23/01/2025

Hoang phí ‘đất vàng’: Đất đẹp ‘độc nhất vô nhị’ bỏ hoang giữa thủ đô

Hoang phí ‘đất vàng’: Đất đẹp ‘độc nhất vô nhị’ bỏ hoang giữa thủ đô

Ngay vùng lõi TP.Hà Nội vẫn có các lô đất rộng hàng ngàn mét vuông, vị trí đắc địa, được ví quý như ‘kim cương’ bởi tiềm năng sinh lợi rất lớn nhưng lại bị bỏ hoang nhiều năm, vô cùng lãng phí.

 

 

Bỏ hoang nhiều năm gần 8.000 m2 đất 3 mặt phố

Ngót ngét 10 năm qua, phần lớn ô “đất vàng” có diện tích rộng gần 8.000 m2 ở số 94 Lò Đúc (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị bỏ hoang khiến nhiều người xót xa. Theo giới bất động sản (BĐS), vùng lõi trung tâm Hà Nội hiện nay rất hiếm còn ô đất diện tích lớn, 3 mặt tiền giáp các phố sầm uất bậc nhất: Lò Đúc, Nguyễn Công Trứ và Hòa Mã. Giữa thủ đô, ô đất nằm ở vị trí được ví “quý hơn kim cương”, đầy tiềm năng thương mại, “hái ra tiền” như vậy mà lại chỉ quây hàng rào tôn, bên trong để cây dại mọc um tùm.

Hoang phí 'đất vàng': Đất đẹp 'độc nhất vô nhị' bỏ hoang giữa thủ đô - ảnh 1
Ô đất gần 4.000 m2 bị bỏ hoang của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, có 2 mặt tiền đường Nghi Tàm và Yên Phụ (địa chỉ ở 161 Yên Phụ, sát hồ Tây)  LÊ QUÂN

“Đất ở vị trí đắc địa giữa khu vực phố xá trung tâm như vậy mà để hoang cả chục năm qua không tận dụng làm gì. Chúng tôi ở xung quanh đây trông mà xót ruột thay. Không hiểu cơ chế chính sách nhà nước vận hành như thế nào mà lãng phí như thế. Nhà nước đang đẩy mạnh chống tham nhũng nhưng mặt khác cũng cần xem lại trách nhiệm của cán bộ, tổ chức để lãng phí đất đai như thế này vì bản chất nhà nước đều bị thiệt hại, tiềm năng đất đai bị bỏ hoang”, ông Nguyễn Hoàng Hải, 62 tuổi, cán bộ hưu trí sống ở phố Nguyễn Công Trứ, bức xúc.

Nhiều người dân ở đây cũng cho biết do quây tôn, để hoang hóa không người coi sóc nên vỉa hè xung quanh trở thành nơi phóng uế, vứt rác bừa bãi, rất mất vệ sinh dù các cơ quan, đoàn thể khu phố đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng chưa vãn hồi được.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ô đất 94 Lò Đúc vốn là Nhà máy rượu Hà Nội do Công ty CP cồn rượu Hà Nội quản lý. Theo chủ trương di dời nhà máy ra khỏi nội đô, từ năm 2013, UBND TP.Hà Nội đã giải phóng mặt bằng (GPMB), chủ trương xây dựng trường học tại ô đất này. Sau khi thu hồi, ô đất được giao cho Công ty TNHH đầu tư kinh doanh và phát triển đô thị Thiên Bình (Công ty Thiên Bình) nghiên cứu lập dự án (DA). Tuy nhiên, năm 2014, Công ty Thiên Bình đã ký hợp đồng thế chấp với một ngân hàng về quyền tài sản phát sinh là toàn bộ DA tổ hợp công trình văn phòng, khách sạn, trường học, trung tâm thương mại – công trình cao tầng tại 94 Lò Đúc.

Đáng chú ý, Công ty Thiên Bình được thành lập năm 2013, đặt trụ sở tại số 94 Lò Đúc; người đại diện pháp luật là ông Đỗ Anh Dũng (góp 99% vốn), thời điểm này ông Dũng cũng là Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Tân Hoàng Minh và hiện đã bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam.

Thời điểm tháng 8.2017, nhiều thông tin Tập đoàn Tân Hoàng Minh sẽ xây dựng 2 tòa cao ốc cao 33 – 35 tầng, dự kiến bàn giao nhà vào năm 2019. Nhiều môi giới BĐS đã chào bán căn hộ chung cư tại 94 Lò Đúc. Đến năm 2018, Công ty Thiên Bình tiếp tục thế chấp quyền tài sản phát sinh từ DA 94 Lò Đúc tại ngân hàng để vay gần 240 tỉ đồng.

 

Hoang phí “đất vàng” ven hồ Tây

Cũng liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Thanh Niên còn phát hiện một khu đất có vị trí đắc địa khác bị bỏ hoang nhiều năm là ô đất rộng gần 4.000 m2, 2 mặt tiền ở đường Nghi Tàm và 161 Yên Phụ (Q.Tây Hồ, Hà Nội). Lô đất này được đánh giá nằm ở vị trí “kim cương” tại Q.Tây Hồ khi nằm cạnh hồ Tây, cách không xa vùng lõi Hà Nội và gần các khách sạn nổi tiếng như Intercontinental Hanoi Westlake, Sheraton… Các chuyên gia BĐS đánh giá đây là mảnh đất đẹp “độc nhất vô nhị” từ tầm nhìn thoáng, vị trí 2 mặt tiền phố lớn đông đúc, đầy tiềm năng dịch vụ thương mại, du lịch.

