22/01/2025

Doanh nghiệp bất động sản ‘thấm đòn’ siết vốn và pháp lý

Doanh nghiệp bất động sản ‘thấm đòn’ siết vốn và pháp lý

2 quý đầu năm, doanh nghiệp bất động sản hoạt động trở lại sau dịch Covid-19 tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng đến quý 3 gặp nhiều khó khăn do vướng thủ tục pháp lý, kiểm soát thị trường vốn, tăng lãi suất ngân hàng.

 

 

Khó tiếp cận nguồn vốn

Theo Bộ Xây dựng, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới và doanh nghiệp trở lại hoạt động trong 9 tháng năm nay tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số thành lập mới là 7.124 doanh nghiệp, tăng 31,9 %; số trở lại hoạt động là 1.769 doanh nghiệp, tăng 77,3 %.

Doanh nghiệp bất động sản ‘thấm đòn’ siết vốn và pháp lý - ảnh 1

Doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn về vốn, pháp lý  LÊ QUÂN

Đồng thời, hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã dần phục hồi so với năm 2021, khi mọi hoạt động đầu tư, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Dù vậy, Bộ Xây dựng cho biết, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vẫn còn có nhiều khó khăn. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện dự án do có vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý của dự án đặc biệt là việc chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục giao đất, tính tiền sử dụng đất.

Đối với việc kiểm soát chặt chẽ của thị trường tín dụng, phát hành trái phiếu, cổ phiếu nên các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để triển khai dự án.

Lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đầu năm nay, hoạt động của thị trường bất động sản đã dần trở lại bình thường, lượng khách hàng tìm kiếm và giao dịch cũng tăng hơn nhiều so với năm 2021. Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các sàn giao dịch đã trở lại hoạt động, nhiều sàn mới cũng được thành lập, hoạt động, hiện có khoảng hơn 1.100 sàn giao dịch bất động sản hoạt động.

Doanh nghiệp bất động sản ‘thấm đòn’ siết vốn và pháp lý - ảnh 2
Vốn đầu tư thu hút nước ngoài giảm  LÊ QUÂN

Bộ Xây dựng cho biết, trong quý 1 và quý 2 thị trường bất động sản có hiện tượng phát triển nhanh về giá và lượng giao dịch ở nhiều phân khúc bất động sản và tại nhiều địa phương trên cả nước kéo theo sự phục hồi, hoạt động trở lại của các sàn giao dịch bất động sản; thu hút số lượng lớn người tham gia môi giới đặc biệt là môi giới tự do, giao dịch bất động sản. Đến quý 3, thị trường bất động sản có sự điều chỉnh, lượng giao dịch bất động sản đã giảm so với thời điểm đầu năm dẫn đến quy mô của các sàn giao dịch bất động sản giảm, số lượng môi giới bất động sản cũng giảm theo.

 

Khó khởi sắc trong ngắn hạn

Bộ Xây dựng cũng cho hay, tính đến 20.9, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 18,7 tỉ USD, bằng 84,7% so với cùng kỳ năm 2021

Tuy vốn đầu tư đăng ký mới giảm, nhưng cả vốn đầu tư điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản vẫn đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 3,5 tỉ USD, chiếm 18,7% tổng vốn đầu tư đăng ký (tính đến 20.6 là trên 3,15 tỉ USD).

Bộ Xây dựng cho biết, nước ta vẫn là điểm sáng về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, lượng vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành và lĩnh vực bất động sản nói riêng sẽ tiếp tục được cải thiện khi Việt Nam cũng như các nước trở lại trạng thái bình thường sau đại dịch.

Doanh nghiệp bất động sản ‘thấm đòn’ siết vốn và pháp lý - ảnh 3
Dư nợ tín dụng vào bất động sản giảm  LÊ QUÂN

Trong khi đó, tính đến 31.8 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản quý 3 đạt hơn 777.200 tỉ đồng (quý 2 tính đến 30.6 là hơn 784.500 tỉ đồng).

Đối với vốn trái phiếu, 9 tháng năm nay, tổng giá trị trái phiếu phát hành khoảng 323.000 tỉ đồng. Trong đó, đối với nhóm bất động sản thì giá trị phát hành là khoảng 93.000 tỉ đồng, chiếm 28,87% tổng giá trị phát hành trái phiếu.

Chuyên gia kinh tế, PGS – TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, cho biết thị trường bất động sản trong nước bị siết pháp lý, nhất là trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục giao đất, tính tiền sử dụng đất từ khoảng năm 2019. Qua 2 năm dịch Covid-19, dòng tiền đầu tư kinh doanh trong nước bị ùn ứ nên đổ dồn vào mua nhà, nhất là đất nền rất mạnh. Bước sang đầu năm nay, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục đà phục hồi sau dịch Covid-19, nhưng từ khi bị siết vốn trái phiếu, vốn ngân hàng thì lộ rõ biểu hiện suy thoái.

“Sang đến quý 3, thị trường bất động sản suy thoái rõ rệt, hầu hết doanh nghiệp bất động sản đều thấm đòn vì siết pháp lý từ vài năm qua, nguồn cung bị hạn chế và đến nay là siết vốn ngân hàng, vốn trái phiếu. Khi cơ chế điều hành trong nước siết lại đồng nghĩa giảm cơ hội đầu tư sinh lời của thị trường nên vốn đầu tư từ nước ngoài vào giảm là đương nhiên. Bất động sản ở Việt Nam luôn là ngành chiếm tỉ trọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn, nên khi cơ chế siết, vốn nước ngoài giảm là biểu hiện rõ ngay”, PGS – TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Cũng theo PGSTS Đinh Trọng Thịnh, đến nay, chưa thấy có dấu hiệu nới chính sách về pháp lý, vốn cho bất động sản nên nhiều khả năng, thời gian tới, ít nhất là 3 tháng cuối năm thị trường sẽ khó khởi sắc. Tuy nhiên, trong dài hạn, thị trường bất động sản vẫn là lĩnh vực nhiều tiềm năng.

 

LÊ QUÂN

TNO