31/10/2024

Trẻ em Việt Nam và thế giới có xu hướng thức khuya hơn trước, ngủ ít sẽ dễ cáu gắt, uể oải hơn

Trẻ em Việt Nam và thế giới có xu hướng thức khuya hơn trước, ngủ ít sẽ dễ cáu gắt, uể oải hơn

Giấc ngủ rất quan trọng trong sự phát triển cả thể chất lẫn trí tuệ của trẻ. Trẻ thức quá khuya, ngủ không đủ giấc dễ bị uể oải, khó tập trung, khó kiểm soát hành vi… Về lâu dài làm giảm cơ hội phát triển chiều cao, nhận thức.

 

 

 

 

Trẻ em Việt Nam và thế giới có xu hướng thức khuya hơn trước, ngủ ít sẽ dễ cáu gắt, uể oải hơn - Ảnh 1.

Phụ huynh đưa con đến Trường tiểu học Sông Lô, quận Phú Nhuận, TP.HCM – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết việc điều chỉnh giờ học của học sinh tưởng chừng là nhỏ nhưng lại có tác động rất lớn khi số giờ ngủ của học sinh rất quan trọng đối với việc học tập và việc này đã có những nghiên cứu kỹ.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn dẫn chứng nhiều nghiên cứu, học sinh Việt Nam và nhiều nước có xu hướng đi ngủ muộn. Theo ông, việc này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả học tập của học sinh.

Cũng theo ông Sơn, việc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM khảo sát ý kiến và quyết định việc lùi giờ học theo đa số (93% đồng thuận) là phương án hợp lý.

 

Trẻ cần ngủ đủ 8 – 10 tiếng mỗi đêm

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), trẻ em nên đi ngủ vào lúc 20 – 21h. Thời gian lên giường chưa được coi là giờ đi ngủ mà tính từ thời gian trẻ đi vào giấc ngủ. Tùy từng độ tuổi mỗi đêm trẻ cần được ngủ từ 8 – 10 tiếng đồng hồ.

Bác sĩ Tiến cho rằng trẻ nhỏ vào học lúc 7h30 hoặc 8h là tốt nhất cho sự phát triển của trẻ vì trẻ có thể ngủ đủ giấc, tập thể dục một chút, làm vệ sinh cá nhân, chuẩn bị hành trang, ăn sáng và đến trường.

Bữa sáng rất quan trọng với trẻ vì sau khi ngủ một đêm dài trẻ sẽ bị thiếu năng lượng nên cơ thể cần được nạp năng lượng để bắt đầu một ngày học tập và những hoạt động mới.

Trẻ nên ngủ trưa với những khoảng thời gian khác nhau. Trẻ mầm non ngủ trưa từ 1 – 2 tiếng, trẻ tiểu học 30 phút – 1 tiếng. Trẻ học cấp II và cấp III thì ngủ chừng 30 phút mỗi trưa.

Trước thông tin một số trường quốc tế có giờ vào học trễ và không cho trẻ ngủ trưa. Vậy trẻ ngủ trưa là tốt hay không tốt?

Về vấn đề này, bác sĩ Tiến cho rằng cho trẻ ngủ trưa là theo thói quen và là việc cần thiết cho những trẻ chưa ngủ đủ giấc trong đêm, còn những trẻ ở những độ tuổi khác nhau đã ngủ đủ giấc từ 8 – 10 tiếng thì cũng không cần thiết phải ngủ trưa.

Ngoài ra, việc ngủ trưa còn tùy thuộc vào khí hậu, thời tiết vùng miền. Ở vùng nhiệt đới, nắng nóng nhiều, cơ thể hoạt động nhiều trong khi nóng nực sẽ sản xuất ra chất axit lactic, làm cơ thể nhanh mệt.

Vì vậy, những người sống ở vùng nhiệt đới thường muốn được ngủ trưa để cơ thể được nghỉ ngơi và trong lúc cơ thể nghỉ ngơi chất axit lactic được chuyển hóa thành hơi nước và CO2 để thải ra ngoài. Còn các nước ở vùng ôn đới, có khí hậu lạnh thì thường không ngủ trưa.

“Do vậy, để trẻ tỉnh táo đón chào một ngày mới, tiếp thu bài tốt, thậm chí không cần phải ngủ trưa chỉ cần trẻ ngủ đủ từ 8 – 10 tiếng mỗi đêm, tùy từng độ tuổi”, bác sĩ Tiến nhấn mạnh.

 

Trẻ ngủ không đủ: uể oải, khó tập trung, khó kiểm soát hành vi…

BS.CKII Thái Thanh Thủy – trưởng khoa tâm lý – vật lý trị liệu Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) – cho hay giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ.

Khi trẻ ngủ là lúc trẻ xử lý những thông tin tiếp nhận trong ngày và cũng là thời điểm trẻ sản xuất hormone tăng trưởng, có ích cho sự phát triển của xương và cơ bắp.

Tương tự, theo chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ, giấc ngủ đối với người lớn và trẻ em đều quan trọng, nhưng đặc biệt quan trọng với trẻ đang tuổi học sinh vì đây là thời gian trưởng thành về thể chất và tinh thần.

Ngủ đủ giấc là đủ cả thời gian và chất lượng. Với các bạn độ tuổi đến trường, thường do bận hoàn thành bài vở, hoạt động giải trí như xem điện thoại, chơi game nên các con đi ngủ muộn và giấc ngủ sẽ không sâu, khó khăn khi phải dậy sớm.

Thêm nữa, hormone melatonin gây ngủ thường xuất hiện muộn và kéo dài cho tới sáng hôm sau nên trẻ sẽ khó tỉnh giấc sớm.

Nếu như bắt đầu giờ học sớm thì trẻ sẽ khó lấy được tình trạng tỉnh táo khi tới trường. Trong giờ học, trẻ sẽ uể oải, khó tập trung, khó tiếp thu kiến thức; còn tâm trạng dễ buồn bực, chán nản, cáu gắt, khó kiểm soát hành vi.

Chuyên gia tâm lý Minh Huệ cho rằng thư giãn là việc làm rất quan trọng đối với trẻ. Bà khuyến cáo, trước khi đi ngủ, phụ huynh cho các con nghe những bản nhạc thiền, tiếng nước chảy, mưa rơi nhẹ nhàng. Những bản nhạc làm dịu hệ thống thần kinh tự trị, các bộ phận cơ thể được thư giãn, nhịp tim thấp hơn, giảm huyết áp.

Khi trẻ thức giấc hãy mở những bản nhạc vui vẻ, tích cực để tạo nên sự hưng phấn cho trẻ.

Bác sĩ Thanh Thủy khuyến cáo thêm, trước khi cho trẻ ngủ, phụ huynh không nên cho trẻ vận động hay đùa giỡn quá nhiều; không xem tivi, chơi game; không ngủ trong môi trường quá ồn ào, nhiều ánh sáng.

 

THUỲ DƯƠNG – XUÂN MAI
TTO