng ngàn mét vuông đang tồn tại một khu nhà 4 tầng được xây dở dang rồi tạm dừng nhiều năm qua khiến người dân vô cùng thắc mắc.

Hoang phí 'đất vàng': Đất vàng 'treo' giữa thủ phủ phố núi - ảnh 1
Từng được kỳ vọng trở thành khu thương mại sầm uất của TP.Buôn Ma Thuột, nhưng hiện dự án Trung tâm văn hóa thương mại – dịch vụ – tổng hợp Đắk Lắk Center chỉ hình thành phần thô tòa nhà 4 tầng rồi bỏ hoang  HOÀNG BÌNH

Công trình 10 năm chỉ xây được 4 tầng

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, khu nhà nói trên là dự án Trung tâm văn hóa thương mại – dịch vụ – tổng hợp Đắk Lắk Center, do Công ty CP đầu tư Cao Nguyên (Công ty Cao Nguyên) làm chủ đầu tư. Thấy có người tới chụp hình khu nhà hoang, một người dân gần đó vội hỏi: “Chú muốn mua hay muốn đầu tư? Muốn làm gì thì tìm hiểu cho kỹ chứ dự án xây cả chục năm nay rồi mà chưa xong đó”. “Khi thì nghe bảo xây làm siêu thị, khi lại nghe làm nhà ở, tôi là dân thường nên chẳng rõ”, người này nói thêm.

Năm 2008, UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận cho Công ty Cao Nguyên (trụ sở Đắk Lắk) thuê diện tích 3.385 m2 ngay tuyến đường Nguyễn Tất Thành để thực hiện dự án. Theo thiết kế, đây là một tòa nhà 18 tầng cùng 1 tầng hầm (tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỉ đồng) với kỳ vọng tạo nên một nơi vui chơi, giải trí, mua sắm sầm uất giữa lòng TP.Buôn Ma Thuột.

Dự án được khởi công ngay sau khi được chấp thuận, tuy nhiên chủ đầu tư thực hiện rất chậm. Sau nhiều lần gia hạn, dự án được ra “tối hậu thư” phải hoàn thiện vào tháng 3.2016. Thế nhưng, đến nay trên khu “đất vàng” trên chỉ hình thành một dãy nhà 4 tầng đã cũ, trơ trọi, nhiều mảng tường bám đầy rêu xanh giữa trung tâm phố thị.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, toàn dự án vẫn được quây tôn. Tuy nhiên, do thời gian phơi nắng, phơi sương quá lâu nên nhiều tấm tôn đã mục nát, hoen rỉ. Các chốt bảo vệ công trình hay bảng thông tin về chủ đầu tư tại dự án đều hư hỏng, phai màu.

Ông Cao Văn Thắng, đại diện Công ty Cao Nguyên, cho biết trước đây công ty có vướng một vụ kiện với ngân hàng liên quan đến khu đất trên. Hiện công ty đã thắng kiện và đang chờ điều chỉnh lại quy hoạch mới của tỉnh rồi xin chủ trương tiếp tục triển khai lại dự án.

Còn theo một lãnh đạo Sở KH-ĐT Đắk Lắk, dự án trên đã bị tỉnh thu hồi. Tuy nhiên, tại dự án phát sinh một vụ kiện dân sự giữa nhà đầu tư và ngân hàng. “Phải chờ kết quả xét xử phúc thẩm của tòa mới có căn cứ để xử lý tài sản trên đất của dự án, và tính tới các phương án sử dụng đất khác”, lãnh đạo Sở KH-ĐT Đắk Lắk trao đổi.

 

Dự án đất vàng 33 ha “treo” 20 năm

Cũng tại TP.Buôn Ma Thuột, gần 20 năm trước, dự án Buôn văn hóa kiểu mẫu các dân tộc Tây nguyên (Km6, P.Tân An, TP.Buôn Ma Thuột) từng được “xuống” tiền tỉ để đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa đâu vào đâu.

Hoang phí 'đất vàng': Đất vàng 'treo' giữa thủ phủ phố núi - ảnh 2
Sau khi làm đường, trồng cây, dự án Buôn văn hóa kiểu mẫu các dân tộc Tây nguyên bị bỏ hoang gần 20 năm qua vì thiếu vốn

Ngày dự án động thổ, người dân đồng bào Tây nguyên rất kỳ vọng các buôn văn hóa sẽ có những bước chuyển mình, nhất là việc hòa nhập vào không gian đô thị các thành phố, tạo nên những nét riêng độc đáo, hài hòa cho các buôn làng Tây nguyên nói chung. Thế nhưng, người dân vui chưa lâu thì cảm thấy buồn khi dự án triển khai nửa vời.

