22/01/2025

Cuộc đua lãnh đạo NATO đã bắt đầu, liệu một phụ nữ sẽ chiến thắng?

Cuộc đua lãnh đạo NATO đã bắt đầu, liệu một phụ nữ sẽ chiến thắng?

Những tranh luận và dàn xếp ở hậu trường để tìm ra người kế nhiệm Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã bắt đầu một cách nghiêm túc, xoay quanh một số ứng viên là nữ.

 

 

 

 

Cuộc đua lãnh đạo NATO đã bắt đầu, liệu một phụ nữ sẽ chiến thắng? - ảnh 1
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg  REUTERS

Xung đột Nga – Ukraine đã đem đến cho NATO nhận thức mới về vai trò quan trọng của liên minh trong việc bảo vệ châu Âu. Với nguy cơ xung đột leo thang và lan ra ngoài Ukraine, giai đoạn này cũng vô cùng quan trọng trong lịch sử 73 năm của liên minh, vốn được thiết kế để răn đe Liên Xô.

Với nhiệm kỳ của Tổng thư ký NATO hiện tại Jens Stoltenberg dự kiến ​​kết thúc vào mùa thu năm sau, tranh luận giữa các thành viên về việc ai sẽ thay thế ông đã bắt đầu một cách nghiêm túc, và các chiến tuyến trong cuộc cạnh tranh này đã hình thành, báo The New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ cho hay.

 

Những ứng viên tiềm năng

Các quan chức lưu ý rằng đây mới chỉ là giai đoạn đầu, và những cái tên xuất hiện sớm thường sẽ không trụ được đến cuối cùng trong quá trình thương lượng giữa 30 thành viên NATO. Theo đó, một ứng viên sáng giá đã xuất hiện: bà Chrystia Freeland, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng tài chính của Canada và là một người gốc Ukraine.

Bà Freeland, 54 tuổi, cựu nhà báo, cũng từng là ngoại trưởng Canada. Lợi thế của bà rất đáng kể: bà nói được 5 ngôn ngữ Anh, Pháp, Ý, Ukraine và Nga; bà đã điều hành các bộ phức tạp; bà có thể làm chủ các cuộc họp báo và những lần xuất hiện trước công chúng; nếu trúng bà sẽ là người phụ nữ đầu tiên cũng như người Canada đầu tiên ngồi vào ghế tổng thư ký NATO.

Mỹ không đưa ra một ứng viên người Mỹ, vì một vị tướng của Mỹ theo truyền thống là Tư lệnh Tối cao Lực lượng Đồng minh Châu Âu, nhưng dễ hiểu là nước này có tiếng nói mạnh mẽ trong việc lựa chọn.

Cuộc đua lãnh đạo NATO đã bắt đầu, liệu một phụ nữ sẽ chiến thắng? - ảnh 2
Bà Chrystia Freeland, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng tài chính của Canada  REUTERS

Không ngạc nhiên khi Liên minh Châu Âu (EU) muốn người đứng đầu NATO tiếp theo đến từ một quốc gia EU – 21 trong số 27 thành viên hiện tại của khối thuộc NATO. Và giả sử Thụy Điển và Phần Lan được chấp thuận trở thành thành viên NATO, EU sẽ có 23 trong số 32 thành viên.

Mặc dù các nước châu Âu vẫn chưa tập hợp xung quanh một ứng viên duy nhất, họ cũng có một số ứng viên mạnh mẽ là phụ nữ, bao gồm bà Kaja Kallas, 45 tuổi, thủ tướng Estonia; bà Zuzana Caputova, 49 tuổi, tổng thống Slovakia; và bà Kolinda Grabar-Kitarovic, 54 tuổi, tổng thống của Croatia giai đoạn 2015-2020, cũng từng là đại sứ của Croatia tại Mỹ và từng làm việc tại NATO với tư cách trợ lý tổng thư ký về ngoại giao công chúng.

Anh, nước đã rời EU nhưng vẫn ở lại NATO, có một ứng viên là Ben Wallace, 52 tuổi, bộ trưởng quốc phòng nước này. Một số quan chức cho rằng ông tiếp tục nắm giữ vị trí bất chấp hỗn loạn trong chính phủ Anh có thể không chỉ là để đảm bảo sự ổn định trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine, mà còn là để tăng cơ hội để trở thành tổng thư ký tiếp theo của NATO. Đây là điều mà London vô cùng mong muốn và xem là một biểu tượng khác cho vai trò của Anh trên trường quốc tế thời hậu Brexit.

