22/01/2025

TP.HCM có nên trồng lúa, làm nông?: Diện tích đất nông nghiệp lớn, nhưng tạo giá trị nhỏ

TP.HCM có nên trồng lúa, làm nông?:

Diện tích đất nông nghiệp lớn, nhưng tạo giá trị nhỏ

Quy hoạch đất nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM đang vướng vào một vòng luẩn quẩn: Định hướng chuyển đổi theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nhưng đất trồng lúa lại quá nhiều; Đất nông nghiệp chiếm diện tích lớn nhưng tạo ra giá trị rất nhỏ.

 

 

Mỗi năm “mất” 1.500 ha đất nông nghiệp

Ngày 3.11, Sở NN-PTNT TP.HCM tổ chức buổi đối thoại với các hợp tác xã, doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT TP, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của TP dịch chuyển theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học; giảm diện tích trồng lúa, trồng mía, làm muối hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị cao phù hợp với điều kiện của TP như: rau, hoa kiểng, heo, bò thịt, tôm, cá cảnh, chim yến…

Diện tích đất nông nghiệp lớn, nhưng tạo giá trị nhỏ - ảnh 1

 

Định hướng nông nghiệp đô thị chưa thể bứt phá vì vướng chính sách quản lý đất đai  Q.T

Năm 2021, giá trị sản xuất nông lâm thủy sản của TP.HCM là 18.674 tỉ đồng, trong đó ngành trồng trọt dù chiếm diện tích lớn nhất nhưng giá trị sản xuất chỉ khoảng 4.618 tỉ đồng, thấp hơn cả nguồn thu từ chăn nuôi và thủy sản.

Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã kiến nghị về quy định hiện nay không cho xây dựng trên đất nông nghiệp. “Điều này là hết sức vô lý vì đã sản xuất công nghệ cao thì phải xây dựng cơ sở hạ tầng. Chính sách chưa thuận lợi, chưa ổn định thì làm sao doanh nghiệp dám bỏ tiền ra để đầu tư lâu dài?”, đại diện một doanh nghiệp bức xúc.

Trưởng phòng Cấp phép xây dựng (Sở Xây dựng TP.HCM) Tống Đức Tiến cho biết: “Theo quy định thì đất nông nghiệp không được xây dựng mà phải chuyển đổi mục đích sang đất nông nghiệp khác mới được xây dựng các công trình như nhà kính, nhà lưới, nhà kho… Để linh động tháo gỡ vướng mắc này, năm 2020, TP.HCM đã có Công văn số 3680/UBND-ĐT hướng dẫn việc thực hiện thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác và phi nông nghiệp khác tại các huyện Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè. Mặc dù mới chỉ triển khai trên quy mô nhỏ, nhưng đến nay thì văn bản này đã bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” do không hợp pháp”.

Theo đại diện Sở TN-MT TP, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, phù hợp với quy hoạch và được đề xuất theo nhu cầu sử dụng đất của địa phương. Các quy định về luật đất đai, môi trường hiện nay rất chồng chéo và rườm rà. “Ví dụ như đất trồng lúa chúng tôi đã góp ý nhiều lần nhưng chưa được ghi nhận”, vị này nói.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP Nguyễn Hữu Hoài Phú nhìn nhận: “TP.HCM không còn lợi thế sản xuất canh tác theo kiểu truyền thống để tạo ra thương phẩm cung ứng cho thị trường. Đơn cử như bò sữa, trước đây TP còn có lợi thế là gần nhà máy sữa, nhưng bây giờ đất trồng cỏ không còn, nhà máy sữa thì đã có mặt ở nhiều địa phương khác. Ngành chăn nuôi bò sữa của TP phải tính đến chuyện tạo ra sản phẩm chế biến và khai thác du lịch, tương tự như bò sữa Long Thành”.