Theo UBND Q.Tây Hồ, trong danh mục các DA có kế hoạch sử dụng đất của quận, khu vực gần 4.000 m2 này được sử dụng vào DA xây dựng khu cây xanh kết hợp sân thể thao và công trình dịch vụ công cộng có tính chất kinh doanh. Trước đó, tháng 7.2007, UBND TP.Hà Nội có quyết định sử dụng 3.931 m2 đất thực hiện DA, sau lần điều chỉnh vào năm 2013 thì 1.530 m2 nằm ngoài chỉ giới đường đỏ được dùng để trồng cây xanh, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công trình dịch vụ công cộng có tính chất kinh doanh. Khu đất có thời hạn sử dụng 50 năm, có thu phí và không được xây nhà ở để bán hay cho thuê. UBND Q.Tây Hồ và TP.Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch thực hiện công tác GPMB từ năm 2019. Tuy nhiên, theo ghi nhận đến nay, khu đất vẫn chưa được triển khai và vẫn đang bị bỏ hoang.

Đại diện Sở TN-MT Hà Nội cho biết mới đây, UBND TP.Hà Nội đã yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn TP. Theo đó, Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát các DA có sử dụng đất, không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng. Hiện, quá trình rà soát đang được thực hiện tích cực để sớm có kết quả. Phương án xử lý các DA chưa đưa đất vào sử dụng kể trên sẽ phụ thuộc vào kết quả rà soát. Về trách nhiệm để hoang phí đất không đưa vào sử dụng của từng cơ quan, ban ngành, chủ đầu tư các khu đất, DA… theo vị đại diện Sở TN-MT, qua rà soát sẽ báo cáo TP.Hà Nội.

 

“Bên cạnh việc thu hồi cần có chế tài mạnh hơn”

KTS Phạm Thanh Tùng, chuyên gia kiến trúc đô thị, cho rằng nhiều dự án BĐS bỏ hoang hiện nay là hệ quả của việc thiếu chính sách cũng như trình tự cụ thể về lựa chọn chủ đầu tư, dẫn đến tình trạng chủ đầu tư không đủ tiềm lực, ôm đất DA rồi bỏ hoang, gây lãng phí. Đồng thời, vai trò giám sát của cơ quan chức năng bị buông lỏng, thiếu cương quyết thu hồi khi chậm triển khai đưa đất vào sử dụng.

Một nguyên nhân khác là thiếu cơ chế, chính sách cụ thể để đền bù những hạng mục mà chủ đầu tư, DN đầu tư. Để hạn chế những vi phạm về đất đai, cơ quan chức năng cần phải chỉ đạo thực hiện tốt công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra và tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương để theo dõi, báo cáo về tiến độ, vi phạm, hướng giải quyết của các DA có sử dụng đất. Đặc biệt, cần đôn đốc các nhà đầu tư thực hiện cam kết triển khai DA đúng tiến độ và có kế hoạch, lộ trình để khắc phục các vi phạm.

Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, “bên cạnh việc thu hồi cần có chế tài mạnh hơn để xử phạt các chủ đầu tư để hạn chế, triệt tiêu tình trạng ôm đất rồi bỏ hoang, gây lãng phí”. Có thể phạt 30% tiền sử dụng đất phải nộp đối với mỗi 1 năm chậm đưa đất vào sử dụng để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư thật, hoặc nếu không đủ năng lực thì cũng “nhả ra” cho nhà đầu tư khác vào.

Đồng thời, ngay từ khâu quy hoạch, kế hoạch, lựa chọn nhà đầu tư… đã phải đánh giá năng lực kỹ lưỡng và gắn trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương, lãnh đạo, cán bộ vào tiến độ thực hiện DA, nếu chậm thì có chế tài xử lý.

Lãnh đạo Sở QH-KT Hà Nội cũng cho biết tại các ô đất kể trên, trong phạm vi quản lý của Sở này đến nay không có vướng mắc gì. Riêng với ô đất 94 Lò Đúc là quỹ đất từ nguồn di dời nhà máy công nghiệp ra khỏi nội đô, có quy hoạch đất ở nên quá trình đầu tư triển khai DA phải áp dụng theo khung khác ô đất 161 Yên Phụ không có quy hoạch đất ở. Tuy nhiên, đất để hoang nhiều năm do rất nhiều yếu tố, trong đó có nguyên nhân chính là vướng mắc giữa các luật Đất đai, luật Đầu tư, luật Quy hoạch, luật Kinh doanh BĐS… Có nhiều DA sử dụng đất trên địa bàn TP.Hà Nội đang phải dừng lại chờ sửa đổi, bổ sung xong luật Đất đai mới có thể xem xét thúc đẩy đầu tư xây dựng.

 

LÊ QUÂN

TNO