23/12/2024

Cà Mau tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch

Cà Mau tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch

Tỉnh Cà Mau xác định tôm, cua, lúa, chuối và gỗ là những sản phẩm nông nghiệp chủ lực và định hướng “nâng chất” những sản phẩm nông nghiệp có nhiều lợi thế cạnh tranh này.

 

 

 

Cà Mau tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch - Ảnh 1.

Chế biến và xuất khẩu tôm là thế mạnh của tỉnh Cà Mau

Cụ thể, tỉnh tập trung nhiều giải pháp và nguồn lực để phát triển. 

 

Sản xuất sản phẩm sạch

Sản xuất lúa – tôm được xem là mô hình nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và góp phần cải thiện thu nhập cho nông dân. Tại Cà Mau, huyện Thới Bình có tiềm năng lớn để phát triển mô hình này (xen canh lúa – tôm càng xanh, lúa – tôm sú). Năm 2022, diện tích sản xuất lúa – tôm của huyện Thới Bình đạt hơn 18.900ha, các loại giống lúa chủ yếu sử dụng trong mô hình lúa – tôm gồm ST24, ST25, OM 2517…

Ông Nguyễn Văn Phúc – trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình – cho biết hiệu quả mô hình lúa – tôm tăng dần qua từng năm. Theo đó, bình quân năng suất lúa từ 3,8 tấn/ha vào năm 2013 tăng lên 4,8 tấn/ha vào vụ mùa năm 2021. Riêng năng suất tôm sú từ khi chuyển từ hình thức nuôi quảng canh truyền thống sang quảng canh cải tiến đạt 320 kg/ha, tăng gấp 2 lần so với thời điểm trước đây.

Ông Nguyễn Hoàng Bạo – phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình – cho biết để mô hình lúa – tôm phát triển bền vững trong thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh áp dụng các kỹ thuật canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyển giao các kỹ thuật rửa mặn trên đất nuôi tôm cho bà con nông dân. Chọn những giống lúa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ. Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Lúa sạch Thới Bình”, lúa hữu cơ nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Một trong điểm sáng phát triển bền vững mô hình lúa – tôm là tổ chức chứng nhận quốc tế toàn cầu độc lập trong quản lý và giám sát hàng hóa (Control Union) vừa trao chứng nhận đạt chuẩn ASC cho gần 600ha tôm sú trên địa bàn xã Trí Lực (huyện Thới Bình). Việc đạt chứng nhận ASC sẽ giúp sản phẩm tôm sú Cà Mau đến được các thị trường khó tính trên thế giới.

 

Tăng cường liên kết

Theo ông Nguyễn Minh Ái – phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có năm công ty chế biến xuất khẩu thủy sản phối hợp với các ban quản lý rừng phòng hộ và các đơn vị có liên quan liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm – rừng và tôm – lúa với diện tích 22.330ha.

Tương tự, tỉnh có 23 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa với diện tích 6.320ha, sản lượng tiêu thụ khoảng 30.000 tấn. Về lĩnh vực lâm nghiệp, có hai liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của Hợp tác xã (HTX) Vạn Lợi và Công ty cổ phần đầu tư Thúy Sơn với diện tích 340ha, sản lượng gỗ khai thác đạt 34.000m³, chiếm hơn 9% diện tích và 10% sản lượng gỗ khai thác toàn tỉnh…

Một trong những “hạt nhân” trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ các ngành hàng chủ lực là các HTX. Hiện trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 199 HTX với hơn 3.500 thành viên.

Ông Lê Văn Sử – phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau – cho biết mặc dù tình hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế tập thể có chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra: sản lượng liên kết tiêu thụ còn thấp, tính bền vững chưa cao…

Vì vậy, ông Sử đề nghị Liên minh HTX tỉnh Cà Mau cần phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương tập trung rà soát, đánh giá những tồn tại hạn chế trong hoạt động liên kết chuỗi giá trị. Từ đó, đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi nhận thức của người nông dân, thành viên HTX; chú trọng chọn những mô hình điểm; ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng liên kết trên cơ sở nền tảng thị trường.

Trong nhiều năm, Cà Mau luôn đứng đầu cả nước về chế biến và xuất khẩu tôm. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2022 của tỉnh tiếp tục đạt trên 1 tỉ USD.

NGUYỄN HÙNG
TTO