 

Vấn đề Ukraine chi phối

Người chiến thắng cuối cùng chắc chắn sẽ phải đương đầu với một trong những thời điểm quan trọng nhất trong lịch sử liên minh. Xung đột ở Ukraine đã dẫn đến việc NATO triển khai thêm binh sĩ ở biên giới với Nga, việc các nước có truyền thống trung lập như Thụy Điển và Phần Lan xin gia nhập liên minh, cũng như nhu cầu mới về tiền bạc và trang thiết bị. Trong khi NATO hoạt động dựa trên nguyên tắc đồng thuận, người đứng đầu liên minh đóng vai trò quan trọng trong việc hài hòa yêu cầu của các quốc gia thành viên và trong việc thể hiện rõ quan điểm của phương Tây với toàn cầu.

Các ứng viên tiềm năng đều có những vấn đề và cũng có khả năng, như một quan chức NATO nhận định, rằng các quốc gia thành viên có thể đồng ý kéo dài nhiệm kỳ của ông Stoltenberg thêm một năm. (Ông Stoltenberg, 63 tuổi, đã yêu cầu gia hạn thêm hai năm vì xung đột Nga – Ukraine, và đã đồng ý một năm, tức đến tháng 9 năm sau).

Việc lựa chọn cũng có thể trở nên phức tạp hơn bởi cuộc bầu cử vào mùa xuân năm 2024 sẽ chọn ra dàn lãnh đạo mới cho EU. Chuyện này sẽ kích hoạt một quá trình cạnh tranh sâu sắc giữa các quốc gia thành viên khi họ phân chia công việc.

Nói chung, theo một quan chức NATO, Washington muốn tránh khả năng nhà lãnh đạo tiếp theo của NATO bị xem là nhận phần thưởng an ủi vì không giành được một vị trí quan trọng trong EU, vì vậy họ muốn lựa chọn được đưa ra trước cuộc bầu cử đó. Cả Washington và Brussels đều muốn có một kết luận trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tiếp theo vào tháng 11.2024.

Hai người đứng đầu NATO gần đây nhất, ông Stoltenberg đến từ Na Uy và ông Anders Fogh Rasmussen đến từ Đan Mạch, đều là người đứng đầu chính phủ. Song việc này không nhất thiết phải là điều kiện tiên quyết.

Quan điểm của các ứng viên trong việc hỗ trợ Ukraine sẽ là một yếu tố quan trọng. Dù họ phản đối Nga mạnh mẽ đến mức nào, các nước Tây Âu, như Pháp và Đức, muốn nhìn xa hơn ngày chiến sự chấm dứt, bằng cách này hay cách khác, và sẽ muốn ai đó sẵn sàng xây dựng một mối quan hệ mới, ổn định hơn với Moscow.

Ứng viên từ Estonia, bà Kallas, ủng hộ Ukraine rất mạnh mẽ, tạo được tiếng vang trên trường quốc tế, nhưng có thể bất kỳ ai từ các quốc gia Baltic hoặc Ba Lan, bất kể phẩm chất của họ, sẽ bị coi là chống Nga quá dữ dội so với phần còn lại của NATO. Bà Kallas đã phản đối việc tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Cuộc đua lãnh đạo NATO đã bắt đầu, liệu một phụ nữ sẽ chiến thắng? - ảnh 3
Bà Kaja Kallas, thủ tướng Estonia  AFP

Bà Freeland cũng là một người ủng hộ Ukraine chống lại Nga nhưng không giống như Estonia, Slovakia hay Croatia, Canada là quốc gia tụt hậu trong NATO về số tiền chi cho quốc phòng, cách rất xa mục tiêu 2% GDP mà các thành viên đặt ra cho năm 2024.

Tuy nhiên, Canada đã cung cấp hỗ trợ kinh tế và quân sự đáng kể cho Ukraine, chỉ xếp sau Đức nhưng xếp trước Ba Lan, mặc dù thua xa Mỹ và Anh.

Và quan điểm của bà Freeland về Ukraine cũng có thể là quá cứng rắn đối với một số người. Bà từng đến Kyiv vào năm 2014 để chúc mừng việc lật đổ nhà lãnh đạo thân Nga Viktor Yanukovych và gặp gỡ các quan chức ở đó. Nga sau đó đã đưa bà vào danh sách cấm vận.

Một mối lo ngại lớn hơn, mà Thủ tướng Canada Justin Trudeau bác bỏ, là ông ngoại của bà Freeland khi còn nhỏ từng tham gia vào một phong trào dân tộc chủ nghĩa ở Ukraine, coi Đức Quốc xã là lá chắn hữu ích để chống lại Liên Xô.

 

LAM VŨ

TNO