25/01/2025

Làm gì để phát hiện sớm sốt xuất huyết, chăm sóc ăn uống sao cho đúng?

Làm gì để phát hiện sớm sốt xuất huyết, chăm sóc ăn uống sao cho đúng?

Bệnh sốt xuất huyết vẫn đang bùng phát tại nhiều địa phương, với số ca mắc và số tử vong tăng. Trong đó khu vực miền Nam luôn là điểm nóng của bệnh; các cơ sở y tế luôn quá tải…Làm gì để phát hiện và chăm sóc đúng cách cho bệnh nhân?

 

 

 

 

Làm gì để phát hiện sớm sốt xuất huyết, chăm sóc ăn uống sao cho đúng? - Ảnh 1.

Xét nghiệm máu là một trong những biện pháp chẩn đoán xác định đối với bệnh sốt xuất huyết – Ảnh: T. LŨY

* Thưa bác sĩ, gần đây tôi thấy nhiều người quen bị mắc sốt xuất huyết, rồi trong nhà cũng có người bị sốt nên cũng lo. Xin cho hỏi khi người bị sốt, cơ thể mệt mỏi thì làm sao phân biệt đó có phải bị bệnh sốt xuất huyết hay không? Làm cách nào phát hiện sớm bệnh và cách chăm sóc người mắc sốt xuất huyết sao cho đúng, giúp cho người bệnh mau hồi phục? (Nguyễn Thanh Lan, TP Cần Thơ)

 

Bác sĩ Võ Hồng Phượng (khoa sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ) trả lời:

Hiện tại đang mùa mưa là lúc bệnh sốt xuất huyết (SXH) bùng phát tại các tỉnh thành phía Nam. Số ca nhập viện liên tục tăng (bao gồm cả người lớn và trẻ em).

Tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, số trẻ nhập viện do SXH cũng luôn cao, tại khoa SXH thời điểm dịch đến nay luôn có trên 100 trẻ nhập viện điều trị/ngày. 

Bệnh nhân SXH thường có biểu hiện: sốt cao đột ngột liên tục từ 2 – 7 ngày; da xung huyết; đau đầu, đau cơ; chán ăn, buồn nôn; nôn ói, đau bụng; bên cạnh sốt là xuất hiện chấm xuất huyết dưới da; có tình trạng chảy máu cam, chảy máu chân răng, nôn ói ra máu…

Đặc điểm của bệnh SXH chủ yếu là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng… Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

Nguyên nhân tử vong chủ yếu hiện nay được các chuyên gia đánh giá gồm: phát hiện trễ, điều trị không đúng phác đồ, chuyển viện không an toàn và nhiễm trùng bệnh viện.

Nguyên nhân gây SXH Dengue là bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue gây nên. Vi rút Dengue có 4 tuýp huyết thanh từ 1-4. Vi rút được truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Như vậy vật trung gian truyền bệnh SXH là muỗi, tuy nhiên không phải tất cả muỗi mà chủ yếu là muỗi vằn Aedes aegypti.

Nhận dạng loại muỗi gây sốt xuất huyết: có vằn trắng trên thân và sinh sản ở bất cứ nơi nào có nước đọng, sạch; thời gian muỗi hoạt động chủ yếu vào ban ngày hoặc chập choạng từ chiều sang tối, muỗi cái là nguyên nhân chính truyền bệnh.

Do trung gian truyền bệnh là muỗi, nên biện pháp phòng bệnh chính là phòng muỗi đốt bằng nhiều cách.

Ngoài ra để hạn chế muỗi sinh sản, cần đậy kín các vật chứa nước như lu, thùng trữ nước, làm sạch xung quanh nhà không để nước mưa tồn đọng; đây là nơi giúp muỗi có điều kiện sinh sản, có lăng quăng (bọ gậy) và phát triển thành muỗi; đồng thời vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thoáng mát, diệt lăng quăng, muỗi thường xuyên…

Khi người bệnh bị sốt và xuất huyết trên da, chảy máu cam, chân răng… cần đưa ngay đến bệnh viện, cơ sở y tế để thăm khám sớm. Người bệnh cần được xét nghiệm máu, khẳng định bệnh SXH để được điều trị kịp thời.

Khi đã được khám và chẩn đoán SXH, một số trường hợp có thể được chỉ định điều trị ngoại trú, nhưng đa số nhập viện điều trị. Lúc này, gia đình cần chú ý dùng thuốc theo y lệnh của bác sĩ: thuốc hạ sốt paracetamol liều 10 – 15 mg/kg/lần, mỗi 4 – 6 giờ.

Đặc biệt không dùng aspirin, ibufrofen vì có thể gây chảy máu nặng thêm. Chú ý là cần tái khám mỗi ngày theo lịch hẹn của bác sĩ, nếu điều trị ngoại trú.

Trong quá trình chăm sóc, lưu ý cho người bệnh ăn thức ăn dễ tiêu hóa, mềm như: cháo, súp; thức ăn cần đầy đủ thành phần dinh dưỡng: đạm, vitamin và khoáng chất; để tăng sức đề kháng, cho người bệnh uống thêm nước trái cây như nước cam, chanh…

Đặc biệt lưu ý, người bệnh không được cạo gió, giác hơi, không nên tự ý đến cơ sở y tế gần nhà để chích thuốc, truyền dịch khi không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa…

Đối với người bệnh SXH, hạn chế vận động nhiều dễ bị chấn thương, không nhổ răng khi không cần thiết; không tự ý mua thuốc giảm đau, hạ sốt uống, cần tuân theo chỉ định kê toa của bác sĩ.

Trong quá trình ăn uống, khi nghi ngờ SXH, không ăn hoặc thức uống có màu nâu, đỏ, đen như huyết vịt, củ dền; hoặc uống nước có gas như xá xị, nước ngọt; nước trái cây sậm màu, nước dưa hấu… vì sẽ khó theo dõi khi người bệnh nôn ói ra máu. Hạn chế ăn dầu mỡ sẽ gây khó tiêu.

Trong quá trình chăm sóc, theo dõi người bệnh SXH, nếu điều trị ngoại trú, cần đưa người bệnh đến ngay bệnh viện gần nhất khi có biểu hiện: lừ đừ, li bì hoặc khó đánh thức, nôn ói nhiều, đau bụng nhiều, xuất huyết niêm mạc, tay chân lạnh…

 

T. LUỸ ghi