22/12/2024

Hàng ngàn sinh viên không học dù trúng tuyển

Hàng ngàn sinh viên không học dù trúng tuyển

Năm học 2022 – 2023 đã qua gần một học kỳ nhưng ghi nhận từ nhiều trường ĐH cho thấy không ít sinh viên không tham gia đăng ký học phần. Hàng ngàn sinh viên khác dự kiến rơi vào tình trạng bị cảnh báo học vụ hoặc buộc thôi học.

 

 

 

Đáng chú ý là nhiều trường hợp sinh viên (SV) của khóa 2021 mới trải qua 1 – 2 học kỳ đầu tiên sau khi trúng tuyển ĐH. Tình trạng này có nguyên nhân từ đâu?

Hàng ngàn sinh viên không học dù trúng tuyển - ảnh 1

 

Không trúng tuyển nguyện vọng yêu thích được cho là nguyên nhân chính dẫn đến việc tự ý bỏ học của nhiều sinh viên  ĐÀO NGỌC THẠCH

Tự ý bỏ học, không đăng ký học phần

Vào đầu năm học mới, các trường ĐH tổ chức cho SV đăng ký học phần để tổ chức hoạt động giảng dạy. Từ số liệu thống kê SV đăng ký, các trường lọc ra được danh sách người học không tham gia hoạt động học tập nào.

Mới đây nhất, Phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đã thông báo công khai danh sách các SV không tham gia học tập học kỳ 1 năm học 2022 – 2023. Theo đó, căn cứ kết quả dữ liệu đăng ký học phần, trường đã kiểm tra, rà soát có đến 170 SV không đăng ký. Danh sách được công bố cho thấy số SV này hiện đang học năm thứ 2, 3 và 4 tại trường (tức các khóa 2021, 2020 và 2019). Trong thông báo trường nêu rõ: “Người học trong danh sách nói trên bắt buộc phải phản hồi về cho nhà trường về lý do không tham gia học tập để được xem xét từng trường hợp cụ thể. Sau ngày 7.11, người học không cung cấp lý do chính đáng hoặc không phản hồi sẽ bị xem xét xử lý thôi học theo quy chế hiện hành”. Tuy nhiên, dù triển khai hơn một tháng nhưng số SV phản hồi không nhiều.

Không trúng tuyển đúng nguyện vọng yêu thích cộng với những áp lực của việc học ĐH mà bản thân không thích nghi kịp thời nên dễ bỏ cuộc.

Tiến sĩ PHẠM TẤN HẠ (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM)

Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế) cũng có thông báo với nội dung tương tự. Theo đó, có 89 SV nghỉ học không có lý do sau khi trường thực hiện thống kê tại thời điểm học kỳ 1 năm học 2022 – 2023.

Cũng trong năm nay, Trường ĐH Cần Thơ có thông báo rà soát thông tin SV hết thời gian tạm nghỉ. Phòng Công tác SV trường này đã đối chiếu các thông tin liên quan đến các trường hợp được trường cho phép tạm dừng học. Tuy nhiên, sau thời điểm tháng 4.2022, 144 SV đã hết thời gian tạm dừng học hoặc đã vượt quá thời gian tạm dừng nhưng vẫn chưa trở lại trường tiếp tục việc học. Theo danh sách này, hầu hết SV đều đã nghỉ học trước đó từ 2 – 4 học kỳ. Năm 2021, trường cũng có 166 SV trong tình trạng tương tự.

 

Cảnh báo học vụ, buộc thôi học hàng ngàn SV

Tình trạng SV dự kiến bị cảnh báo học vụ hoặc buộc thôi học xuất hiện ở tất cả các trường ĐH, trong đó có những trường danh sách dài hàng ngàn người.

Tháng 9 vừa qua, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã công bố danh sách rất dài các trường hợp SV dự kiến bị buộc thôi học và cảnh báo học vụ tại học kỳ 1 năm học 2022 – 2023. Đáng chú ý trong số này là những SV khóa 2021 chỉ mới trúng tuyển vào trường sau 1 – 2 học kỳ nhưng đã bị cảnh báo kết quả học tập. Cụ thể, có đến 487 SV khóa 2021 dự kiến bị cảnh báo kết quả học tập học kỳ 2 năm học 2021 – 2022. Bên cạnh đó, hơn 450 SV khóa 2020 trở về trước của trường này cũng dự kiến bị cảnh báo kết quả học tập tính đến học kỳ 2 năm học 2021 – 2022. Tất cả SV có tên trong danh sách này đều bị nợ tín chỉ, trong đó đa số trên dưới 20 tín chỉ và có điểm trung bình ở mức rất thấp. Ở thời điểm học kỳ 1 năm học 2019 – 2020, trường ĐH này cũng có hơn 800 SV bị cảnh báo kết quả học tập, trong đó hàng loạt SV có điểm trung bình chung ở mức 0.

 

Sinh viên nói gì ?

