22/01/2025

Gấp rút giải quyết bài toán xăng dầu

Gấp rút giải quyết bài toán xăng dầu

Nếu trước đây tình trạng khan hiếm xăng dầu chủ yếu diễn ra tại TP.HCM và các tỉnh, thành phía nam thì mấy ngày nay đã lan ra Hà Nội.

 

 

TP.HCM bán đối phó, Hà Nội nở rộ “cây xăng cục gạch”

Hai ngày cuối tuần, nhiều người dân thủ đô buộc phải tìm đến “cây xăng cục gạch” để mua với giá đắt hơn 10.000 đồng/lít vì không thể xếp hàng quá lâu ở các cây xăng. Tại TP.HCM, tình trạng hết hàng, bán theo định mức đã giảm sau khi Bộ Công thương yêu cầu xử lý nghiêm.

Gấp rút giải quyết bài toán xăng dầu - ảnh 1
Các nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (ảnh) và Bình Sơn được yêu cầu duy trì vận hành tối đa công suất để bảo đảm nguồn cung  ÁI CHÂU

Tại TP.HCM, tối 5.11, các cửa hàng xăng dầu của Hiệp Quế, Comeco trên đường Thành Thái, Ba Tháng 2 (Q.10), Lạc Long Quân, Âu Cơ (Q.Tân Bình)… nghỉ sớm hơn so ngày thường, đến 19 giờ đã kéo rào ngưng bán. Tuy nhiên, sang ngày 6.11, tình hình mua bán đã bình thường trở lại. Tại một số cây xăng khu vực quận 5, 10, 11, Tân Phú, Tân Bình… gần như hoạt động bình thường. Lượng khách đến đổ xăng giảm, đặc biệt, các cây xăng bán giới hạn 30.000 đồng/xe gắn máy, 200.000 đồng/ô tô đã giảm hẳn.

Những động thái tích cực này có được sau khi Bộ Công thương yêu cầu xử lý nghiêm những cửa hàng tạm ngưng hoạt động. Dù vậy, trên địa bàn TP vẫn còn không ít cây xăng bán cầm chừng. Lúc 9 giờ sáng, cửa hàng xăng của Petrolimex trên đường Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình) giăng dây cho khách vào mua theo thứ tự. Đến trưa cùng ngày, một số cửa hàng vẫn còn tình trạng hết hàng, tạm ngưng phục vụ. Nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là động thái đối phó của các cây xăng vì sợ bị kiểm tra, xử lý.

Trong khi đó, nhiều cửa hàng xăng tại Hà Nội tiếp tục treo bảng “hết xăng, còn dầu” ngay trong khu vực nội thành. Một số cây xăng có hàng đầy đủ thì người dân phải khá vất vả xếp hàng chờ mua. Trưa 6.11, ghi nhận tại cửa hàng xăng dầu số 862 Phùng Khoang (Q.Thanh Xuân) lấy hàng trực tiếp từ PVOil, nhân viên ở đây đã đặt biển “hết xăng, còn dầu”. Theo giải thích của một nhân viên bán hàng, toàn bộ khối lượng xăng nhập về đã “bán cạn bể và đang được chờ cấp hàng” từ đơn vị phân phối. Khi chúng tôi hỏi khi nào cây xăng tiếp tục hoạt động trở lại, nhân viên này cũng chỉ biết cười trừ.

Tại Trạm xăng dầu số 1, Tổng công ty xăng dầu Quân đội (259 Giải Phóng, Q.Hai Bà Trưng), chỉ mở cột bơm cho ô tô và 2 cột bơm cho xe máy. Không khí căng thẳng nhất nằm ở khu vực cột bơm cho xe máy. Càng gần đến giờ trưa cao điểm, lượng người mua xăng tại đây càng đông, xếp hàng dài dằng dặc trước các trụ bơm. “Tôi phải xếp hàng gần 30 phút, dắt xe máy nhích từng bước một, mãi mới đến trụ xăng, quá mệt mỏi”, ông Nguyễn Văn Thể, hành nghề xe ôm ở cổng Bệnh viện Bạch Mai, lắc đầu ngao ngán.

Cần trao quyền tự chủ xác định giá cho hiệp hội điều phối trên cơ sở thống nhất của các công ty đầu mối và nhà bán lẻ, cắt giảm bớt khâu trung gian. Nếu các vấn đề về xăng dầu không được giải quyết ngay và thấu đáo, nguồn cung tiếp tục bất ổn, sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô trong năm nay.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách

Theo khảo sát của Thanh Niên, trái ngược với cảnh người dân vất vả xếp hàng mua xăng ở các điểm bán lẻ chính ngạch, “thị trường” mua bán xăng lẻ theo can trên các tuyến đường, phố xung quanh các cây xăng này lại diễn ra sôi động. Trong vai một người ngại xếp hàng mua xăng, chúng tôi tìm đến các điểm bán lẻ xăng dọc theo phố Đào Duy Anh, Đào Ngọc Thạch (Q.Đống Đa). Giá xăng ở đây được bán phổ biến từ 60.000 – 65.000 đồng/can 2 lít.

