22/01/2025

Khi Pháp – Đức ‘cơm không lành, canh không ngọt’

Khi Pháp – Đức ‘cơm không lành, canh không ngọt’

Giữa bối cảnh EU chịu nhiều thách thức, thì hai thành viên đóng vai trò dẫn dắt của khối là Pháp và Đức lại đang có nhiều hục hặc, bất đồng với nhau.

 

 

Từ bất đồng quan điểm về năng lượng

Trong đó, Paris và Berlin đang bất đồng nghiêm trọng xoay quanh chính sách đối với giá năng lượng. Theo tờ The Wall Street Journal, Pháp cùng nhiều thành viên của EU muốn áp giá trần cho khí đốt tự nhiên để giúp người dân và doanh nghiệp không phải tốn nhiều chi phí cho năng lượng. Động thái này còn nhằm giới hạn giá xuất khẩu năng lượng từ Nga để hạn chế nguồn thu của Moscow.

Trong khi đó, Đức cùng một số thành viên khác của EU lại lập luận rằng việc áp giá trần kiểu “đổ đồng” như vậy bóp méo thị trường, có thể khiến việc sử dụng khí đốt tự nhiên một cách bừa bãi hơn. Không những vậy, cuối tháng 9, Đức bất ngờ thông báo gói hỗ trợ trị giá 200 tỉ euro (khoảng 200 tỉ USD) để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nước này đối phó tình hình giá năng lượng tăng cao.

Khi Pháp - Đức 'cơm không lành, canh không ngọt' - ảnh 1
Tổng thống Macron đón Thủ tướng Scholz đến Điện Elysee ở Paris ngày 26.10  REUTERS

Tuy nhiên, gói hỗ trợ của Đức đã gây nên sự chỉ trích dữ dội từ Pháp, nhất là khi Paris bức xúc về việc không được Berlin thông báo trước. Đặc biệt, Paris còn chỉ trích động thái của Berlin còn gây nên sự bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa doanh nghiệp của các nước trong cùng khối EU. Thậm chí, phát biểu trước báo giới hồi tháng 10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron còn chỉ trích: “Tôi không nghĩ sẽ tốt cho Đức hoặc cho châu Âu nếu nước này tự cô lập”. Đáp trả lại, Thủ tướng Đức Olaf Scholz lý giải Đức có thể hỗ trợ như vậy cho người dân và doanh nghiệp vì nước này đã tuân thủ các kỷ luật tài chính giúp đảm bảo nguồn lực. Nội dung đáp trả của Berlin đang khoét sâu “nỗi đau” của Paris khi Pháp đang có nợ công lên đến 115% GDP.

Berlin cũng đã thất vọng khi Paris phản đối đề xuất của Đức và Tây Ban Nha về việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt mới qua dãy núi Pyrénées để thay thế nguồn cung cấp của Nga. Berlin cho rằng Paris phản đối vì để mở rộng năng lượng hạt nhân. Ngược lại, Paris lý giải một dự án như vậy quá tốn kém và không hiệu quả.

 

Đến sự thực dụng của người Đức

Bất đồng Pháp – Đức còn trải dài trên nhiều lĩnh vực khác, trong đó còn có chính sách quân sự. Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, Đức đã đưa ra quyết định lịch sử là tái trang bị quân đội. Trong đó, Đức thông qua việc mua máy bay chiến đấu F-35 do Mỹ sản xuất và phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực mới. Đây là một cản lực lớn cho nỗ lực của Pháp trong việc hai bên cùng hợp tác phát triển chiến đấu cơ và xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới.

Bên cạnh đó, trong suốt nhiều năm qua, Pháp vẫn giữ quan điểm hạn chế dần ảnh hưởng của Mỹ ở cựu lục địa và thúc đẩy sự tự cường của châu Âu, đặc biệt về quân sự và quốc phòng, nên việc Đức chọn lựa mua F-35 đã đi ngược định hướng của Pháp. Không những vậy, Đức mới đây còn quyết định triển khai hệ thống phòng không châu Âu với 14 quốc gia, bao gồm cả Anh vốn đã rời khỏi EU nhưng lại không có Pháp.

Về chính sách đối ngoại, hai bên còn bất đồng trong quan hệ với Trung Quốc. Thủ tướng Scholz vừa trở thành lãnh đạo đầu tiên của phương Tây công du Trung Quốc kể từ sau Đại hội toàn quốc lần thứ XX của đảng Cộng sản Trung Quốc. Qua chuyến thăm, Berlin đã thể hiện rõ thái độ “giữ cầu” trong quan hệ kinh tế với Bắc Kinh. Trong khi đó, trước khi ông Scholz đến Trung Quốc, Paris đã chỉ trích mạnh mẽ việc Berlin cho phép Cosco – Tập đoàn vận tải biển hàng đầu Trung Quốc – đầu tư vào cảng lớn nhất của Đức nằm ở TP.Hamburg. Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp hồi cuối tháng 10 với Thủ tướng Scholz, Tổng thống Pháp Macron đã tuyên bố: “Chúng tôi đã phạm sai lầm chiến lược trong quá khứ với việc bán cơ sở hạ tầng cho Trung Quốc”. Cuộc gặp của lãnh đạo Pháp – Đức hồi cuối tháng trước đã kết thúc mà không có dấu hiệu giải quyết được bất đồng giữa hai bên.

Thực tế, Tổng thống Macron có xu thế muốn hợp lực với các thành viên khác trong EU, đặc biệt là Đức, để tạo nên sức mạnh cộng hưởng trước Trung Quốc. Hồi năm 2019, ông Macron đã mời Thủ tướng Đức và Chủ tịch Ủy ban EU khi đó là bà Angela Merkel và ông Jean-Claude Juncker cùng hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông Tập công du Pháp. Vừa qua, Tổng thống Macron được cho là đã kỳ vọng có thể cùng Thủ tướng Scholz đến Bắc Kinh nhằm gia tăng vị thế cho EU trước Trung Quốc, nhưng lãnh đạo Đức đã quyết định đi riêng đến Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, Pháp và Đức cũng sẽ sớm tìm cách đạt được tiếng nói chung ngay cả khi các bất đồng chưa thể được giải quyết trọn vẹn. Bởi nếu không, thì chẳng phải EU mà cả chính Paris lẫn Berlin đều thiệt thòi vì tự làm suy yếu khi không đạt được sức mạnh cộng hưởng.

 

HOÀNG ĐÌNH

TNO