22/01/2025

Khốn đốn vì bị ‘giam’ tiền thuế

Khốn đốn vì bị ‘giam’ tiền thuế

Không chỉ các doanh nghiệp cao su, việc ách tắc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) diễn ra ở nhiều ngành nghề như xuất khẩu gỗ, xi măng, sắn lát… khiến các doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản, phải kêu cứu khắp nơi.

 

 

 

Khốn đốn vì bị giam tiền thuế - Ảnh 1.

Doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP.HCM – Ảnh: Q.ĐỊNH

Theo các chuyên gia, ngành thuế không thể vì một vài doanh nghiệp gian lận tiền hoàn thuế VAT mà đặt ra các điều kiện để ách tiền hoàn thuế VAT của doanh nghiệp bởi vì điều này vi phạm các quy định về việc hoàn thuế VAT.

 

“Đẻ” ra quy định, “giam” tiền của doanh nghiệp

Theo thông tin Tuổi Trẻ có được, một DN xuất khẩu xi măng thuộc hàng lớn nhất VN vừa làm đơn khẩn cầu gửi đến Cục Thuế TP.HCM vì bị chậm hoàn thuế từ tháng 10-2021 với tổng số thuế chậm hoàn lên đến trên 140 tỉ dù DN này đã hoàn tất việc kiểm tra thuế với một số kỳ hoàn thuế. 

Ngoài ra, DN cũng xin được đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Cục Thuế TP để biết lộ trình hoàn thuế của công ty còn qua các bước nào nữa và khi nào thì được hoàn thuế.

“Việc chậm hoàn thuế khiến DN đối mặt với nguy cơ dừng hoạt động, bị kiện quốc tế về vi phạm hợp đồng đã ký kết, phát sinh nợ xấu với ngân hàng và nguy cơ lớn nhất là phá sản. Kính xin Cục Thuế TP.HCM duyệt kỳ hoàn tháng 10-2021 nhằm duy trì sự hoạt động bình thường của DN, cũng là cơ sở để tạo điều kiện cho cơ quan thuế tận dụng thời gian bắt đầu xử lý hồ sơ kỳ tiếp theo”, DN này viết trong đơn.

Ngành gỗ cũng vừa có văn bản kêu cứu vì những bất hợp lý trong việc hoàn thuế VAT khiến các DN đã khó khăn lại càng khốn đốn hơn. 

Theo ước tính của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN, số thuế VAT mà các DN sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn thuế đến nay đã lên tới trên dưới 1.000 tỉ đồng.

Có DN có số tiền thuế chưa được hoàn lên tới 200 tỉ đồng, nhiều DN bị chậm hoàn thuế 40 – 50 tỉ đồng. Hiệp hội Sắn cũng “kêu cứu” tới Thủ tướng vì bị ách tiền hoàn thuế.

Theo các DN, việc ách tắc trong hoàn thuế VAT xuất phát từ công văn 633 của Tổng cục Thuế về thanh tra, kiểm tra các DN có rủi ro về hoàn thuế VAT. 

Trong đó, Tổng cục Thuế yêu cầu việc kiểm tra hoàn thuế phải xác minh qua các khâu trung gian từ F1, F2, F3… đến khâu cuối cùng. Nếu các DN F1, F2, F3… không thuộc địa bàn quản lý thì cục thuế làm công văn gửi cục thuế có liên quan để rà soát, đối chiếu… 

Căn cứ vào chỉ đạo này, Cục Thuế TP.HCM ban hành công văn 1694 yêu cầu thanh tra phải xác minh đến khâu cuối cùng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, các DN bức xúc cho biết chín năm trước Bộ Tài chính từng ban hành quy định “xác minh đến khâu cuối cùng” nhưng không thể thực hiện được nên buộc phải sửa sai bằng công văn 13706 (ban hành ngày 15-10-2013). 

Theo đó, quy định cơ quan thuế chỉ xác minh với DN bán hàng trực tiếp cho DN xuất khẩu để thực hiện hoàn thuế và việc kiểm tra xác minh các chứng từ này chỉ thực hiện trong thời gian 40 ngày.

“Ách tắc trong hoàn thuế VAT được tháo gỡ, nhưng vì sao Tổng cục Thuế lại lặp lại quy định hoàn thuế đã từng gây khó cho DN trước đây mà không làm theo hướng dẫn của Luật quản lý thuế cũng như công văn 13706 mà Bộ Tài chính đã ban hành?”, giám đốc một công ty xuất khẩu đặt câu hỏi.

Khốn đốn vì bị giam tiền thuế - Ảnh 2.