Tại các điểm bán lẻ này, xăng được “ém” bên trong cửa hàng sửa chữa xe máy, quán trà đá, thậm chí được bán thông qua người hành nghề xe ôm… để tránh lực lượng quản lý thị trường, công an kiểm tra. Một dấu hiệu chung để nhận biết các điểm bán xăng lẻ này là đặt can nhựa, chai nhựa trên vỉa hè hoặc treo trên cây. Việc mua bán xăng lẻ ở đây diễn ra rất nhanh gọn, chỉ cần người mua chốt giá và trả tiền, mở nắp bình xăng xe là lập tức có người xách xăng ra đổ vào. Trực tiếp trải nghiệm cách mua bán xăng này, chúng tôi chỉ mất khoảng 30 giây là mua được 1 can xăng 2 lít giá 60.000 đồng, đắt hơn tại cây xăng từ 8.000 – 10.000 đồng/lít.

Sáng 6.11, trên các diễn đàn kinh doanh xăng dầu, nhiều doanh nghiệp bán lẻ, người tiêu dùng bày tỏ thái độ “thất vọng” với đề nghị “lấy ý kiến người dân để điều chỉnh giá theo ngày”. Ông Phan Xuân Kiên, chủ cây xăng tại TP.HCM, nói thẳng: “Người dân biết gì về chuyện giá cả mà đi hỏi họ đồng thuận cho việc điều hành giá xăng dầu theo ngày? Ngay cả chủ cửa hàng xăng dầu như chúng tôi đây là dân kinh doanh, nếu được hỏi cũng không biết đường mà trả lời bởi lo buôn bán, làm sao theo dõi và đủ khả năng theo dõi, đánh giá được tình hình xăng dầu thế giới. Nhà nước quản lý theo cơ chế thị trường thì đó là việc giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp đầu mối, chứ sao lại lấy ý kiến người dân?”.

Trên phố Xã Đàn (Q.Đống Đa) cũng có một vài điểm bán lẻ xăng dầu theo can. Theo chị L., một người bán lẻ xăng ở đây, khoảng 2 tuần nay khách tìm đến mua xăng lẻ tăng vọt. Trước đây mua xăng từ can, chai nhựa kiểu này chủ yếu là khách lỡ hết sạch xăng mà còn xa mới đến cây xăng, nay thì không chỉ xe máy mà nhiều ô tô cũng dừng lại mua xăng lẻ.

“Khách đi ô tô mua liền một lúc từ 3 – 5 can luôn. Cứ mỗi lít xăng bán ra lãi gần 10.000 đồng”, chị L. nói. Cũng theo chị L., toàn bộ xăng bán lẻ được mua ở cây xăng trên phố Nam Đồng. Trước đây, mỗi ngày chị chỉ mua khoảng 10 lít bán lẻ từ sáng đến đêm mới hết hàng, còn nay lượng xăng bán lẻ tăng vài lần so với trước nên chị L. và người nhà chia nhau tỏa đi xếp hàng mua xăng ở các cây xăng trên phố Nam Đồng, Nguyễn Đình Chiểu hoặc đường Giải Phóng. “Mấy ngày gần đây chúng tôi cũng bị lực lượng quản lý thị trường đến kiểm tra, nhắc nhở và dọa xử phạt. Tuy nhiên họ chỉ đi kiểm tra trong giờ hành chính, sau giờ đó hoặc thứ bảy, chủ nhật thì lại bán vô tư”, chị L. cho biết.

Gấp rút giải quyết bài toán xăng dầu - ảnh 2
Trạm xăng dầu số 1, Tổng công ty xăng dầu Quân đội trên đường Giải Phóng (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), đông nghẹt người xếp hàng mua xăng vào trưa 6.11 PHAN HẬU

Chưa thể điều chỉnh giá mỗi ngày

Một trong những giải pháp mà Bộ Công thương đưa ra để giải quyết tình trạng xăng dầu hiện nay là giảm thời gian điều chỉnh giá bán. Cụ thể, trả lời ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) mới đây về quy định 10 ngày điều chỉnh 1 lần khiến giá bán lẻ trong nước chậm hơn giá thế giới đến 20 ngày, “lạc hậu và không phù hợp”, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận quy định pháp luật có độ trễ so với thực tiễn.

