22/01/2025

Đừng để mỗi giờ học toán là một nỗi hãi hùng

Đừng để mỗi giờ học toán là một nỗi hãi hùng

Mới đây, GS Ngô Bảo Châu cho rằng điều đáng tiếc là nhiều học sinh thông minh, có năng lực nhưng do cách dạy học, cách thi cử khiến các em sợ học môn toán. Ông cho rằng ‘sợ toán là thiệt thòi rất lớn trong cuộc đời’.

 

 

Làm thế nào để giúp học sinh (HS) thoát khỏi nỗi sợ môn toán luôn là nỗi trăn trở của những người dạy toán, làm toán.

 

“Học sinh đang học toán rất khó”

Tại buổi tọa đàm mới đây về thực trạng dạy học toán trong trường phổ thông, GS Phùng Hồ Hải, nguyên Viện trưởng Viện Toán học VN, cho rằng: “Có thể vì quá trân trọng môn toán, coi nó quá ư là quan trọng nên kỳ thi nào chúng ta cũng đẩy nó lên mức cao nhất và đó cũng là gánh nặng cho môn toán. Điều đó khiến cho tôi, dưới góc nhìn của người làm toán, thấy rằng nó làm mất cái hay của môn toán, thay vào đó là thiên về sự nặng nề, tra tấn”.

Đừng để mỗi giờ học toán là một nỗi hãi hùng - ảnh 1
Học sinh chưa thích học toán vì chưa thấy được vai trò và tầm quan trọng của môn toán đối với thực tiễn cuộc sống   ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo GS Hải, hiện nay HS đang học toán rất khó. Vấn đề ở đây không phải khó về yêu cầu độ thông minh mà cái khó là yêu cầu về tính phức tạp. Kể cả trong kỳ thi HS giỏi người ta ra những bài toán theo kiểu gộp 2 – 3 bài toán lại. Như vậy, HS phải biết 2 – 3 bài toán kia mới giải được, chỉ còn kỹ năng chứ không còn thông minh, vai trò thông minh ở trong những bài toán ấy rất thấp mà thành một dạng thợ giải toán.

 

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn “Để học sinh không sợ môn toán”

Theo thống kê, hơn 70% HS lên cấp THPT có ấn tượng không tốt lắm với môn toán. Con số này phản ánh một thực tế tồn tại trong các thế hệ HS: Sợ học toán.

Làm thế nào để thấy được vẻ đẹp của toán, không còn ám ảnh, sợ hãi; học với sự chủ động… là mong muốn của rất nhiều HS, phụ huynh và cả giáo viên.

Báo Thanh Niên mong muốn nhận được ý kiến, chia sẻ của bạn đọc qua diễn đàn “Để học sinh không sợ môn toán”. Bạn đọc vui lòng gửi bài viết theo địa chỉ email: [email protected]. Trân trọng cảm ơn.

GS Đỗ Đức Thái, Chủ biên chương trình môn toán trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, từng không ít lần chia sẻ: Khi xây dựng chương trình môn toán mới, ông và các cộng sự đã làm khảo sát với hơn 1.000 HS các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và 70% trong số đó đã phát biểu rằng môn toán rất khó, cảm thấy sợ học toán và thậm chí có em còn nói rằng mỗi giờ toán là một nỗi hãi hùng, các em không thể kết nối việc học cùng trải nghiệm…

GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN, đồng thời cũng là chủ biên của một bộ sách giáo khoa (SGK) toán theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, từng chia sẻ quan sát của bản thân về việc dạy và học toán hiện nay. Đầu tiên, là việc có nhiều thầy cô và cha mẹ HS đều cho rằng con em mình không học được môn học này. Trong rất nhiều lần tiếp xúc với HS, ông thường hỏi trong năm vừa qua thích bài học toán học nào nhất thì HS (kể cả HS trường chất lượng cao, trường “điểm” ở Hà Nội) đều rất khó trả lời. Theo thống kê thì hơn 70% lên cấp THPT có ấn tượng không tốt lắm với môn toán. “Đó là những vấn đề khiến tôi rất trăn trở, suy nghĩ làm sao để điều chỉnh cách dạy và cách học”, GS Vinh chia sẻ.

 

Không gắn với thực tiễn

Theo GS Lê Anh Vinh, việc dạy và học toán theo chương trình cũ thiếu sự tương tác, không gắn với thực tiễn và môn toán thường được đưa ra làm ví dụ điển hình. Tham gia biên soạn SGK toán mới, ông Vinh cho biết “mục tiêu quyết định sự sống còn” là giúp HS yêu thích môn toán ngay từ tiểu học, từ lớp 1. Nếu không có điều này thì không thể học tiếp được. Nếu không giúp HS thấy ý nghĩa thiết thực của việc học toán, yêu thích môn toán thì các em sẽ không học. Cơ hội này ở tiểu học là lớn nhất và nó tạo nền tảng ban đầu cho HS.