Bà Trần Lệ Thu, kế toán trưởng Công ty TNHH TM Hòa Thuận cho biết công ty không nằm trong danh sách rủi ro cao nhưng vẫn bị cơ quan thuế ách tiền hoàn thuế VAT – Ảnh: A.H.

Cơ quan thuế vi phạm luật?

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia Nguyễn Thái Sơn cho rằng công văn 633 của Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế kiểm tra hoàn thuế VAT phải xác minh qua các khâu trung gian từ F1, F2, F3… đến khâu cuối cùng là chỉ đạo nội bộ của Tổng cục Thuế đến các cục thuế. 

Tuy nhiên, các cục thuế vẫn phải đảm bảo thời gian hoàn thuế đã quy định tại Luật quản lý thuế. Theo đó, DN xuất khẩu đủ điều kiện thì cơ quan thuế phải thực hiện hoàn thuế VAT, nếu không thì phải có văn bản trả lời chứ không thể dùng “thủ thuật” để kéo dài thời gian hoàn thuế hay vận động DN rút hồ sơ.

“Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM đã khẳng định cơ quan thuế vẫn tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế VAT, nơi nào chỉ đạo miệng không tiếp nhận hồ sơ hay kéo dài thời gian hoàn thuế, vận động DN rút hồ sơ hoàn thuế là sai, DN cứ phản ánh đến cục trưởng Cục Thuế TP.HCM” – ông Sơn nói và cho rằng vừa qua có một số trường hợp cơ quan thuế phát hiện gian lận tiền hoàn thuế như trường hợp ThuDucHouse nhưng không thể vì “con sâu làm rầu nồi canh” mà ách tiền hoàn thuế làm ảnh hưởng đến cộng đồng DN.

Luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, cũng cho rằng theo quy định, với trường hợp DN thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau, thời gian hoàn thuế là sáu ngày làm việc.

Với DN thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau, thời gian hoàn thuế tối đa là 40 ngày. Luật thuế cũng quy định DN xuất khẩu đáp ứng ba điều kiện sau sẽ được hoàn thuế VAT: có hợp đồng xuất khẩu, có tờ khai hải quan, thanh toán qua ngân hàng. Như vậy, nếu DN xuất khẩu đủ điều kiện thì cơ quan thuế phải thực hiện hoàn thuế VAT.

“Nếu nghi ngờ DN gian lận, ngành thuế vẫn phải làm đúng luật là hoàn thuế trong thời gian quy định với những DN thỏa các điều kiện trên rồi sau đó cơ quan thuế tiến hành điều tra. 

Nếu phát hiện DN sai phạm, cơ quan thuế truy thu số thuế đã hoàn và chuyển hồ sơ qua cơ quan công an để khởi tố DN về tội trốn thuế. Chứ không thể ban hành công văn để ách tiền hoàn thuế VAT của DN”, ông Xoa nói .

Theo ông Xoa, thời gian vừa qua ngành thuế đặt ra rất nhiều điều kiện như kiểm tra người mua ở nước ngoài, kiểm tra từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng… để ách tiền hoàn thuế VAT của DN cả năm là trái Luật quản lý thuế. 

“Vừa qua, hàng loạt ngành nghề như xuất khẩu gỗ, xi măng, sắn lát… đồng loạt kêu cứu có một điểm chung là cơ quan thuế nghi ngờ rồi từ đó tìm lý do để từ đó không hoàn thuế cho DN. Sự việc này đã kéo dài khiến cho DN khốn đốn, đứng trước nguy cơ phá sản”.

 

Có xếp nhầm nhóm?

Nhiều DN xuất khẩu cao su nói tại điều 8 Luật thuế VAT quy định về thuế suất, mặt hàng mủ cao su sơ chế, nhựa thông sơ chế lại xếp chung nhóm với lưới, dây giềng và sợi để giăng lưới đánh cá và chịu thuế suất đầu vào 5% là không hợp lý.

Theo các DN, nên quy định mặt hàng mủ cao su sơ chế được áp dụng các quy định về thuế VAT tương tự như các sản phẩm trồng trọt khác (cà phê, điều, tiêu…) vì cao su thiên nhiên cũng là sản phẩm trồng trọt, dù qua sơ chế tại nhà máy nhưng là sơ chế thông thường và vẫn chưa chế biến thành các sản phẩm khác.

Khi đó, DN khỏi phải ứng tiền nộp thuế cũng như vất vả xin hoàn thuế VAT như hiện nay.

Các DN cũng kiến nghị Bộ Tài chính trình Quốc hội sửa lại điểm e (khoản 2, điều 8), đưa mủ cao su sơ chế vào điểm đ – nhóm hàng sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi thủy sản chưa qua chế biến…

ÁNH HỒNG
TTO