Trẻ viêm mô tế bào, áp xe vì đắp ‘thuốc’ lá lên vết thương

Trẻ viêm mô tế bào, áp xe vì đắp ‘thuốc’ lá lên vết thương

Bác sĩ Nguyễn Diệu Vinh – khoa nội tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) – cho biết thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện vì viêm mô tế bào, áp xe da vì đắp “thuốc” lá lên vết thương.

 

 

 

 

Trẻ viêm mô tế bào, áp xe vì đắp thuốc lá lên vết thương - Ảnh 1.

Một bé trai 13 tuổi bị rắn cắn được người nhà đưa đến thầy lang chữa trị khiến bệnh trở nặng hơn – Ảnh: TLBSCC

Việc đắp các loại lá lên vùng tổn thương tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, không được khoa học chứng minh, có thể gây bội nhiễm, hoại tử, thậm chí nhiễm trùng huyết, nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ Nguyễn Diệu Vinh

Một số trường hợp diễn tiến nặng hơn do thân nhân đắp lá (ổi, lục bình…) và thuốc nam vào vết thương.

Theo đó, viêm mô tế bào, áp xe hoặc cả hai là tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính ở da và mô dưới da thường gặp nhất. Nguyên nhân trong đa số trường hợp do vi khuẩn Streptococcus hoặc Staphylococci gây ra.

Các biểu hiện của viêm mô bào là sưng, nóng, đỏ, đau vùng da sang thương, thường là một bên của tay hoặc chân. Còn biểu hiện của áp xe da là khối tụ mủ trong da hoặc khoang dưới da, hay một khối sưng đỏ, đau, phập phều ở giữa, có hoặc không kèm viêm mô tế bào xung quanh.

Trường hợp nặng gây sốt và các hạch bạch huyết khu vực có thể sưng to, thậm chí là nhiễm khuẩn huyết. Phần lớn trẻ sẽ đáp ứng tốt với điều trị bằng kháng sinh, khi được nhập viện kịp thời.

Trường hợp đến trễ do một số phụ huynh đắp lá trên vùng da sưng đỏ, khiến cho tổn thương sưng tấy, làm cho tình trạng nhiễm trùng nặng hơn.

Bác sĩ Vinh khuyến cáo phụ huynh không nên coi thường vết thương nhỏ, đặc biệt đối với các chấn thương, tổn thương hở. Không nên tự ý sử dụng bất cứ loại thuốc gì khi chưa có chỉ định của bác sĩ, hay đắp các loại lá cây trên vùng tổn thương.

 

X.MAI