Theo phản hồi từ chính những người trong cuộc về việc không đăng ký học tập, bỏ học dẫn đến kết quả yếu kém cho thấy có nhiều nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn, N.Đ.N là SV trúng tuyển năm 2021 tại một trường ĐH ở TP.HCM, trình bày: “Hiện tại em và gia đình không có đủ kinh phí để đóng học phí. Bên cạnh đó, hiện em cũng đang khá áp lực về việc học nên em đã không đăng ký học phần”. Trường hợp khác, SV tên P.N.T cho biết: “Trong thời gian học kỳ 1 năm học 2022 – 2023, gia đình em gặp một số khó khăn về tài chính cũng như một số vấn đề liên quan khác nên em không thể tham gia học”. Tương tự, SV tên N.S.L.T thì cho biết thời gian qua không tham gia học tập vì một số lý do gia đình, những vấn đề khó khăn trong học tập…

Cuối tháng 9, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM thông báo kết quả xét học vụ dự kiến năm học 2021 – 2022. Trong đó, theo danh sách được lập ngày 26.9, trường có 1.460 SV bậc ĐH dự kiến bị cảnh báo học vụ lần 1 trong đợt xét năm học 2021 – 2022. Đáng nói, trong danh sách này có gần 1.000 trường hợp là SV năm thứ nhất. Trong số hơn 700 SV dự kiến bị cảnh báo học vụ lần 2 cũng hầu hết đang học năm nhất của năm học 2021 – 2022. Ngoài ra, trường còn công bố danh sách hơn 1.000 trường hợp khác dự kiến bị cảnh báo học vụ thôi học. Ngoài ra, danh sách SV dự kiến bị buộc thôi học vì hết thời gian đào tạo bậc ĐH cũng lên tới 744 trường hợp.

Học viện Ngân hàng cũng thông báo kết quả xử lý học vụ học kỳ 2 năm học 2021 – 2022 vào đầu tháng 10 năm nay. Kết quả từ cuộc họp hội đồng xử lý học vụ trường này cho thấy, riêng danh sách SV bị buộc thôi học đợt này là 346 người. Bên cạnh đó, số SV được kéo dài thời gian đào tạo đến hết học kỳ 1 năm học 2022 – 2023 là 57 trường hợp. Với những SV được kéo dài thời gian đào tạo, hết học kỳ này mà không đủ điều kiện tốt nghiệp sẽ bị buộc thôi học theo quy chế. Đặc biệt, trường này còn có gần 1.000 SV bị cảnh báo học vụ do kết quả học tập kém.

Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cũng ban hành quyết định buộc thôi học và cảnh báo học vụ với 300 SV từ học kỳ 2 năm học 2020 – 2021, trong đó buộc thôi học và bị xóa tên khỏi danh sách SV gần 200 trường hợp.

 

Đi tìm nguyên nhân

Ngay trong quyết định và thông báo của các trường ĐH khi công khai danh sách này cũng chỉ ra các nguyên nhân trực tiếp.

Thông tin trên website Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, SV khóa 2021 bị cảnh báo kết quả học tập do rất nhiều nguyên nhân. Không chỉ nợ tín chỉ, hàng loạt SV bị cảnh báo do có điểm trung bình học kỳ dưới 1, SV đã từng bị cảnh báo học vụ, số tín chỉ đã học không đạt theo quy định…

Tương tự, Học viện Ngân hàng cũng nêu ra tình trạng cụ thể của từng SV bị buộc thôi học: vượt quá thời gian đào tạo 6 năm, bị cảnh báo học vụ 3 lần liên tiếp, bị cảnh báo học vụ 4 lần… Theo hướng dẫn của học viện này, các SV bị buộc thôi học có nguyện vọng chuyển xuống hệ vừa làm vừa học hoặc CĐ cần làm đơn nộp về Phòng đào tạo để được xem xét. Tuy nhiên, quyết định chính thức của trường này chỉ có 9 trường hợp bảo lưu kết quả học tập để chuyển đổi.

Theo quan sát, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng đa số SV trúng tuyển vào trường nhưng không thích nên đã tạm dừng việc học. Nguyên nhân chính của việc bỏ học dẫn đến kết quả học tập yếu kém hầu hết xuất phát từ việc chưa trúng tuyển đúng ngành học yêu thích.

“Các trường hợp này thường rơi vào tình huống trúng tuyển ở các nguyện vọng sau. Đặc biệt là các trường hợp lựa chọn xét tuyển vào các ngành thuộc các lĩnh vực quá khác nhau. Do vậy, việc không trúng tuyển đúng nguyện vọng yêu thích cộng với những áp lực của việc học ĐH mà bản thân không thích nghi kịp thời nên dễ bỏ cuộc. Đó là lý do mà nhiều SV nhập học nhưng sau 1 – 2 học kỳ đổi hướng thi lại”, tiến sĩ Hạ phân tích. (còn tiếp)

 

HÀ ÁNH

TNO