23/01/2025

Vì sao các lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu?

Vì sao các lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu?

Không chỉ nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ bán tháo cổ phiếu bất động sản, thị trường chứng khoán còn bị cộng dồn áp lực khi ngay cả lãnh đạo của các doanh nghiệp bất động sản lớn cũng bị công ty chứng khoán liên tục bán giải chấp cổ phiếu.

 

 

 

Vì sao các lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu? - Ảnh 1.

Cổ phiếu bất động sản giảm sâu, lãnh đạo doanh nghiệp cũng bị bán giải chấp do không nộp thêm vốn vào – Ảnh: BÔNG MAI

Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) thông báo dự kiến từ hôm nay 8-11, ông Nguyễn Văn Đạt, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán PDR), sẽ bị bán giải chấp 1,8 triệu cổ phiếu PDR. 

“Số lượng chứng khoán dự kiến bán giải chấp là ước tính tại thời điểm công bố thông tin, số lượng chứng khoán bán thực tế có thể ít hơn hoặc nhiều hơn do thay đổi giá thị trường làm thay đổi giá trị tài sản đảm bảo”, Chứng khoán Tân Việt cho biết thêm. 

Trước đó công ty chứng khoán này cũng cho biết từ hôm qua, ông Đạt cũng bị bán giải chấp 750.000 cổ phiếu PDR. Từ hôm nay Chứng khoán Tân Việt dự kiến sẽ bán 1,9 triệu cổ phiếu PDR của Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt.

Trên thị trường chứng khoán, vào đầu tháng 12-2021 mã PDR từng lập đỉnh lịch sử gần 98.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên trong bối cảnh thị trường bất động sản không thuận lợi, việc huy động vốn trở nên khó khăn hơn, kỳ vọng của nhà đầu tư vào các cổ phiếu ngành này cũng bị suy yếu. 

Khép lại phiên hôm nay, mã PDR rớt xuống giá sàn 32.500 đồng/cổ phiếu, trở thành phiên thứ ba liên tiếp nằm sàn, giảm gần 67% so với giá đỉnh.

Như vậy, với tổng cộng 4,45 triệu cổ phiếu PDR dự kiến bán giải chấp, công ty chứng khoán sẽ thu về xấp xỉ 145 tỉ đồng theo thị giá hiện nay.

Làn sóng bị bán giải chấp cổ phiếu cũng diễn ra ở nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản khác. 

Cũng đầu tuần này, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết dự kiến sẽ bán giải chấp hơn 2,1 triệu cổ phiếu DIG của ông Nguyễn Thiện Tuấn – chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã DIG). 

Bên cạnh đó, cả hai người con của ông Tuấn là ông Nguyễn Hùng Cường và bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng bị bán giải chấp tổng cộng hơn 2,9 triệu cổ phiếu DIG. Cả ông Cường và bà Huyền đều giữ chức phó chủ tịch hội đồng quản trị tại doanh nghiệp do cha làm chủ tịch.

Vào đầu năm nay, mã DIG từng lập đỉnh gần 120.000 đồng/cổ phiếu, trở thành một trong những mã đắt đỏ bậc nhất sàn chứng khoán. Tuy nhiên sau đó mã này liên tục bị bán tháo, hiện giảm sàn về 14.400 đồng/cổ phiếu (-88%).

Với hơn 5 triệu cổ phiếu DIG dự kiến bán giải chấp từ tài khoản của ông Tuấn và hai con, Chứng khoán Yuanta có thể thu về 72 tỉ đồng. 

Cách đây một tuần, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cũng cho biết sẽ bán giải chấp 2,8 triệu cổ phiếu DIG của ông Nguyễn Thiện Tuấn. Chưa kể vào cuối tháng 10, ông Tuấn và con trai cũng đã bị bán giải chấp hơn 4,4 triệu cổ phiếu DIG. 

Trong vòng một tháng nay, nhiều lãnh đạo khác của các doanh nghiệp ngành xây dựng, bất động sản cũng bị bán giải chấp cổ phiếu, như ông Đinh Văn Thanh – phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) – bị bán giải chấp 24.500 cổ phiếu HBC, hay ông Nguyễn Tuấn Anh – thành viên hội đồng quản trị độc lập của Công ty CP Phát triển nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (mã HDC) – bị bán giải chấp 73.000 cổ phiếu HDC…

Giám đốc một công ty chứng khoán lớn chia sẻ về nghiệp vụ trước khi bán giải chấp cổ phiếu, các công ty chứng khoán đều thực hiện công việc call margin (lệnh gọi ký quỹ), tức thông báo cho khách hàng biết và nhanh chóng nộp tiền/cổ phiếu vào tài khoản để tránh bị bán giải chấp do cổ phiếu bị giảm giá sâu.

Nếu khách hàng không hành động, hoặc bổ sung không đủ, không đỡ được việc giá cổ phiếu bị giảm quá nhanh và sâu, công ty chứng khoán sẽ kích hoạt lệnh bán giải chấp nhằm hạ tỉ lệ nợ về mức an toàn.

Riêng ngành bất động sản, cuối năm là lúc các “ông chủ” rất cần tiền để đáo hạn các khoản vay ngân hàng, đáo hạn trái phiếu… Tuy nhiên các kênh huy động vốn như vay ngân hàng, phát hành trái phiếu, phát hành cổ phiếu đều đang gặp khó, tiến độ bán dự án lại chậm, dẫn đến việc “bị cạn tiền, cạn lực để trợ giá cổ phiếu”.

Ông Bùi Văn Huy – giám đốc chi nhánh TP.HCM Công ty Chứng khoán DSC – nhận định có không ít cổ đông lớn, chủ doanh nghiệp quá cần tiền nên đã xoay xở bằng cách vay ký quỹ ở các công ty chứng khoán. 

Trong thời gian tới, nếu thị trường chứng khoán giảm quá sâu, không loại trừ khả năng xuất hiện làn sóng call margin ở cấp độ doanh nghiệp.

BÔNG MAI
TTO