Theo tìm hiểu, năm 2004, dự án Buôn văn hóa các dân tộc Tây nguyên (diện tích 33 ha) chính thức được khởi công với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 76 tỉ đồng. Đây là mức đầu tư không hề nhỏ vào thời điểm này. Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng một buôn văn hóa dân tộc Ê Đê kiểu mẫu với khoảng 230 hộ, đồng thời góp phần tôn tạo, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, tập tục của đồng bào Ê Đê, kết hợp phát triển du lịch sinh thái – văn hóa – làng nghề…

Khu vực thực hiện dự án là khu “đất vàng” nằm bên đường Nguyễn Chí Thanh, ngay cửa ngõ phía bắc của TP.Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, dự án này chỉ thực hiện một số hạng mục như làm đường, trồng cây xanh với giá trị quyết toán 19 tỉ đồng vào năm 2009 và “treo” gần 20 năm qua.

Sau gần 20 năm “treo”, các tuyến đường được đầu tư tại dự án đã xuống cấp, trở thành nơi tập lái ô tô hoặc thả diều. Khu đất trong lòng dự án được người dân trồng mì, bắp hoặc hoa đào theo thời vụ… Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, dự án trên “treo” gần 20 năm qua vì “đói” vốn. Hơn thế, quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn vì vật liệu để làm nhà dài theo kiến trúc của người Ê Đê rất khan hiếm.

 

Dự án buôn văn hoá thành… đất phân lô

Hiện nay, dự án Buôn văn hóa kiểu mẫu các dân tộc Tây nguyên đã đổi tên thành dự án Khu đô thị sinh thái văn hóa du lịch dân tộc tỉnh Đắk Lắk; dự án đang được ngành chức năng lên kế hoạch đấu giá đất, tìm nhà đầu tư.

Theo quy hoạch, dự án trên có quy mô hơn 3.362 người, diện tích hơn 46 ha (trong đó sử dụng lại phần lớn diện tích 33 ha của dự án Buôn văn hóa kiểu mẫu các dân tộc Tây nguyên). Mục tiêu của dự án nhằm phát triển một khu đô thị sinh thái văn hóa, du lịch dân tộc của Đắk Lắk, kết hợp hài hòa giữa đô thị sinh thái với các công trình văn hóa các dân tộc; hình thành khu dân cư đô thị với hệ thống nhà ở, nhà thương mại dịch vụ và du lịch, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ.

Dự án có 2 khu dân cư phía bắc và nam với tổng cộng 21 ha đất ở. Trong đó, khu dân cư phía bắc có 159 lô (chiều ngang rộng 5,5 – 7 m) dùng xây nhà ở liên kế; 51 lô (rộng 13 – 14 m) đất ở biệt thự. Khu dân cư phía nam có 203 lô đất nhà ở liên kế, 102 lô nhà ở biệt thự, 134 lô nhà tái định cư. Ngoài ra, khu dân cư này còn có khu nhà ở xã hội (chung cư) đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các đối tượng hưởng chính sách về nhà ở xã hội với tổng diện tích khoảng 2,3 ha, quy mô khoảng 1.082 người.

Trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo Sở KH-ĐT Đắk Lắk cho biết Sở và các ngành liên quan đang tổ chức lập hồ sơ, thẩm định giá khu đất trên để lên phương án đấu giá, tìm nhà đầu tư cho dự án Khu đô thị sinh thái văn hóa du lịch dân tộc tỉnh Đắk Lắk. “Hiện dự án đã được lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Tuy nhiên, còn phải mất thêm nhiều thời gian để lập hồ sơ định giá, đấu giá mới tìm được nhà đầu tư. Ngoài ra, dự án mở rộng thêm diện tích so với dự án cũ từ 33 ha lên 46 ha nên phải thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư cho những người dân thuộc diện di dời”, lãnh đạo Sở KH-ĐT Đắk Lắk thông tin.

Lãnh đạo Sở KH-ĐT Đắk Lắk cho biết hiện UBND tỉnh đã thành lập 2 tổ công tác để thực hiện rà soát, thẩm định và có báo cáo cụ thể nhằm tham mưu, đề xuất thu hồi những dự án chậm tiến độ trên địa bàn.

Đối với 2 dự án “treo: Trung tâm văn hóa thương mại – dịch vụ – tổng hợp Đắk Lắk Center, và Buôn văn hóa kiểu mẫu các dân tộc Tây nguyên, lãnh đạo Sở KH-ĐT cho rằng trên địa bàn tỉnh quỹ đất còn khá rộng nên không ảnh hưởng nhiều đến việc thu hút nhà đầu tư vào các dự án.

 

HOÀNG ĐÌNH – TRUNG CHUYÊN

TNO