 

GS Ngô Bảo Châu: Chọn kiến thức để đưa vào dạy rất quan trọng

GS Ngô Bảo Châu cho rằng: “Việc chọn kiến thức gì để đưa vào dạy là rất quan trọng. Tôi nghĩ trong bậc phổ thông, chỉ có một vài điểm rất quan trọng cần dạy. Ví dụ, ở cấp tiểu học, tôi nghĩ quan trọng nhất cần hiểu như thế nào là phân số; ở cấp THCS, cần nhất là hiểu thế nào là giải phương trình bậc hai… Ngược lại, có những cái mà tôi nghĩ hoàn toàn thừa mà chẳng hiểu sao lại dạy. Như thời tôi còn đi học thì phải học 7 hằng đẳng thức đáng nhớ, quả thực tôi không nhớ 7 hằng đẳng thức đó là gì và không hiểu tại sao phải đáng nhớ như thế”.

GS Châu cũng nhận xét cách dạy toán ở VN “có gì đó sai sai” khi yêu cầu HS làm các bài toán mà việc tính toán rất “cơ bắp” với rất nhiều chữ số, biểu thức mà chẳng biết để làm gì và để đi đến đâu. Có những thầy cô thì đưa ra những bài rất mẹo, trong khi nguyên tắc làm toán chuyên nghiệp là không có mẹo. Việc dạy học toán là phải làm sao cho những điều trông có vẻ rối rắm, phức tạp trở thành đơn giản, đó mới là cái đẹp của toán học.

Trực tiếp đứng lớp, thầy Nguyễn Khánh Hoàn, giáo viên Trường THCS Trần Phú (Q.Hoàng Mai, Hà Nội), cho hay thực tế vẫn còn nhiều HS chưa thích học toán. Nguyên nhân là HS chưa thấy được vai trò và tầm quan trọng của môn toán đối với thực tiễn cuộc sống.

Thầy Phạm Văn Quang, Trưởng ban toán Trường phổ thông Dewey (Hà Nội), cũng chỉ ra rằng với chương trình phổ thông trước năm 2018 thì yếu tố thực tiễn thường không được chú trọng. Chúng ta tập trung vào việc truyền thụ công thức, khuyến khích HS học thuộc áp dụng công thức đó vào giải các dạng đề toán với nhiều kỹ thuật tính toán phức tạp và với tâm lý học để thi. HS bị hổng kiến thức nền tảng từ các lớp dưới, do chương trình môn toán được xây dựng theo mô hình đường tròn đồng tâm, nên nếu HS nào bị mất nền tảng từ lớp dưới thì sẽ rất khó tiếp thu kiến thức ở lớp trên. HS có thể mất phương hướng, không biết bắt đầu từ đâu, học như thế nào, điều đó dẫn đến tâm lý chán nản.

Đừng để mỗi giờ học toán là một nỗi hãi hùng - ảnh 2
Thí sinh dự thi môn toán kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 ĐÀO NGỌC THẠCH

Thay đổi tư duy “học toán chỉ để đi thi”

GS Phùng Hồ Hải cho biết khi tham gia vào việc xây dựng chương trình môn toán, ông rất tán đồng với chủ biên chương trình môn học này là GS Đỗ Đức Thái về mục tiêu của môn học này, đó là: học toán để thông minh hơn, chứ không phải thông minh mới học được môn toán như xưa nay mọi người vẫn nghĩ. Chúng ta phải xác định lại HS học toán đầu tiên là để các em có năng lực tư duy, có khả năng mưu sinh trong cuộc sống.

Theo thầy Phạm Văn Quang, dù chương trình mới đã thay đổi, nhưng để giải quyết những vấn đề HS sợ học toán thì cả xã hội cùng phải suy nghĩ và thay đổi tư duy “học toán chỉ để đi thi”; phụ huynh cũng cần giảm áp lực, kỳ vọng lên những đứa trẻ. Đồng thời, các giáo viên dạy toán cần thay đổi cách dạy để phù hợp với năng lực và nhu cầu của mỗi HS. Ngoài ra, chương trình học cần có sự phân hóa theo năng lực và đánh giá HS một cách toàn diện trong một quá trình, giai đoạn chứ không chỉ “chăm chăm” đánh giá kỹ năng giải toán, điểm số bài thi.

Đề cao việc cần phải đưa những bài toán thực tế vào giảng dạy nhằm tạo hứng thú cho HS, thầy Nguyễn Khánh Hoàn cho biết đưa các bài tập thực tế vào trong giờ học không chỉ giúp HS thấy được môn toán gần gũi với cuộc sống mà còn giúp khơi gợi tình yêu và niềm say mê với toán học.

PGS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục VN, cũng cho rằng lâu nay việc lấy thước đo sự giỏi giang của con bằng những bài toán nâng cao hay những bài toán mang tính đánh đố HS khiến việc “chinh phục” môn toán trở thành nỗi khiếp sợ của HS. Thực tế đã chứng minh những bài toán đánh đố như vậy chỉ khiến HS sợ học toán hơn. “Thay vì ép con luyện những dạng toán nâng cao, bất chấp khả năng của trẻ đến đâu thì hãy cho con học toán theo kiểu… ăn buffet để con chọn những phần con yêu thích trước”, PGS Thơ đề xuất.

PGS Chu Cẩm Thơ nhấn mạnh đến hiệu quả của phương pháp học trải nghiệm giúp HS có nền tảng tư duy độc lập, chủ động tìm lời giải cho các vấn đề của các môn học và cả các vấn đề trong cuộc sống. Và đặc biệt, vai trò lớn nhất của phương pháp trải nghiệm chính là mang đến niềm yêu thích học, yếu tố quan trọng nhất để trẻ học tốt.

 

TUỆ NGUYỄN

TNO