Đối với cây lúa nước, trả lời Thanh Niên, ông Phú đồng tình: “Đúng là thu nhập của người trồng lúa ở TP.HCM hiện nay quá thấp, TP cũng không có lợi thế và điều kiện để sản xuất lớn, chủ trương của ngành nông nghiệp cũng giảm diện tích trồng lúa. Tuy nhiên, để điều chỉnh diện tích trồng lúa theo quy hoạch không phải do TP quyết định mà phải được sự thống nhất thông qua của Quốc hội”.

Trên thực tế, việc mua bán sang nhượng đất nông nghiệp tại TP.HCM vẫn âm thầm diễn ra nhiều năm nay, một số chủ đất cho thuê lại để sản xuất đúng mục đích, nhưng cũng có nhiều người bỏ hoang không sản xuất hoặc rào chắn lại. Theo ông Phú, hiện nay diện tích đất nông nghiệp còn khoảng 105.000 ha, nhưng con số thống kê sơ bộ mỗi năm TP.HCM giảm 1.500 ha đất nông nghiệp, dự báo đến năm 2030 thì TP chỉ còn 50.000 ha đất nông nghiệp. “Chúng ta phải làm gì với diện tích ngày càng thu hẹp này?”, ông Phú đặt vấn đề.

 

Làm gì với đất trồng lúa?

Một lãnh đạo Sở TN-MT TP cho biết: Hiện nay tỷ trọng đất nông nghiệp tại TP.HCM lớn nhưng đóng góp của ngành nông nghiệp vào GRDP của TP chỉ đạt 0,8%. Trong khi đó đất cho công nghiệp, dịch vụ mặc dù chỉ chiếm 8%, nhưng đóng góp đến 99% GRDP. Chính vì vậy, TP đã đề xuất và được Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 26.200 ha đất lúa và rau màu sang mục đích khác. Quỹ đất nông nghiệp chuyển đổi dự kiến sẽ được đấu giá và kỳ vọng sẽ mang về cho ngân sách TP khoảng 1,5 triệu tỉ đồng. Số tiền này sẽ giúp địa phương có nguồn lực để hoàn thành các đề án như: chỉnh trang đô thị, di dời nhà ở ven kênh và cải tạo các chung cư cũ…

Trong buổi giám sát của HĐND về Nghị quyết 54, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết Nghị quyết 54 giúp TP được chủ động, xem xét chuyển mục đích các dự án sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Hiện TP.HCM đã và đang xây dựng đề án chuyển các huyện lên quận hoặc TP trực thuộc TP.HCM thì nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp để phát triển đô thị từ các huyện này khá lớn.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu nhận xét Chính phủ cho phép TP chuyển 26.000 đất nông nghiệp sang các loại đất khác trong giai đoạn 2021 – 2025 là định hướng đúng đắn. Hiện nay 1 ha đất nông nghiệp tại TP.HCM mỗi năm tạo ra giá trị khoảng 500 triệu đồng, nhưng khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị có thể tạo ra giá trị khoảng 55 tỉ đồng/năm.

Ngoài ra, đối với suất đầu tư trên 1 ha đất dự án tòa nhà chung cư phức hợp tại khu trung tâm TP có thể lên đến trên dưới 1.000 tỉ đồng, tạo ra giá trị tài sản rất cao, so với suất đầu tư trên 1 ha đất dự án nhà ở tại huyện ngoại thành. Vì vậy, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp ở các huyện vùng ven sẽ tạo ra nguồn lợi lớn cho việc thu ngân sách ở các địa phương, thúc đẩy quá trình đô thị hóa và nâng cấp các đô thị vệ tinh. “Nhưng vấn đề của TP khi thực hiện các kỳ quy hoạch, chuyển đổi đất chưa được hiệu quả, quá chậm”, ông Châu nói.

Định hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhưng các quy định pháp luật chưa theo kịp, vẫn còn rất quản lý “truyền thống”, chưa cởi trói để nông nghiệp đô thị phát triển. Nếu không thay đổi tầm nhìn và ý thức thì rất khó đột phá.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM Nguyễn Hữu Hoài Phú

 

QUANG THUẦN – ĐÌNH SƠN

TNO