22/01/2025

Để học sinh không sợ môn toán: Sự tự tin đến từ giáo viên

Để học sinh không sợ môn toán: Sự tự tin đến từ giáo viên

Với những học sinh không giỏi toán, hôm nào có tiết học môn này xem như là một nỗi ‘hãi hùng’ ám ảnh từ nhà cho đến lớp. Vậy làm sao để hóa giải nỗi sợ hãi của học sinh khi học toán?

 

 

Trao đổi với nhiều giáo viên đang dạy môn toán ở trường phổ thông, hầu hết thầy cô đều nhất trí cho rằng với những em học khá giỏi môn toán thì tiết học toán là “niềm vui đến trường” của các em, nên các em rất thích. Tuy nhiên với những học sinh yếu kém, hôm nào có tiết học môn này, xem như là một nỗi “hãi hùng” ám ảnh từ nhà cho đến lớp. Vậy làm sao để hóa giải nỗi sợ hãi của học sinh khi học toán?

Để học sinh không sợ môn toán: Sự tự tin đến từ giáo viên - ảnh 1
Muốn học sinh hết sợ môn toán phải giúp các em yêu thích môn toán  ĐÀO NGỌC THẠCH

Thầy N.C.Du, giáo viên dạy toán kỳ cựu tại một trường THPT ở quận Tân Phú, TP.HCM phân tích nguyên nhân: “Đa số các em yếu môn toán đều thiếu tự tin khi học và làm bài tập. Vì vậy, giáo viên cần tạo sự tự tin cho học sinh. Vì học yếu toán nên các em rất sợ sai khi làm bài tập trên lớp. Các bài kiểm tra thấp cũng là một ám ảnh. Từ đó các em tự ti, mặc cảm khi học toán, và ngày càng thu mình hơn, rụt rè hơn, nên kết quả khó có thể cải thiện được”.

Một nữ giáo viên dạy toán khác cũng chia sẻ kinh nghiệm: “Muốn học sinh hết sợ môn toán phải giúp các em yêu thích môn toán trước đã. Mà muốn thế phải tìm cách lấp đi những khoảng kiến thức hổng của học sinh”. Công việc này đòi hỏi phải có nhiều thời gian. Giáo viên, nhà trường và phụ huynh phải có kế hoạch phụ đạo thường xuyên cho học sinh để lấy lại kiến thức cơ bản.

Không nên yêu cầu đánh đồng kiến thức khi kiểm tra trong lớp mà phải có cách theo dõi riêng với những em này. Đối với những học sinh yếu kém môn toán, cần khen ngợi kịp thời sự tiến bộ dù rất nhỏ của họ để họ có niềm vui. Chỉ khi giáo viên giúp học sinh nhận thấy khiếm khuyết và dám thừa nhận nó thì các em mới hết mặc cảm và có sự tự tin vào bản thân.

Thầy N.C.Du cũng cho biết thêm cách làm của mình: “Sau khi khoanh vùng học sinh yếu toán, tôi thường xuyên đối thoại trực tiếp với các em trong các giờ chơi. Cách làm này giúp tôi tìm hiểu kỹ hơn về mức độ yếu kém của các em và giúp khoảng cách giữa giáo viên và học sinh rút ngắn lại”.

Bên cạnh đó, việc xếp lớp ở nhà trường cũng phải nên chú ý đến học lực chung của học sinh (trong đó có môn môn toán) để đảm bảo sự hài hòa. Không nên tập trung quá nhiều học sinh yếu kém vào một lớp. Việc này giúp giáo viên dạy toán có điều kiện để “chăm chút” học sinh kỹ hơn, vừa tiện lợi cho giáo viên chủ nhiệm tổ chức cho học sinh học nhóm, kèm cặp với nhau trong việc học toán.

Cách đứng lớp của giáo viên cũng là một nhân tố khiến học sinh sợ giờ toán hay không. Vì môn toán được xem là môn chính yếu nhất nên hầu hết giáo viên dạy toán đều rất nghiêm khắc đến mức khắc khe, lạnh lùng. Tuy nhiên, nếu giáo viên nào thân thiện, vui vẻ trong giờ dạy sẽ giúp cho học sinh cảm thấy “dễ thở” hơn, giờ học toán ít còn cảm giác “cực hình” hơn!

 

TRẦN NGỌC TUẤN

TNO