22/01/2025

Triệt tiêu văn mẫu phải từ cách ra đề kiểm tra

Triệt tiêu văn mẫu phải từ cách ra đề kiểm tra

Học sinh cả nước đang bước vào kiểm tra giữa kỳ 1 tuy vậy nhiều thầy cô vẫn đang băn khoăn về việc ra đề kiểm tra theo hướng dẫn đổi mới, nhất là đối với bộ môn ngữ văn.

 

 

 

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định quan điểm cần triệt tiêu văn mẫu và nhấn mạnh, văn học phải củng cố vị trí của một môn học nghệ thuật. “Cần loại bỏ xúc động theo mẫu, tưởng tượng theo khuôn và tình cảm theo quy định. Làm được như thế mới giải phóng được tinh thần cho con người”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định.

Triệt tiêu văn mẫu phải từ cách ra đề kiểm tra - ảnh 1
Đổi mới sáng tạo học văn thông qua các sinh hoạt ngoại khóa, sân khấu hóa…  ĐÀO NGỌC THẠCH

Bỏ dạy văn mẫu sẽ giảm dạy thêm, học thêm!

Trước đó Bộ GD-ĐTđã có Công văn số 3175/BGDĐT- GDTrH ngày 21.7.2022 về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn ở trường phổ thông. Theo đó, Bộ yêu cầu tăng cường hơn nữa việc phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong quá trình học tập môn ngữ văn… Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kỳ, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Như vậy Bộ GD-ĐT đã thể hiện quyết tâm thực hiện đổi mới cách dạy và cách học môn ngữ văn, đổi mới cách đánh giá học sinh trong môn ngữ văn từ năm học 2022-2023, sau khi có tình trạng học sinh đón đề học tủ một số tác phẩm trong sách giáo khoa lớp 12 ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Nhiều thầy cô rất đồng tình về việc cần xóa bỏ dạy học theo văn mẫu vì mục đích của việc dạy học văn nhằm bồi dưỡng năng lực thẩm mỹ, phát huy tính sáng tạo của học sinh. Khi học sinh được sáng tạo trong làm văn, các em cũng sẽ sáng tạo trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, khi bỏ dạy học theo văn mẫu cũng sẽ giảm được tình trạng dạy thêm học thêm, luyện thi lên lớp 10, tốt nghiệp THPT.

Triệt tiêu văn mẫu phải từ cách ra đề kiểm tra - ảnh 2
Học sinh lớp 10 năm nay áp dụng chương trình môn văn mới với nhiều thay đổi trong việc giảng dạy, kiểm tra, đánh giá  Đ.N.T

Không ra đề kiểu tái hiện kiến thức

Vậy cách ra đề kiểm tra như thế nào để học sinh không cần phải học thuộc văn mẫu và làm theo mẫu? Đề kiểm tra hiện nay thường yêu cầu học sinh tái hiện lại kiến thức, phải ghi nhớ các ý để làm bài là nguyên nhân dẫn đến học sinh phải học và làm theo văn mẫu. Cần chấm dứt hoàn toàn cách ra đề này. Với phần nghị luận xã hội, nghị luận văn học, cần đưa các tác phẩm ngoài sách giáo khoa vào đề kiểm tra, đề thi. Câu hỏi phần nghị luận xã hội yêu cầu học sinh nêu quan điểm, cách giải quyết vấn đề, các tình huống xảy ra trong cuộc sống…

Môn ngữ văn nhằm giáo dục học sinh những giá trị cao đẹp của con người hướng thiện, xây dựng giá trị sống “chân thiện mỹ” phát triển ở học sinh những tình cảm lành mạnh, nhân văn, lối sống nhân từ, bao dung; giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất tốt đẹp cũng như năng lực cốt lõi của chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang hướng đến. Muốn vậy, ngay bây giờ, thầy cô hãy nói không với dạy học làm theo những bài văn mẫu nhất là trong kiểm tra, đề thi từ học sinh cấp tiểu học.

Nguyễn Văn Lực

(Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)

TNO