“Nếu 10 ngày điều chỉnh giá không phù hợp, có thể rút xuống 5 ngày. Thậm chí có thể lấy ý kiến rộng rãi người dân và các đối tượng tác động mà thấy rằng điều chỉnh theo ngày là ý kiến đa số thì chúng tôi sẽ nghiên cứu để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền”, ông Diên nói.

Tuy nhiên, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng việc hỏi ý người dân về điều chỉnh giá xăng dầu theo ngày là không cần thiết và mang ý nghĩa “dân túy”. Trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới biến động quá lớn, việc kéo dài 10 ngày mới điều chỉnh giá như hiện nay vẫn có sự “lệch pha” giữa giá trong nước và giá thế giới. Vì vậy, nên giảm số ngày điều chỉnh giá cơ sở xuống, từ 10 xuống 5 – 7 ngày, tiến đến 3 ngày là tốt nhất, nhưng ông Long cũng nhấn mạnh “đó là chuyện của tương lai”. Theo quy luật cạnh tranh, khi thị trường có doanh nghiệp (DN) giữ vị trí thống lĩnh buộc nhà nước phải định giá. Tại VN, riêng Petrolimex, PV Oil và Sài Gòn Petro đã chiếm hơn 70% thị phần, trong đó Petrolimex nắm 47 – 48% thị phần, nghĩa là đã có sự thống lĩnh.

“Nếu DN thống lĩnh về bán, nhà nước phải quy định giá trần; thống lĩnh về mua, nhà nước quy định giá sàn. Nhưng nhà nước cũng không thể thay đổi giá từng ngày, chỉ khi thị trường có sự cạnh tranh thực sự và giá do thị trường quyết định mới có giá diễn biến từng ngày, từng giờ. Lúc đó, quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng không cần thiết duy trì nữa”, ông Long nhấn mạnh.

Gấp rút giải quyết bài toán xăng dầu - ảnh 3
Không thể kiên nhẫn xếp hàng ở cây xăng, nhiều người chấp nhận mua xăng giá cao ở các điểm bán theo can trên các vỉa hè, tuyến phố

Rà soát chi phí, trao quyền tự chủ cho bên bán – mua

Về giải pháp cho thị trường xăng dầu trong thời gian tới, ông Ngô Trí Long cho rằng giải pháp gấp rút là đánh giá, tính toán để có con số cụ thể về chi phí đưa xăng dầu về VN, tính vào giá cơ sở, để DN đầu mối có động lực đưa hàng về phục vụ thị trường. Thứ hai, rà soát gấp để giảm bớt khâu trung gian đang góp phần đẩy giá xăng dầu lên, khiến nhà bán lẻ cuối cùng bị thiệt thòi vì chiết khấu đến cây xăng chỉ còn 0 đồng. Mấu chốt của vấn đề là chi phí tính vào giá cơ sở.

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách: “Để giải quyết bài toán trước mắt, cần phản ánh ngay định mức chi phí, chi phí phát sinh thực tế vào công thức tính giá cơ sở xăng dầu càng sớm càng tốt, giúp nhà kinh doanh vượt qua khó khăn. Đặc biệt, nhà bán lẻ, khâu quan trọng cuối cùng trong chuỗi phân phối, phải bảo đảm có lợi nhuận tối thiểu và đủ “khỏe” để tồn tại. Mở quy định cho họ có thể mua hàng từ nhiều nhà cung cấp, không lệ thuộc vào một thương nhân hay tổng đại lý phân phối”.

Trong tương lai, theo TS Nguyễn Quốc Việt, hãy để các DN được quyền tự chủ, tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh. Như vậy họ mới chịu trách nhiệm với hoạt động kinh doanh của mình, quý từng giọt xăng họ mang về bán cũng như tìm cách để giữ khách hàng đang mua xăng của mình. Nghĩa là nhà nước không nên và không thể làm thay, tính thay nhà kinh doanh được. Bởi dù bộ máy nhà nước có lớn đến mấy, phương án tính toán siêu đẳng đến mấy… cũng sẽ lạc hậu với diễn biến của thị trường. Đó là chưa kể với bộ máy mang tính chất quản lý công về lý thuyết không thể có độ nhạy bằng thị trường với sự điều hòa của cung – cầu, giá cả. Như vậy, giá cơ sở xăng dầu có thể nên để Hiệp hội Xăng dầu VN phối hợp với các bên liên quan tự kê khai và chịu trách nhiệm.

“Cần trao quyền tự chủ xác định giá cho hiệp hội điều phối trên cơ sở thống nhất của các công ty đầu mối và nhà bán lẻ, cắt giảm bớt khâu trung gian. Nếu các vấn đề về xăng dầu không được giải quyết ngay và thấu đáo, nguồn cung tiếp tục bất ổn, sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô trong năm nay”, ông Việt nói.

 

PHAN HẬU – NGUYÊN NGA

TNO